1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Có chuyện ''chạy'' chính sách thuế ôtô cũ?

''Có sức ép hội nhập đồng thời phải điều chỉnh mối quan hệ kinh tế trong nước, nên không khuyến khích nhập ôtô cũ''. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên đã trả lời câu hỏi: Có chuyện ''chạy'' chính sách thuế nhập khẩu ôtô cũ?

Doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nhà nước đều nhận mình đóng thuế rất nghiêm chỉnh. Ông nghĩ thế nào?

 

Nói cho thật công bằng, người kinh doanh mục tiêu cuối cùng vẫn là lợi nhuận cao. Cho nên ngoài những doanh nghiệp làm ăn chững chạc thì thú thực không ít doanh nghiệp tìm mọi cách đóng thuế ít để có thu nhập cao.

 

Nhưng trong điều kiện của ta, do chưa bắt buộc mở tài khoản, thực hiện các giao dịch dùng quá nhiều tiền mặt nên không quản lý được thu nhập. Có quản lý được cũng chỉ phần rất nhỏ. Cho nên gian lận, trốn lậu thuế còn phổ biến và rất lớn.

 

Đành rằng nhiều doanh nghiệp muốn lách thuế nhưng thất thu thuế một phần còn do cơ quan quản lý. Bởi vì yếu kém của cơ quan quản lý thuế khiến cho doanh nghiệp khai man giá thấp đi nhưng không thể nào xử lý được?

 

Một số đặc thù của Luật quản lý thuế kỳ này liên quan đến điều tra thuế, ấn định thuế, đại lý thuế, công khai về thuế, vai trò trách nhiệm của cơ quan báo chí về thuế và những đặc thù trong xử lý vi phạm. Quy định rất rõ quyền hạn trách nhiệm của cơ quan quản  lý thuế, của các đối tượng nộp thuế.

 

Ngành hải quan có câu chuyện thuế nhập khẩu ôtô cũ đang ''nóng''...?

 

Khi thực hiện Nghị định của Chính phủ về thuế ôtô cũ, tôi đã có văn bản gửi trực tiếp Thủ tướng. Quan điểm của tôi từ thực tiễn quản lý ngành hải quan (ông Kiên từng làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan-PV), đã có Nghị định thì phải có biểu thuế.

 

Theo tôi, cho nhập ôtô mới là tốt nhất. Hà tất gì mà người VN cứ phải dùng thứ thải loại, đồ cũ!

 

Bây giờ doanh nghiệp đã nhập ôtô cũ đến cửa khẩu nhưng hải quan ''mắc'' ở định giá tính thuế, không thuyết phục được doanh nghiệp. Theo ông, có nên thông quan trước điều tra sau?

 

Đối với sản phẩm này không thể cho thông quan trước. Những sản phẩm nhạy cảm, để triệt để thu thuế thì phải kiểm tra xong, đủ các thủ tục quy định, thu thuế xong mới cho thông quan.

 

Đương nhiên có quy định gần đây, các cơ quan có trách nhiệm phải tập trung cao giải quyết trong thời hạn 30 ngày để doanh nghiệp giải phóng hàng đưa vào lưu thông.

 

Bây giờ thời buổi làm ăn, thời gian là vàng, chậm trễ quá gây rất thiệt thòi cho doanh nghiệp và xã hội.

 

Theo ông, chậm trễ như thế thì doanh nghiệp có thể kiện hải quan?

 

Luật pháp quy định rất rõ. Bất cứ đối tượng nào trong thực hiện chính sách không đúng quy định của pháp luật thì đối tượng bị xâm phạm lợi ích đều có quyền khởi kiện. Còn họ sợ đi kiện sẽ bị gây khó dễ là chuyện khác.

 

Vừa rồi, một số liên doanh ôtô gửi thư cảm ơn đến Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Dư luận nghi ngờ trong chuyện thuế nhập khẩu ôtô cũ có ''chạy'' chính sách?

 

Khi gia nhập WTO, người ta bắt ép mình mở cửa thị trường, kể cả ôtô cũ. Đấy là thực tế. Cái khôn ngoan của mình là đàm phán thế nào để có lộ trình tốt. Có sức ép như thế nhưng đồng thời mình phải điều chỉnh mối quan hệ kinh tế trong nước, đưa ra những biện pháp không khuyến khích nhập ôtô cũ.

 

Ngoài mức thuế cao, kể cả thuế theo tỷ lệ và thuế tuyệt đối cộng với biện pháp liên quan đến hành chính như đăng kiểm, thủ tục hải quan... nên nhập khẩu ôtô cũ không đơn giản.

 

Xin ông cho biết quan điểm của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách đối với việc nhập khẩu ôtô cũ?

 

Quan điểm của chúng tôi là đã cho cạnh tranh, mở hơn thì cho nhập xe mới. Đương nhiên gắn liền với chính sách thuế có điều chỉnh.

 

Nhưng hạ thấp thuế nhập khẩu ôtô, buộc hãng trong nước phải giảm giá, tăng tỷ lệ nội địa hoá nên họ không chịu?

 

Trước đây mình tính toán cho nhập ôtô cũ để tác động đến nhà sản xuất, lắp ráp trong nước. Để họ tăng tỷ lệ nội địa hoá, nâng cao chất lượng và giảm giá bán. Khi chưa bàn kỹ thì thấy rằng cho nhập ôtô cũ vào không quản lý được, nên thắt chặt lại, gây ra tác động ngược.

 

Chính vì thế, biện pháp vừa qua ra đời thực chất chưa có sự thay đổi nhiều lắm tác động đến quá trình nội địa hoá của doanh nghiệp trong nước sản xuất hoặc lắp ráp ôtô.

 

Ông có nói tác động ngược, cụ thể là như thế nào?

 

Đáng lẽ cho ôtô cũ vào để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước nội địa hoá, giảm giá thành, giá bán, nâng cao chất lượng. Nhưng khi mình cho nhập áp dụng mức thuế cao, áp dụng các biện pháp hành chính chặt chẽ, thực ra ôtô cũ không vào được.

 

Cuối cùng là các doanh nghiệp trong nước vẫn được quyền hành động như bấy lâu nay.

 

Xin cám ơn ông!

 

Theo Văn Tiến

VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm