Cổ phiếu ngân hàng vì sao hết “hot”?

Thanh khoản thấp, nhỏ giọt không còn giữ vị trí thống lĩnh thị trường chứng khoán, đó là tình cảnh đang diễn ra của nhiều nhóm bluechip đặc biệt trong đó có cổ phiếu khối ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng bao giờ trở lại ngôi vua?. Ảnh: Như Ý
Cổ phiếu ngân hàng bao giờ trở lại ngôi vua?. Ảnh: Như Ý

 

Ngôi “vua” đã mất 

 

Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh trong quý đầu năm 2014 và nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh lớn. Điển hình như nợ xấu của Vietinbank tăng vọt từ mức 1% lên 1,78%, tương đương 6.305 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm. Ngoài ra, nợ đáng chú ý (Nợ nhóm 2) của ngân hàng này cũng tăng 90%, lên 5.224 tỷ đồng. Không chỉ Vietinbank, nợ xấu của ACB cũng tăng từ mức 3,03% lên 3,28%..Hiếm hoi, có những ngân hàng nợ xấu giảm nhẹ như BIDV và Vietcombank.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Dù nợ xấu tăng nhưng điểm khả quan là lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn được duy trì. Lợi nhuận sau thuế của Vietinbank trong quý 1 đạt 1.135 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. BIDV cũng có mức lợi nhuận lên tới 1.536 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Tương tự các ngân hàng như Techcombank, ACB, Vietcombank cũng tăng nhẹ.

 

Trong khi đó tăng trưởng tín dụng và tài sản của nhiều ngân hàng tiếp tục sụt giảm. Thống kê trên báo cáo tài chính cho thấy dư nợ tín dụng của Vietinbank giảm tới 5,86%; ACB giảm 0,26%; tài sản của Vietcombank giảm 23.000 tỷ đồng. Một số ngân hàng có tín dụng tăng nhẹ như Sacombank, Techcombank, BIDV…

 

Dù nợ xấu một số ngân hàng tăng và dự nợ tín dụng giảm nhưng bức tranh về tình hình tài chính ngân hàng được cho là không quá ảm đạm. Tuy nhiên đại đa số ý kiến giới chuyên gia vẫn cho rằng những con số đó chưa phản ánh được thực chất sự khó khăn của ngân hàng. Với việc rất nhiều doanh nghiệp phá sản, làm ăn thua lỗ, còn thị trường bất động sản đóng băng, nếu mổ xẻ tận tình, dám chắc nợ xấu ngân hàng có thể ở mức cao hơn công bố.

 

Nội chê, ngoại vẫn mua ròng

 

Cổ phiếu STB của Sacombank từng là cổ phiếu dẫn dắt thị trường với khối lượng giao dịch luôn đứng đầu thị trường. Có một thời để biết được động thái thị trường giới đầu tư thường theo dõi biến động của giá cổ phiếu này. Tương tự, ACB cũng một thời “làm mưa làm gió” trên sàn Hà Nội.

 

Tuy nhiên, kể từ sau khi Sacombank bị thâu tóm, “đổi chủ”, cổ phiếu của ngân hàng này cũng không còn được chú ý như xưa. Khối lượng giao dịch của cổ phiếu STB mỗi phiên chỉ còn chưa đến 1 triệu cổ phiếu, giá trị khoảng một tỷ đồng là mức thanh khoản quá thấp so với thời hoàng kim của cổ phiếu.

 

Các “đại gia ngân hàng” khác như VCB, CTG, MBB, ACB cũng có khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng không hề nhỏ nhưng thanh khoản mỗi phiên cũng rất thấp. Thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng không hề tương xứng với tỷ lệ vốn hóa của ngành này trên thị trường chứng khoán.

Những cổ phiếu từng đình đám dẫn dắt thị trường như của Sacombank (mã CK: STB); hay ngân hàng Á Châu (mã CK: ACB) nay chỉ còn là quá khứ. Kết quả kinh doanh quý đầu năm 2014 và thực tế tín dụng cho thấy hành trình trở về “ngôi vua” của nhóm cổ phiếu ngân hàng chắc chắn vẫn còn “mơ về nơi xa lắm”.

 

Trong đợt sóng đầu tháng 5, cổ phiếu ngân hàng không thoát khỏi cơn “lốc xoáy” của thị trường. Vietcombank dù được đánh giá là một ngân hàng tốt và có hoạt động kinh doanh ổn định nhưng vẫn bị chao đảo. Giá cổ phiếu VCB từ mức đỉnh 32.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn 24.000 đồng/cp vào ngày 12/05. Đây là mức giá thấp nhất trong hơn một năm của cổ phiếu này. Tương tự như vậy, CTG cũng sụt giảm rất mạnh và hiện đang giao dịch quanh mức 14.000 đồng/cp, mức thấp nhất từ trước tới nay. Các cổ phiếu khác như ACB, MBB, EIB cũng đang được giao dịch ở mức rất thấp từ trước đến nay.

 

Tuy nhiên trái với sự “ghẻ lạnh” của nhà đầu tư nội, khối ngoại vẫn tiếp tục giải ngân ròng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tính trong tháng 5 vừa qua, ngoại trừ cổ phiếu EIB bị khối ngoại bán ròng 12 tỷ đồng và MBB bán ròng 0,33 tỷ đồng, các cổ phiếu còn lại trên sàn HSX đều được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khá mạnh. Khối ngoại đã mua ròng đến 82 tỷ đồng, tương đương 3,14 triệu cổ phiếu VCB. Các cổ phiếu khác như STB, BID và CTG cũng được khối ngoại mua ròng hàng chục tỷ đồng.

 

Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng khó kỳ vọng nhiều cổ phiếu ngân hàng vào lúc này. Hoạt động ngân hàng Việt Nam vẫn rất rủi ro thể hiện qua con số nợ xấu thực tế còn cao. Còn về triển vọng thì với bối cảnh kinh tế hiện nay khó kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh. Trong khi đó, biên lợi nhuận cũng sẽ ngày càng sụt giảm. Điều đó cho thấy triển vọng ngân hàng không thực sự sáng sủa.

 

“Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tái cấu trúc một cách mạnh mẽ. Đây đang là giai đoạn tranh tối tranh sáng không rõ ràng nên nhà đầu tư nhỏ lẻ thường tỏ ra thận trọng với nhóm cổ phiếu này”- Vị chuyên gia khẳng định.

 

Theo Trần Anh

Tiền Phong
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước