Có niềm tin, dân sẽ bán vàng

Nếu như huy động được lượng vàng đang cất giữ trong dân cư để đáp ứng cho nhu cầu vốn để phát triển kinh tế là điều hết sức ý nghĩa với nền kinh tế.

Nhưng để có thể thực hiện được phương án huy động vàng trong dân, điều đầu tiên đó là phải đảm bảo được lòng tin của người có vàng chuyển tài sản từ trong két sắt của mình ra vận hành trong nền kinh tế.
 
Mua bán vàng, cấm cũng không nổi

Mua bán vàng, cấm cũng không nổi

Xét về bản chất kinh tế và xã hội, việc người dân tăng cường nắm giữ vàng đồng nghĩa với việc lòng tin đối với đồng tiền chưa thực sự cao, bởi vì ai cũng biết rằng nếu như nắm giữ tiền mặt, khi lạm phát tăng sẽ đồng nghĩa với việc đồng tiền mất giá. Chính vì tâm lý của không nhỏ bộ phận dân chúng như vậy nên khi có tiền, người Việt nam thường mua vàng để cất giữ.

Muốn huy động vàng, trước hết, phải coi vàng đúng theo chức năng của nó, là 1 loại tiền tệ đặc biệt, để tránh tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế thì không được xem vàng là phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, thị trường vàng phải được lưu thông một cách bình thường, khi người dân có nhu cầu bán vàng để lấy tiền chi tiêu hoặc đầu tư, kinh doanh họ phải thực hiện được một cách dễ dàng, có như vậy mới có thể huy động được số vàng đang cất trữ trong dân để phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Tại sao lại như vậy? Điều này xuất phát từ thực tế sau đây: nếu Nhà nước ngăn cấm việc trao đổi, mua bán vàng, việc ngăn cấm này chỉ thực hiện được bề nổi mà thôi, với chức năng vốn có của vàng và với thể tích gọn nhẹ, nếu ngăn cấm việc mua bán vàng trên thị trường, sẽ dẫn tới tình trạng đưa vàng ra nước ngoài để bán, điều này có thể gây ra một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng là tài sản của nhân dân được tích trữ dưới dạng vàng hàng trăm năm nay sẽ chảy ra nước ngoài.

Hơn nữa khi càng cấm đoán thì nguy cơ giao dịch ngầm, buôn bán vàng trái phép sẽ diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Nếu không cho phép vàng thực hiện theo bản chất, chức năng vốn có của nó, sẽ càng làm cho quá trình kiểm soát của Nhà nước đối với loại tiền tệ đặc biệt này trở nên phức tạp và sẽ không tận dụng được những nguồn lực to lớn trong toàn xã hội, bởi vì nếu như người sở hữu vàng chỉ được cất giữ ở trong nhà, vàng sẽ bị mất hết các chức năng vốn có của nó khi đó việc cất giữ vàng chẳng khác nào cất giữ một tài sản vô giá trị.

Đảm bảo lợi ích cho người giữ vàng

Xét theo quan điểm xã hội và bản chất kinh tế, có thể xử lý vấn đề này theo hướng sau: Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, tài sản của người dân phải được đảm bảo, khi người gửi rút ra, cần đảm bảo được giá trị của lượng vàng mà họ gửi vào Nhà nước.

Có 2 cách thức xử lý như sau:

Một là, có thể gửi vàng vào Nhà nước, rút ra là vàng: Trường hợp này Nhà nước phát hành chứng chỉ gửi vàng, chứng chỉ này được Nhà nước đảm bảo cho người dân và Nhà nước phải cam kết với người gửi rằng: Trong bất kỳ thời điểm nào khi có nhu cầu, người dân đều có thể rút được vàng ra một cách dễ dàng thuận tiện.

Hai là: Chứng chỉ gửi vàng khi rút ra có thể được thanh toán bằng nội tệ hoặc ngoại tệ

Trường hợp Nhà nước thanh toán bằng ngoại tệ, cần phải trả cho người dân bằng các loại ngoại tệ mạnh như đồng Euro, Đôla Mỹ,... việc thanh toán này căn cứ vào giá vàng tính trên thị trường quốc tế tính theo giá đồng Euro, đồng Đôla Mỹ tại thời điểm rút để trả cho người gửi, tuy nhiên để tránh sự ngoại tệ hóa nền kinh tế thì phương án này nên hạn chế.

Trường hợp thanh toán bằng tiền Việt nam cho người gửi vàng thì phải căn cứ vào giá cả mua bán trên thị trường tại thời điểm rút để trả cho người gửi.

Để đảm bảo cho lợi ích của người gửi vàng, không nên quy đổi lượng vàng trong chứng chỉ gửi vàng tại thời điểm phát hành theo đồng nội tệ tại thời điểm phát hành và tính lãi cho người gửi theo số tiền đã quy đổi này, bởi nếu làm như vậy sẽ thiệt hại cho người có vàng! tại sao lại gây thiệt hại cho người gửi vàng? điều này bị chi phối bởi 2 yếu tố cơ bản là lạm phát và sự tăng giá của vàng trên thị trường quốc tế. Nếu như nền kinh tế bị lạm phát dẫn tới giá trị của đồng tiền bị giảm xuống sẽ làm cho quyền lợi của người gửi vàng bị ảnh hưởng và yếu tố thứ hai cũng không được phép loại trừ: đó là trong trường hợp kinh tế thế giới còn bất ổn thì việc giá vàng quốc tế còn tăng lên theo thời gian là điều khó tránh khỏi.

Thực hiện việc thanh toán cho người gửi vàng như hai trường hợp đã nêu ở trên, đáp ứng được yêu cầu về sự minh bạch và tránh bị thiệt hại cho người dân, như vậy mới tạo ra sự yên tâm và tin tưởng của người dân khi họ gửi vàng vào Nhà nước.

Mặt khác để đảm bảo an toàn cho số lượng vàng Nhà nước huy động của dân thì Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra thực hiện không thể cho phép các Ngân hàng thương mại thực hiện điều này, nhằm tránh những rủi ro đạo đức có thể xảy ra.

Lượng vàng huy động được phải cất giữ tại kho của Ngân hàng Nhà nước hoặc tại kho bạc Nhà nước. Một phần của số vàng này không được phép sử dụng mà chỉ cất giữ ở trong kho, về bản chất đây cũng là hình thức của việc dự trữ ngoại tệ dùng để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp có những biến động bất lợi ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đồng thời là phương tiện cực kỳ quan trọng trong vấn đề đảm bảo ổn định giá trị của đồng Việt nam, phần còn lại Nhà nước có thể thế chấp lượng vàng đó tại các tổ chức tài chính quốc tế hoặc Ngân hàng nước ngoài nhằm huy động ngoại tệ phục phụ cho nhu cầu phát triển và ổn định nền kinh tế.
Theo Trịnh Hữu Hạnh
VEF