Cơ hội hút vốn đầu tư nhờ ESG, doanh nghiệp Việt cần làm gì?

Ninh An

(Dân trí) - Xu hướng đưa ESG thành điều kiện cần khi đầu tư vào một doanh nghiệp đang ngày càng phổ biến. Hiện nay, tài chính xanh có lãi suất ưu đãi hơn so với các nguồn vốn thông thường.

ESG trở thành điều kiện cần khi đầu tư vào doanh nghiệp

Khái niệm ESG được ra đời vào giữa những năm 2000 trong một báo cáo của chuyên gia đầu tư Ivo Knoepfel. Ông lập luận rằng các yếu tố ESG trong phân tích tài chính nên được tính đến trên thị trường vốn vì chúng giúp xác định rủi ro, tác động đến việc đánh giá doanh nghiệp và dẫn đến thay đổi xã hội tích cực.

ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Dữ liệu về ESG sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức tăng tính minh bạch, nắm bắt các rủi ro phi tài chính và cơ hội đối với hoạt động hàng ngày.

Sau khoảng 10 năm từ các yếu tố về môi trường thành tiêu chí bắt buộc khi xem xét đầu tư tài chính, sau đó là yếu tố xã hội và cuối cùng là quản trị bền vững. Hiện nay, các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán đều xem xét ESG như một điều kiện cần khi rót vốn vào một doanh nghiệp.

Đại diện một quỹ đầu tư quản lý lớn tại Việt Nam cho biết ESG là một trong những yếu tố đầu vào đánh giá rủi ro của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không quản lý, không thực hiện, tuân thủ tốt về ESG thì sẽ có thang điểm rủi ro cao và quỹ này sẽ không đầu tư.

Ước tính hơn 3.800 quỹ đầu tư trên thế giới đang huy động được khoảng 121.000 tỷ USD để đầu tư vào các tài sản ESG. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững thu hút dòng đầu tư dài hạn này.

Thị trường tài chính xanh ngày càng trở thành kênh dẫn vốn quan trọng ở các nền kinh tế nhưng lại là vấn đề khá mới đối với viên thị trường chứng khoán và thị trường tài chính Việt Nam.

Cơ hội hút vốn đầu tư nhờ ESG, doanh nghiệp Việt cần làm gì? - 1

ESG dần trở thành điều kiện cần khi đầu tư vào doanh nghiệp (Ảnh: IT).

Doanh nghiệp cần làm gì trước xu thế mới?

Thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững ngày càng đóng vai trò quan trọng để các doanh nghiệp thu hút được tài chính xanh. Nhưng thực tế hiện nay, nhận thức về vấn đề này của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ở mức độ thấp.

Lấy số liệu từ cuộc khảo sát "Đánh giá mức độ nhận thức của doanh nghiệp liên quan tới bài toán giảm phát thải và chuyển đổi xanh" được thực hiện vào tháng 8/2022, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết 20% những người tham gia cho biết đến cam kết tại COP26.

Chỉ hơn 10% doanh nghiệp biết đến những bài toán ảnh hưởng trực diện tới doanh nghiệp như xu hướng thuế carbon, xu hướng điều chỉnh thuế cacbon tại các quốc gia châu Âu, các quốc gia phát triển, những Nghị định, Quyết định trong nước liên quan cần phải thực hiện ngay trong năm 2022 và 2023.

Sau một thời gian thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, nhận thức của doanh nghiệp về tăng trưởng bền vững, ESD đã thay đổi. Tuy nhiên họ lại đối mặt với câu hỏi khác là "Nhưng phải bắt đầu từ đâu?".

Đại diện Ban IV cho biết khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước là doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc đơn giản nhất là minh bạch thông tin về hoạt động hiện tại. Ví dụ doanh nghiệp đang mong muốn chuyển đổi xanh cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Tiếp theo, để tiếp cận tín dụng xanh dễ dàng hơn, doanh nghiệp cần thực hiện 2 điều. Thứ nhất là doanh nghiệp cần thay đổi quản trị, chiến lược cũng như tuyên bố của doanh nghiệp xanh hơn, ít phát thải hơn, thân thiện với môi trường hơn. Thứ hai là doanh nghiệp cần tuân thủ và phù hợp với các công ước, thông lệ quốc tế.

Để làm được những điều này, doanh nghiệp cần phải xanh từ trong quản trị doanh nghiệp. Họ cần phải đưa các vấn đề phát triển bền vững, tài chính xanh vào trong chiến lược tổng thể của doanh nghiệp, từ đó đi vào nghị trình hoạt động của cấp lãnh đạo cao nhất là hội đồng quản trị.

Khi những nội dung này được đưa vào các nghị trình, doanh nghiệp sẽ đưa ra được các hành động cụ thể như thiết lập hệ thống công nghệ, hệ thống đo lường khí phát thải, sử dụng năng lượng, tái chế nguyên vật liệu hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.