Cổ phiếu Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai bị bán tháo

Mai Chi

(Dân trí) - Việc lên kế hoạch thua lỗ trong năm 2023 của HAGL Agrico khiến cổ phiếu HNG đối mặt nguy cơ hủy niêm yết. Ngay trong sáng nay, HNG đã bị bán tháo.

Mặt bằng chung của giá cổ phiếu trên thị trường sáng nay (28/4) khá tốt. Đây là phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, theo đó, nhà đầu tư mua vào sẽ phải chờ qua kỳ nghỉ mới có thể bán.

VN-Index vừa mở phiên đã "nhảy gap" tăng điểm. Tuy vậy, việc cổ phiếu duy trì sắc xanh từ sớm sẽ tạo nên tâm lý thận trọng đối với nhà đầu tư, nhất là khó tạo hưng phấn khi VN-Index tiệm cận vùng cản kỹ thuật.

Tạm đóng cửa, chỉ số đại diện sàn HoSE tăng 4,15 điểm tương ứng 0,4% lên 1.043,78 điểm, song biên độ tăng đã thu hẹp so với nửa đầu phiên. VN30-Index tương tự tăng 4,53 điểm tương ứng 0,44% lên 1.046,07 điểm. HNX-Index tăng 1,35 điểm tương ứng 0,66% lên 207,21 điểm và UPCoM-Index tăng 0,39 điểm tương ứng 0,5% lên 77,81 điểm.

Cổ phiếu Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai bị bán tháo - 1

Thị trường vẫn đang giao dịch tương đối tích cực ngay trước thềm kỳ nghỉ lễ (Ảnh minh họa: Hải Long).

Thanh khoản thị trường đạt 245,72 triệu cổ phiếu tương ứng 3.918,99 tỷ đồng trên HoSE và 27,59 triệu cổ phiếu tương ứng 444,53 tỷ đồng trên HNX.

Độ rộng thị trường tích cực, nghiêng hẳn về phía các mã tăng giá. Có 420 mã tăng, 48 mã tăng trần trên 3 sàn, cao hơn đáng kể so với 289 mã giảm, 26 mã giảm sàn.

Dòng tiền nhà đầu tư sáng nay đang cho thấy sự ưu ái lớn dành cho cổ phiếu ngành bất động sản. Nhiều mã trong ngành này bứt tốc và đạt được diễn biến tăng mạnh: DIG áp sát mức giá trần, tăng 6%; LHG tăng 4,6%; NLG tăng 3,5%; ITC tăng 3,4%; KBC tăng 3,4%; DXG tăng 3%.

Thanh khoản nhóm này cũng thuộc diện cao nhất thị trường. Riêng DIG khớp lệnh 20,6 triệu cổ phiếu, dẫn đầu sàn HoSE; DXG khớp lệnh hơn 11 triệu cổ phiếu; NVL khớp lệnh 9,3 triệu cổ phiếu và PDR khớp lệnh hơn 7 triệu cổ phiếu.

Song hành cùng bất động sản vẫn là cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu. Ngành này có SC5 và MCG tăng trần trên HoSE; TCR tăng 6,6%; NHA tăng 5,4%; GMH tăng 4%; PC1 tăng 2,8%. Dù vậy, tại các mã này, thanh khoản rất khiêm tốn. Tương tự là cổ phiếu tài nguyên cơ bản, diễn biến tăng mạnh song giao dịch lại rất trầm lắng: YBM tăng 5,8%; HHP tăng 5,6%; SHA tăng 2,3%; SVT tăng 2,1%; VPG tăng 2%.

Trong nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống, một số mã cũng đạt được diễn biến tăng tích cực: DAT tăng 2%; LSS tăng 1,8%; VHC tăng 1,3%; ASM tăng 1,2%; ACL, SSC, KDC, MSN, VNM tăng giá.

Tuy nhiên, HNG - mã chứng khoán của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) lại gây thất vọng lớn với nhà đầu tư khi bị bán rất mạnh. HNG giảm sàn về 3.720 đồng, trắng bên mua, dư bán giá sàn còn tới hơn 9 triệu cổ phiếu trong khi khớp lệnh giá sàn đạt 9,7 triệu đơn vị (gấp hơn 3 lần mức giao dịch bình quân mỗi phiên trong vòng 3 tháng qua). Trước đó, trong phiên 27/4, HNG cũng đã đánh mất 5,66% với khớp lệnh gần 9 triệu đơn vị.

Có thể thấy, cổ đông HAGL Agrico và giới đầu tư đang bày tỏ sự thất vọng lớn đối với doanh nghiệp khi ban lãnh đạo HAGL Agrico thẳng thắn chia sẻ trước phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên là chấp nhận lỗ trong năm 2023 để tạo tiền đề có lãi trở lại trong năm 2024. Tuy nhiên, với kế hoạch thua lỗ như vậy, HNG sẽ bị hủy niêm yết (do có 3 năm lỗ liên tiếp).

Cụ thể, trong năm nay, công ty do tỷ phú Trần Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT và ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Phó Chủ tịch HĐQT lên kế hoạch doanh thu thuần 1.282 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến 437 tỷ đồng; lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng.

Kết thúc quý I vừa qua, HAGL Agrico đạt 127 tỷ đồng doanh thu, thực hiện được 10% kế hoạch năm và báo lỗ trước thuế 124 tỷ đồng.

Sáng nay, cổ phiếu HNG bị bán tháo với dư mua giá sàn lớn, song với khớp lệnh giá sàn đạt hơn 9 triệu đơn vị, theo đó, lực cầu giá thấp với mã cổ phiếu này vẫn rất đáng kể. Nếu đà hấp thụ được giữ tới phiên chiều và nguồn cung giá sàn không gia tăng, không loại trừ khả năng HNG sẽ được "giải cứu".