Cơ chế đặc thù cho sân bay Long Thành

(Dân trí) - Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Cơ chế đặc thù cho sân bay Long Thành - 1

Theo phân công của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thẩm định Khung chính sách theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng năm 2005; phê duyệt quy hoạch dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành năm 2011.

Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, tiêu tốn quỹ đất 5.000 ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 43 km).

Công suất thiết kế của dự án này đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F - cấp cao nhất theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Bích Diệp