Có 2 tỷ đồng, sợ mua đất chuyển qua "ôm" vàng, vợ chồng trẻ lãi to
Nhiều gia đình trẻ cho rằng, đầu tư bất động sản là kênh đầu tư sinh lời nhất thì vợ chồng anh Chiến - chị Giang lại cho rằng đó là kênh đầu tư rủi ro. Thế nên họ chuyển sang mua vàng, vừa an toàn vừa lời to.
Cưới nhau khoảng chục năm nay, vợ chồng anh Chiến may mắn có nhà riêng tại thành phố. Vì thế mỗi tháng, anh Chiến không phải lo một khoản tiền thuê nhà. Anh có cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng nên thu nhập mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng. Vợ anh là nhân viên truyền thông, thu nhập mỗi tháng 15 triệu đồng. Tổng mỗi tháng, vợ chồng anh có khoảng 35-40 triệu đồng.
“Tháng nào, vợ chồng tôi cũng chi tiêu khoảng 20 triệu đồng cho con cái học, ăn uống, mua sắm. Số tiền còn lại, chúng tôi gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc lấy ra để đầu tư mua sắm trang thiết bị nội thất trong nhà, nhập thêm đồ cho cửa hàng”, anh Chiến nói.
Cho tới tháng 7/2019, khi tích cóp được 2 tỷ đồng, vợ chồng anh Chiến quyết định rút tiết kiệm ra mua vàng đầu tư.
“Lúc đó, chúng tôi ra cửa hàng mua vào thì giá vàng ở mức mức 39,7 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra thời điểm đó là 40,1 triệu đồng/lượng. Tôi vẫn còn nhớ đúng hôm mua vàng, người ta bảo đó là lần đầu tiên giá vàng miếng vượt qua mốc 40 triệu đồng/lượng kể từ tháng 6/2013”, anh kể.
Với số tiền trên, vợ chồng anh Chiến đã mua được 50 cây vàng. Từ đó trở đi, thấy giá vàng cứ lên xuống thất thường, nhưng anh Chiến vẫn không có tư tưởng muốn bán để lấy tiền lời.
Lý do là vợ chồng anh Chiến chỉ quanh năm đi làm công ăn lương và bận kinh doanh đồ gia dụng nên cũng không biết bán vàng đi thì đầu tư vào kênh nào kiếm lời.
Anh Chiến lập luận: "Nếu mua đất ở các tỉnh lân cận tuy giá rẻ nhưng khó sinh lời nhanh, sau này bán đi lãi cũng không được bao nhiêu. Gửi tiết kiệm, tuy bảo toàn được lợi nhuận và được thu lãi định kỳ hàng năm khoảng 6%, nhưng tiền mặt càng ngày càng mất giá. Vì thế chúng tôi đều cho đó không phải là kênh sinh lời tốt”.
Cụ thể, anh Chiến phân tích, nếu tiếp tục gửi tiết kiệm thì được thu lãi định kỳ hàng năm khoảng 6%. Sau một năm, anh Chiến có số tiền là: “Thường số tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%năm)/12 x Số tháng gửi. Nếu vậy, tôi gửi ngân hàng 2 tỷ với kỳ hạn 15 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ tại ngân hàng thì mức lãi suất 6,0%/năm. Tức số tiền lãi tôi nhận được là: 2 tỷ x 0.06/12 x 15 = 150 triệu đồng. Số tiền lãi này cũng khả quan nhưng tôi vẫn nhớ mãi lời mẹ dặn trừ lúc không còn gì để nuôi con mới không mua vàng. Bằng không, cứ mua vàng để lại thì sẽ không bao giờ lo mất giá. Đến nay tôi vẫn thấy đúng. Tôi đã mua vàng để giữ và đầu tư”.
Tính ra, sau gần một năm mua vàng tích trữ, anh Chiến đã lãi to. Giá vàng mua vào ngày 11/10/2020 được các công ty vàng bạc đá quý đồng loạt niêm yết ở mức 55,8 triệu đồng/lượng và bán ra 56,45 triệu đồng/lượng.
Với mức giá này, anh Chiến lãi một khoản tiền khá lớn. “Tính sơ sơ với 50 lượng vàng, nếu bán ra thời điểm này tôi thu về 2,8 tỷ đồng. Như vậy, trong gần 1 năm, nhờ mua vàng vợ chồng tôi lãi 800 triệu đồng. So với gửi tiền ở ngân hàng, thay vì chỉ được 150 triệu đồng/năm, chúng tôi đã được lãi thêm 650 triệu đồng”, anh Chiến nhẩm tính.
Vì thấy vàng vẫn là kênh đầu tư tốt để sinh lời trong thời gian tới, người đàn ông này vẫn quyết định giữ vàng đợi lên đỉnh lại bán. "Sau khi bán tôi cũng vẫn đầu tư vào vàng mà không mua đất. Bởi giữ vàng là tốt nhất lúc này”, anh nói.
Anh Chiến phân tích, do tình hình dịch Covid-19 chưa yên nên kinh tế thế giới vẫn phải mất 3 năm nữa mới phục hồi. Kinh tế kém phát triển thì giá vàng cao, giá đất đi ngang hoặc xuống. Kinh tế phục hồi thì giá vàng xuống giá đất tăng. Thực tế, do dịch bệnh mà kinh tế toàn cầu giảm, giờ có vắc-xin trị Covid-19 thì vẫn phải mất 1-3 năm nữa kinh tế mới hồi phục. Do đó, mua vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn cao. Bởi giờ chuyển sang đất, dù cũng là tài sản bất động sản trú ẩn, nhưng kém thanh khoản hơn.