Cổ phần hóa, nhiều ông lớn suýt 'bốc hơi' nghìn tỷ

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, KTNN xác định giá trị các doanh nghiệp, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Sang năm 2017, KTNN tiếp tục thực hiện tại 6 doanh nghiệp, kết quả cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng.

Theo tính toán của ông Phớc, bình quân mỗi doanh nghiệp như vậy làm thất thoát trên 1 nghìn tỷ đồng, nếu không kiểm toán lại. Vậy số tiền nghìn tỷ suýt “bốc hơi” này rơi vào những “ông lớn” nào?


Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị được giao quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, được kiểm toán chỉ ra mức chênh lệch vốn nhà nước hơn 4.586 tỷ đồng. Ảnh: CTV.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị được giao quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, được kiểm toán chỉ ra mức chênh lệch vốn nhà nước hơn 4.586 tỷ đồng. Ảnh: CTV.

Kiểm toán 8 DNNN kiến nghị tăng vốn hơn 8 nghìn tỷ đồng

Theo KTNN, quá trình xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa có nhiều nguy cơ thất thoát tiền và tài sản nhà nước do đánh giá, xác định giá trị tài sản doanh nghiệp thấp hơn giá trị tài sản thực tế. Đặc biệt, việc này càng hiện hữu với các doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn. Trong năm 2016, qua kiểm toán 8 DNNN được các tổ chức tư vấn định giá xác định theo phương pháp tài sản, đơn vị này đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là trường hợp của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn. Theo báo cáo, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này hơn 40.342 tỷ đồng. Tuy nhiên sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng, tức chênh lệch hơn 4.586 tỷ đồng. Hay đối với Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, có con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 31.500 tỷ đồng. Thế nhưng, con số sau kiểm toán lại lên tới hơn 33.500 tỷ đồng, mức chênh lệch trên 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn lại cũng có mức chênh lệch lên tới hàng trăm tỷ đồng, điển hình như Công ty mẹ - Tổng Công ty Dầu Việt Nam chênh 512 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam chênh 440 tỷ đồng… Từ thực trạng trên có thể thấy, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của các tổ chức tư vấn định giá và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp do KTNN xác định có sự chênh lệch rất lớn.

Tương tự, KTNN khu vực IV cũng thực hiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa 3 Tổng công ty: IDICO, Becamex và Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Và kết quả kiểm toán cũng làm tăng giá trị vốn nhà nước tại các đơn vị này lên 2.223 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp tại Tổng Công ty Becamex đã làm tăng giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước lên 1.333 tỷ đồng.

Quá nhiều lỗ hổng

Từ kinh nghiệm thực tế, KTNN cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch vốn, trước tiên phải kể đến phương pháp mà các tổ chức tư vấn định giá phải thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, theo quy định tại các văn bản này thì các phương pháp thẩm định giá mà tổ chức tư vấn định giá được áp dụng có độ mở cao, dẫn đến việc lựa chọn phương pháp thẩm định giá, cách thức tiến hành phụ thuộc vào lập luận, đánh giá của các tổ chức tư vấn định giá.

Mặt khác, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, tổ chức tư vấn định giá có thể là doanh nghiệp thẩm định giá, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán. Về nguyên tắc, hoạt động chuyên môn của các công ty này chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thẩm định giá, chứng khoán, chế độ kế toán, kiểm toán. Nhưng việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa mang tính đặc thù, chịu sự điều chỉnh của pháp luật do cơ quan quản lý các doanh nghiệp nhà nước ban hành. Do đó, việc kiểm tra về mặt chuyên môn liên quan đến hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn…

Với Thông tư 127/2012/TT-BTC, các tổ chức tư vấn định giá nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam chỉ được phép cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa khi hợp tác, liên danh với các tổ chức tư vấn định giá trong nước được Bộ Tài chính công nhận. Quy định như vậy đã hạn chế các tổ chức tư vấn định giá nước ngoài, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, hạn chế việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế.

KTNN khu vực IV cho rằng, những hạn chế, thiếu sót trong giai đoạn này chủ yếu do xác định giá trị thị trường của tài sản máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa, nhà cửa, vật kiến trúc chưa chính xác; rồi hồ sơ, tài liệu thẩm định giá lưu trữ chưa đầy đủ theo tiêu chuẩn thẩm định giá; việc kiểm kê, phân loại tài sản cũng chưa thực hiện thuê tổ chức tư vấn tham gia, phân loại tài sản; hàng tồn kho đã được kiểm kê nhưng chưa được xác định giá trị để tính vào giá trị doanh nghiệp; định giá các khoản đầu tư vào công ty con không căn cứ vào báo cáo tài chính phù hợp…

Theo KTNN khu vực IV, quá trình cổ phần hóa đang được đẩy nhanh, tuy nhiên, đi kèm với đó là tiềm ẩn không ít rủi ro, làm thất thoát tiền, tài sản nhà nước nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Ngoài phát huy vai trò kiểm toán, KTNN khu vực IV cho rằng, phải sửa đổi văn bản, chính sách liên quan đến cổ phần hóa, giúp bịt các khe hở chính sách, làm cho quá trình cổ phần hóa diễn ra minh bạch hơn, hiệu quả hơn.

“Vừa qua khi kiểm toán một doanh nghiệp, tôi đã đề nghị đơn vị này phải nộp vào ngân sách số lợi nhuận chưa chia. Mà cái này đoàn kiểm toán suýt nữa thì bỏ sót, với con số lên đến trên 2.400 tỷ đồng. Khi tôi vào duyệt, phát hiện ra đã yêu cầu giải trình, rồi thu nộp lại ngân sách. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá, kể cả những đồng chí rất già dặn trong KTNN vẫn có những sơ hở, thiếu sót” - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Theo KTNN khu vực IV, kết quả kiểm toán Becamex chủ yếu từ việc điều chỉnh giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Cụ thể là khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương. Đơn vị tư vấn ghi nhận phần vốn đầu tư của Becamex vào đơn vị này theo giá trị doanh nghiệp của Công ty Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương được đơn vị tư vấn đánh giá lại chưa được phê duyệt của UBND tỉnh. Đoàn kiểm toán đã căn cứ vào quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp của UBND tỉnh Bình Dương, biên bản kiểm toán năm tài chính 2015 để điều chỉnh phần vốn đầu tư của Becamex tăng thêm 448 tỷ đồng.

Kế đến là khoản đầu tư vào Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), đơn vị tư vấn ghi nhận giá trị khoản đầu tư theo báo cáo tài chính riêng. Tuy nhiên, VSIP lại là công ty mẹ có các khoản đầu tư vào các công ty con. Do đó, đoàn kiểm toán đã căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty VSIP để đánh giá lại khoản đầu tư của Becamex vào Công ty VSIP, tăng vốn nhà nước 837 tỷ đồng.

Theo Luân Dũng
Tiền Phong

Cổ phần hóa, nhiều ông lớn suýt 'bốc hơi' nghìn tỷ - 2