Cổ phiếu ngân hàng sẽ là trụ cột thị trường
(Dân trí) - Những cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết và chuẩn bị niêm yết như ACB, STB, SHB và VCB đều là những cổ phiếu có tác động lớn đến Vn-Index cũng như HNX-Index.
Tổng quan
Ngoại trừ SHB thì cả VCB, STB và ACB đều là những ngân hàng lớn và có thể coi là những tập đoàn tài chính - ngân hàng đa năng. Bên cạnh ngân hàng mẹ, các ngân hàng này có các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, cho thuê tài chính, kinh doanh vàng ngoại tệ…
Cả 3 công ty chứng khoán thuộc 3 ngân hàng này là VCBS, SBS và ACBS cũng đều là những công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường.
Ngày 16/5/2008, STB đã công bố hình thành Tập đoàn Tài chính Sacombank với sự tham gia hoạt động của 11 công ty thành viên trong đó Sacombank là hạt nhân điều phối hoạt động của toàn Tập đoàn.
ACB cũng có kế hoạch phát triển thành một tập đoàn tài chính với hai mũi nhọn là ngân hàng thương mại (nòng cốt là Ngân hàng ACB) và ngân hàng đầu tư (nòng cốt là công ty chứng khoán ACBS).
SHB chỉ là một ngân hàng được chuyển đổi từ mô hình ngân hàng thương mại nông thôn lên ngân hàng thương mại đô thị chưa lâu. Quy mô và hoạt động của SHB vẫn còn khá hạn chế.
Tuy nhiên, ngân hàng này lại có lợi thế từ những cổ đông là các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân như: Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Than Khoáng sản, Tập đoàn T&T…
VCB và SHB hiện vẫn chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài khá thấp. Trong khi đó, ACB và STB lại có cổ đông chiến lược nước ngoài nắm gần hết tỷ lệ 30% được phép. Sự tham gia của đối tác nước ngoài từ rất sớm là một trong những nhân tố giúp cho 2 ngân hành này phát triển nhanh trong những năm gần đây.
Dưới đây là một số những so sánh khái quát về hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng của các cổ phiếu này tới thị trường.
Về quy mô
Xét trên một số tiêu chí hoạt động như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, huy động, dư nợ… thì Vietcombank có quy mô lớn hơn rất nhiều so với ACB và Sacombank. Trong khi đó, đây lại là hai ngân hàng lớn nhất trong số các ngân hàng TMCP tư nhân.
Tính đến 31/12/2008, tổng tài sản của VCB đạt 222 nghìn tỷ đồng, gấp đôi ACB (105 nghìn tỷ) và gấp 3 lần STB (67 nghìn tỷ). Với tổng tài sản chỉ đạt hơn 14 nghìn tỷ, SHB thuộc nhóm có quy mô vốn nhỏ trong số các ngân hàng TMCP.
Điều này cũng phản ánh sự cách biệt quy mô giữa nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) với khối ngân hàng TMCP tư nhân.
VCB có thế mạnh trong các lĩnh vực Ngân hàng bán buôn, Tài trợ thương mại, Thanh toán quốc tế, Kinh doanh ngoại tệ, hoạt động thẻ. Với lợi thế quy mô vốn lớn, VCB có thể dàn xếp vốn hoặc tham gia đầu tư vào các dự án lớn trong các lĩnh vực như dầu khí, điện, đóng tàu… Do đó, khách hàng của VCB cũng chủ yếu là các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Với nguồn lực hạn chế hơn, ACB, STB cũng như hầu hết các ngân hàng tư nhân khác tập trung phát triển lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Đối tượng khách hàng chính là các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiệu quả hoạt động
Trong giai đoạn từ 2005 - 2008, ACB luôn duy trì được tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở trên mức 28%. Đây là một tỷ lệ cao so với các ngân hàng khác.
Năm 2008, ROE của ACB đạt 28,5%, cao hơn nhiều so với VCB (18,3%) và STB (12,3%).
Về chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS), ACB cũng dẫn đầu. Năm 2008, EPS của ACB và STB đạt lần lượt 3.478 đồng và 1.869 đồng. Đối với VCB, trong 7 tháng hoạt động dưới hình thức ngân hàng cổ phiếu (từ 1/6/2008), EPS đạt 975 đồng.
Không những có quy mô vốn nhỏ mà các chỉ tiêu sinh lời của SHB cũng khá thấp với ROE năm 2008 chỉ đạt 8,6% và EPS đạt 974 đồng. EPS năm 2007 đạt trên 2.400 đồng là do vốn điều lệ bình quân thấp.
Ảnh hưởng tới thị trường
Do có vốn hóa lớn nên cả ACB, STB và VCB nên biến động giá hàng ngày của các cổ phiếu này sẽ có tác động không nhỏ tới các chỉ số của thị trường cũng như xu hướng thị trường.
Hiện ACB vẫn là cổ phiếu có giá trị thị trường lớn nhất, đạt hơn 31.292 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa ngày 26/6). Mức vốn hóa này tương đương 33% giá trị thị trường của HNX nên biến động của HNX-Index phụ thuộc rất nhiều vào biến động giá của ACB.
SHB hiện mới niêm yết 500 tỷ trong tổng số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, ngân hàng này sẽ niêm yết nốt số cổ phiếu còn lại. Khi thực hiện niêm yết toàn bộ 200 triệu cổ phiếu thì SHB cũng sẽ trở thành một trong số những cổ phiếu có tầm ảnh hướng lớn tới HNX-Index.
Tính riêng tại sàn Hà Nội, với giá đóng cửa ngày 26/6 là 32.700 thì vốn hóa hiện tại của SHB lên tới 6.540 tỷ đồng chỉ đứng sau ACB và đứng trên cả PVS, KBC, VCG...
Tại HoSE, STB hiện là cổ phiếu có vốn hóa đứng thứ ba sau BVH (27.792 tỷ) và PVF (21.100 tỷ). Do đó, STB cũng là một trong những cổ phiếu chủ chốt có ảnh hưởng lớn tới Vn-Index.
Đối với VCB, tính theo giá tham chiếu lên sàn là 50.000 đồng thì ngân hàng này có vốn hóa lên tới hơn 60.500 tỷ đồng, tương đương 21% giá trị thị trường của các cổ phiếu đang niêm yết tại HoSE.
Do VCB chỉ niêm yết 9,28% lượng cổ phiếu lưu hành nên ảnh hưởng của cổ phiếu này tới Vn-Index không quá lớn. Hơn 112 triệu cổ phiếu VCB được niêm yết có giá trị thị trường là 5.600 tỷ đồng. Hiện tại có 14 cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn hơn con số này.
Tuy nhiên, dù không chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu tính chỉ số Vn-Index thì diễn biến giá của VCB chắc chắn sẽ vẫn có tác động mạnh tới nhà đầu tư.
Cả VCB và Vietinbank (dự kiến lên sàn giữa tháng 7) đều chỉ được niêm yết 1 tỷ lệ nhỏ có thể là do phía cơ quan chức năng không muốn 2 cổ phiếu này chiếm tỷ trọng lớn trong công thức tính chỉ số chung của thị trường.
K.A.L