1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững

Trường Thinh

(Dân trí) - Việc mở rộng mô hình canh tác khoai tây bền vững ra các tỉnh phía Bắc giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng và cơ hội có nguồn thu nhập ổn định.

Nhân rộng mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững tại các tỉnh phía Bắc

Ngày 25/10, nhóm công tác PPP (đối tác công - tư) về rau quả gồm Trung tâm Khuyến nông quốc gia đại diện Khối công, PepsiCo và Syngenta đại diện Khối tư, đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây tại các tỉnh phía Bắc.

Với sự có mặt của gần 300 đại biểu là lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các doanh nghiệp, trường đại học, các dự án quốc tế GDA- USAID và JICA, hợp tác xã, nông dân của 13 tỉnh phía Bắc và 2 tỉnh Tây Nguyên, hội thảo trao đổi các nội dung hợp tác PPP để phát triển mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững, đồng thời khởi động mùa vụ khoai tây đông xuân 2024-2025.

Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững - 1

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây được tổ chức tại Hải Dương.

Tại các tỉnh phía Bắc, cây khoai tây có vị trí quan trọng với cơ cấu vụ đông và vụ xuân. Theo Bộ NN & PTNT, diện tích sản xuất cây vụ đông hằng năm khoảng 400.000 ha, trong đó khoai tây dao động 15.000-18.000 ha, sản lượng 250.000-320.000 tấn. Tuy nhiên, với điều kiện đất đai và thời tiết có nhiều thuận lợi, tiềm năng sản xuất khoai tây các tỉnh phía Bắc được đánh giá khoảng 150.000-200.000 ha/năm.

Vì vậy, PepsiCo đã mở rộng mô hình ra các tỉnh phía Bắc để chuẩn bị vùng nguyên liệu cho nhà máy thực phẩm mới tại Hà Nam. Vụ đông xuân 2024-2025, PepsiCo cùng với Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị khoai tây triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với tổng diện tích dự kiến đạt 320 ha, trong đó thử nghiệm mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên 23ha.

Chia sẻ về kế hoạch mở rộng, ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông nghiệp PepsiCo Việt Nam cho biết: "Việc mở rộng mô hình chuỗi giá trị khoai tây ra phía Bắc giúp thực hiện mục tiêu chuyển dịch vùng nguyên liệu của PepsiCo, nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo 100% nguồn cung ứng nguyên liệu đạt chuẩn cho nhà máy mới tại Hà Nam, gia tăng giá trị xuất khẩu khoai tây tươi ra thị trường quốc tế, đẩy mạnh nông nghiệp tuần hoàn".

Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững - 2

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát biểu tại hội thảo.

Đánh giá cao việc mở rộng mô hình, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: "Những trao đổi cởi mở tại hội thảo góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp nông học mới vào sản xuất, giúp nông dân miền Bắc có được những vụ khoai tây bội thu, tiết kiệm chi phí và công sức".

Tiền đề vững chắc từ kinh nghiệm triển khai thành công tại Tây Nguyên

Năm 2008, PepsiCo Foods Việt Nam đã triển khai thực hiện vụ đầu tiên tại Lâm Đồng để phát triển vùng nguyên liệu khoai tây trong nước với mục tiêu nâng tỷ lệ nguồn cung tại chỗ, giảm nguồn nhập khẩu.

Từ năm 2019, PepsiCo liên kết với các đối tác, trong đó có Syngenta - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về rau quả, cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Yara, Mimosatek, Netafim Khang Thịnh, USAIDS Resonance - dự án GDA và Care - Dự án She Feeds The World (SFtW) thực hiện mô hình sản xuất khoai tây bền vững ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Tây Nguyên.

Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững - 3

Thành công tại Tây Nguyên là tiền đề để PepsiCo nhân rộng mô hình ra các tỉnh phía Bắc.

Từ 4 hộ nông dân với diện tích 27ha năm đầu tiên triển khai và đạt năng suất ban đầu 8 tấn/ha, đến 2024, đã có hơn 1.500 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích gần 1.700 ha và năng suất trung bình đạt 24.6 tấn/ha, cao hơn mức trung bình tại Thái Lan, Indonesia..., đặc biệt, có hộ đạt năng suất 54 tấn/ha.

Sau thành công tại Tây Nguyên, mô hình thí điểm trong vụ đông xuân 2023-2024 ở tỉnh Thanh Hóa và Hải Dương cũng đạt năng suất lên tới 33 tấn/ha, đồng thời tiết kiệm hàng nghìn m3 nước và tăng thu nhập cho nông dân. Vì vậy, việc mở rộng mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững ra các tỉnh phía Bắc giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng và nguồn thu nhập ổn định.

Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững - 4

Tổng diện tích mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững tại phía Bắc dự kiến đạt 320 ha.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại và Phát triển bền vững, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam chia sẻ: "Mô hình sản xuất khoai tây bền vững được mở rộng ra phía Bắc với kỳ vọng hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến, đồng thời giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, qua đó có được vụ mùa bội thu, tiết kiệm chi phí và nhân công".

Bên cạnh các hướng dẫn để ứng dụng số hóa trong nông nghiệp như thăm đồng bằng drone, quản lý canh tác, điều chỉnh nước tưới ngay trên ứng dụng điện thoại..., bà con nông dân trồng khoai tây còn được hướng dẫn nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn. Trong xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, sạch như hiện nay, mô hình góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện thực hóa kế hoạch phát triển ngành hàng khoai tây bền vững, đồng thời chung tay xây dựng tương lai xanh của ngành nông nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm