Có hay không "bàn tay" trục lợi trong sự cố nghẽn lệnh trên sàn HSX?

Mai Chi

(Dân trí) - Ông Lê Hải Trà khẳng định không có phân biệt đối xử trong vấn đề xử lý lệnh ở các công ty chứng khoán; ở góc độ công nghệ, ông Dương Dũng Triều phủ nhận có trục lợi.

Sự xuất hiện của ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ông Lê Hải Trà - Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch FPT IS cùng nhiều bên liên quan trong cuộc tọa đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HSX: Thực trạng và giải pháp" tổ chức sáng 24/6 nhận được đông đảo sự chú ý của nhà đầu tư.

Những câu hỏi thẳng thắn đã được nêu ra với cơ quan quản lý trong quá trình hơn 6 tháng qua xảy ra tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HSX.

Có hay không bàn tay trục lợi trong sự cố nghẽn lệnh trên sàn HSX? - 1

Ông Lê Hải Trà cho biết do quy mô lệnh và tính chất lệnh (hủy/sửa/khớp) dẫn đến ngưỡng xảy ra nghẽn lệnh ở trên HSX khác nhau tùy vào từng phiên giao dịch.

Về vấn đề này, ông Lê Hải Trà một lần nữa đã phân tích về bản chất của tình trạng quá tải của HSX thời gian vừa qua.

Theo đó, ông Trà cho hay, nền tảng HSX đang sử dụng hiện nay liên quan đến tham số cơ bản là số lượng lệnh có thể xử lý trong một thời gian nhất định. Đây là từ khóa rất quan trọng.

Vậy vì sao nghẽn? Theo ông Trà, với tăng trưởng số lượng nhà đầu tư, trên thực tế, số lượng lệnh tham gia vào hoạt động giao dịch trên thị trường đã vượt năng lực xử lý của hệ thống HSX là 900.000 lệnh/ngày.

"Cũng giống như con đường thiết kế chỉ cho phép 900.000 xe tham gia lưu thông, khi số lượng xe vượt quá con số 900.000 thì sẽ xảy ra tắc nghẽn" - ông Trà giải thích. Tuy nhiên, điểm khác biệt của giao dịch chứng khoán và tham gia giao thông đó là một lệnh mua 100 cổ phiếu hay một lệnh mua 10.000 cổ phiếu, một lệnh hủy, một lệnh sửa đều tính trong dung lượng 900.000 lệnh xử lý nói trên.

Theo đó, cùng một lượng lệnh nhất định nhưng giá trị giao dịch trên thị trường khác nhau. Điều này cũng lý giải về các "ngưỡng" xảy ra nghẽn lệnh, có phiên trên 10.000 tỷ đồng đã nghẽn, lại có phiên thanh khoản trên hơn 20.000 tỷ đồng mới xảy ra sự cố.

Ông Lê Hải Trà cũng cho biết thêm, do cơ chế phân bổ lệnh của HSX với 73 công ty chứng khoán thành viên, với những công ty chứng khoán lớn, lượng khách hàng lớn và lượng lệnh đưa vào hệ thống nhiều, khi đã sử dụng hết quota phân bổ thì tình trạng nghẽn lệnh sẽ xảy ra ở công ty đó. Trong khi đó, những công ty nhỏ chưa sử dụng hết quota thì không xảy ra nghẽn lệnh.

Nỗ lực của HSX và các công ty chứng khoán thành viên là xử lý số lượng lệnh. Đầu tiên là nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu, giảm được khoảng 15-18% số lượng lệnh. Bước tiếp theo đã có đề xuất nâng lên 1.000 cổ phiếu mỗi lệnh để giảm thêm được 50% số lượng lệnh nữa; hay đề xuất hạn chế sửa/hủy lệnh.

Trước đó, tỉ lệ hủy/sửa lệnh chiếm 1/3 số lượng lệnh trong một ngày, tức là khoảng 300.000 lệnh trên 900.000 lệnh được xử lý là để sửa và hủy, nên số lượng lệnh được khớp thực tế là khoảng 600.000 lệnh. Số lượng lệnh được khớp sau đó đã tăng lên, đặc biệt là phiên 1/6, tỉ lệ hủy/sửa lệnh đã giảm từ 33% xuống dưới 10%. Nhờ hạn chế hủy/sửa lệnh, có những phiên giao dịch, thanh khoản thị trường đã vượt trên 30.000 tỷ đồng vì có nhiều lệnh được khớp.

Có hay không bàn tay trục lợi trong sự cố nghẽn lệnh trên sàn HSX? - 2

Phiên tọa đàm về nghẽn lệnh được diễn ra chỉ ít ngày trước khi giải pháp do FPT và HSX triển khai sẽ chính thức đưa vào triển khai (Ảnh: CLB Nhà báo chứng khoán).

Cũng tại tọa đàm này, ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) - đã trả lời mối băn khoăn của nhiều nhà đầu tư về việc "có hay không lỗ hổng trục lợi khi các công ty chứng khoán hạn chế hủy/sửa lệnh trên HSX". Ông Triều khẳng định, khi ứng dụng đưa vào vận hành thì được HSX kiểm tra về bảo mật, hệ thống được thiết kế để phần cứng này hỏng sang phần khác chạy,... không có trục lợi khi giao dịch nghẽn.

Từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN - cho hay, từ khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước đây và nay là Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đều đã quán triệt "đây là trường hợp khẩn cấp quốc gia", phải tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực để xử lý.

Nhiều đơn vị đã được Bộ Tài chính huy động vào cuộc, từ HSX, UBCKNN đến Vụ Tài chính Ngân hàng. Đến nay, với giải pháp do HSX và FPT triển khai đang vào khâu cuối cùng và sẽ được vận hành sớm nhất có thể.

Còn về phần mềm KRX, do nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan khiến tiến độ chậm, song đã được tiến hành thử nghiệm từ ngày 14/6, dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoạt động chính thức.