Có nhiều lợi thế, vì sao CEO Việt vẫn "thua" trên sân nhà?
(Dân trí) - Nhân sự Việt có thể đáp ứng được về trình độ chuyên môn, cùng nhiều lợi thế nhưng đến nay vẫn bị thua ngay trên sân nhà trong các tập đoàn lớn.
Vấn đề này được đặt ra chương trình "Định nghĩa lại lãnh đạo & Định nghĩa lại tài năng" do Trường Doanh nhân PACE và IPL Scholarship tổ chức tại TP.HCM với gần 1.000 doanh nhân trẻ, lãnh đạo trẻ, đại diện doanh nghiệp tham dự.
Nhân sự Việt ít có chỗ ở vị trí quản lý cấp cao
Trước đây, nhân sự Việt Nam ít có chỗ ở vị trí quản lý cấp cao tại tập đoàn, nhất là các tập đoàn đa quốc gia hầu hết xuất phát từ việc chưa đủ khả năng quản lý, chuyên môn.
Nhưng với cơ hội học tập ngày càng rộng mở, cùng với lượng du học sinh ở nước ngoài trở về, có thể nói, nhân lực Việt không thua kém về khoản tài năng.
Chưa kể họ có rất nhiều lợi thế sân nhà như ngôn ngữ, am hiểu địa bàn, thị trường, văn hóa, lối sống... Mức lương, chi phí cho nhân lực Việt cũng "dễ thở" hơn nhiều.
Vậy nhưng, thực tế, các tập đoàn vẫn ít nơi dành vị trí quản lý cấp cao cho nhân sự trong nước, nếu không muốn nói là họ rất "ngán". Trong nhiều lĩnh vực như tài chính, điện tử, hàng tiêu dùng cho đến giáo dục, các tập đoàn vẫn đầu tư "rước" nhân lực từ nước ngoài vào cho các vị trí quan trọng.
Chị Trương Mỹ Dung, phụ trách nhân sự tại một tập đoàn lớn đóng ở TP.HCM cho biết, các vị trí CEO trong tập đoàn hầu hết là người nước ngoài, rất ít, có thời điểm còn không CEO người Việt.
Theo chị Dung, không chỉ các tập đoàn đa quốc gia mà chính các công ty trong nước có tiềm lực, nhiều nơi vẫn chọn nhân sự người nước ngoài cho các vị trí cấp cao.
Mức lương và chi phí để đưa CEO nước ngoài vào rất cao nhưng từ trước và cả bây giờ, đây vẫn là đối tượng ưu tiên cho các vị trí này.
Tài nhưng lắm... tà
Ông Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED chỉ ra thực trạng, trước đây rất ít người Việt đủ khả năng, trình độ để làm CEO trong các tập đoàn đa quốc gia.
Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, còn bây giờ, nhiều người Việt Nam đủ trình để ngồi ghế CEO trong các tập đoàn này, thậm chí làm xuất sắc hơn nhiều người nước ngoài nhưng vẫn rất ít người được lựa chọn.
Nhiều tập đoàn chấp chọn CEO nước ngoài lương phải trả cao hơn, hiệu quả có khi thấp hơn. Họ từ chối CEO Việt mức lương thấp hơn, hiệu quả công việc có khi cao hơn.
Vì sao có nghịch lý này?
Theo ông Giản Tư Trung, nhân sự trong nước thường "tài đi với tà", trong khi các tập đoàn cần người tài nhưng không "tà". Hơn nữa, họ cần người giỏi nhưng họ từ chối người giỏi mà chưa chịu lớn. Chúng ta có nhiều người giỏi nhưng lại có ít người "lớn".
"Tuyển một CEO nước người, nếu họ không làm được việc, sa thải trong tích tắc và xách ly về nước. Trước khi về, họ vẫn cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội đến đây. Còn nhiều CEO trong nước, nếu không hợp, chia tay rất nan giải, có khi họ "quậy" banh nhà lầu luôn", ông Trung nói.
"Nếu buộc phải chọn giữa trình độ và thái độ, người ta sẽ chọn thái độ. Trong bổ nhiệm quản lý cấp cao, tài năng chưa bao giờ và không bao giờ là yếu tố số 1", ông Giản Tư Trung cho hay.
Ông Trung nêu quan điểm, điều quan trọng nhất khi bổ nhiệm nhân sự cấp cao là yếu tố an toàn. An toàn không phải lúc đang hợp tác với nhau mà chính là khi chia tay.
"Chia tay mà không đòi quà" là vậy! Khi chia tay, con người ta mới hiện nguyên hình, bản chất của mình rõ nhất. Không có trình độ thì không làm được gì hết, không được xem nhẹ trình độ nhưng trình độ không bằng thái độ", chuyên gia này bộc bạch.
Nói về việc CEO Việt "thua" trên sân nhà, bà Trương Mỹ Dũng cho rằng, CEO Việt nhiều người khi vào làm việc đưa ra những yêu sách, đòi hỏi rất... trẻ con, chưa kể một số người đạt được vị trí này lại thường có hội chứng "ngôi sao", dễ ảo tưởng vào bản thân. Khi đó, rất khó hợp tác.
Khoảng 20% lao động nước ngoài tại Việt Nam là quản lý, giám đốc điều hành
Thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, tính tới đầu tháng 4/2021, cả nước có 101.550 lao động nước ngoài làm việc, trong đó: Lao động giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và đông nhất là chuyên gia với 58%...
Lao động nước ngoài tại Việt Nam đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đông nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…