1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Có khuất tất tài chính tại BQL di tích Đền Hùng?

(Dân trí) - Hòa trong dòng người đổ về chuẩn bị cho dịp lễ hội văn hóa Giỗ tổ Hùng Vương, phóng viên chứng kiến nhiều hạng mục công trình của Đại lễ vẫn còn dang dở nhưng hàng quán đã mọc lên chen chân du khách.

Có khuất tất tài chính tại BQL di tích Đền Hùng? - 1
Nhiều hộ kinh doanh tại đây khẳng định họ phải đóng phí cho BQL mỗi tháng vài chục triệu đồng (ảnh: H. Ngân).

Từ cổng chính dẫn tới đền Hùng, la liệt các ki-ốt to, nhỏ với đủ các lọai mặt hàng được bày bán. Chỉ tính riêng các ki-ốt cỡ 50 - 60m2 đã có đến con số hàng trăm, nếu cộng cả các quầy bán hàng 5 - 7m2 thì phải đến con số hàng nghìn.

Ngay tại khu vực sân của Ban quản lí Di tích lịch sử Đền Hùng (BQL), người dân chỉ cần dựng được cái ô, một xe hàng… là đã trở thành một “ki ốt” di động. Những người bán hàng này cho biết, để được một suất bán hàng tại đây, mỗi tháng không phải mùa lễ hội họ phải nộp cho BQL 700 - 800 nghìn đồng, còn nếu vào mùa lễ hội như hiện nay mỗi tháng là 3 triệu đồng.

Tuy nhiên họ khẳng định việc “thu phí” ở đây rất lạ, người dân cứ đóng tiền và kí tên vào sổ còn không được nhận bất cứ một hóa đơn thu tiền nào theo quy định của Bộ Tài chính.

Dời khỏi khu vực BQL, chúng tôi gặp các chủ ki-ốt gần khu vực Đền Giếng, tại đây một chủ hộ kinh doanh khẳng định: “Từ nhiều năm nay gia đình tôi thuê ki-ốt của BQL để kinh doanh hàng ăn uống, quà lưu niệm và mỗi năm gia đình phải nộp hơn 100 triệu đồng”.

Cũng giống như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên, các hộ kinh doanh tại đây cho biết, việc họ nộp tiền cho BQL không hề có biên lai thu tiền, chỉ cần ký vào một cuốn sổ tại BQL di tích đền Hùng là xong việc.

Một chủ ki-ốt cho biết, vào tháng lễ hội tôi phải nộp cho BQL 30 triệu đồng/tháng, những tháng còn lại trong năm là 7 triệu đồng/tháng “nhưng cũng chỉ là kí sổ chứ không có biên lai hay chứng từ”.

Tiếp tục tìm hiểu về kiểu thu tiền cho thuê ki-ốt tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, nhiều tiểu thương đều khẳng định họ nộp tiền thuê ki-ốt hàng tháng cho BQL nhưng không có phiếu thu mà chỉ kí sổ.

Để có thông tin đầy đủ về vấn đề này, phóng viên đã tìm gặp ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc BQL di tích Đền Hùng. Khi được hỏi về tổng số tiền thu từ các ki-ốt dịch vụ tại Đền Hùng 1 năm thì ông Khôi nói rằng không đáng là bao nhiêu, chỉ khoảng 70 triệu đồng?!

Như vậy, theo trả lời của ông Khôi thì tổng số tiền thu của mấy trăm ki-ốt kia chưa bằng 1 ki-ốt mà phóng viên ghi nhận từ các tiểu thương?! Tại sao lại có 2 con số chênh lệch nhau đến hàng trăm lần như vậy?

Tiếp tục làm rõ những khoản thu mà người dân cho rằng họ chỉ được kí vào sổ mà không phải là hóa đơn chứng từ theo quy định thì ông Khôi trình ra nhiều tập phiếu thu của các năm từ 2007 - 2010. Trên các phiếu thu này thể hiện số tiền thu của mỗi hộ kinh doanh chỉ vẻn vẹn vài trăm nghìn đồng.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, các phiếu thu này do BQL đền Hùng lập ra và không phải là biên lai thu tiền theo quy định của Bộ Tài chính. Như vậy, tổng số tiền mà BQL đền Hùng đã thu của các hộ kinh doanh trong nhiều năm qua là bao nhiêu, đã sử dụng ra sao là điều mà cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc để làm rõ.

Hồng Ngân