CIEM kiến nghị loại bỏ Nghị định làm gạo Việt "yếu đuối"
(Dân trí) - "Thị trường xuất khẩu gạo đang thiếu cạnh tranh và có nhiều rào cản bất hợp lý, chúng tôi kiến nghị bỏ các điều kiện xuất khẩu quy định trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP và thay bằng các điều kiện về chất lượng cho từng loại gạo theo một bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia"
Đây là một trong những kiến nghị về chính sách phát triển ngành lúa gạo Việt Nam vừa được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong khuôn khổ báo cáo kinh tế quý I/2017.
Trung Quốc 1,4 tỷ dân vẫn "xem nhẹ" an ninh lương thực
Theo các học giả của CIEM, tuy là mặt hàng xuất khẩu đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể nhưng lúa gạo đem lại cho người nông dân vẫn rất thấp. Năng suất lao động (NSLĐ) ngành lúa gạo và thu nhập của người trồng lúa thấp hơn nhiều so với trung bình của cả nước.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến NSLĐ thấp của ngành lúa gạo là quy mô sản xuất lúa gạo rất nhỏ khiến khó cải thiện được năng suất và thu nhập của người nông dân.
Bên cạnh đó, ngành lúa gạo hiện đang phải đối mặt với nhiều rào cản thể chế, đặc biệt là thị trường đất nông nghiệp chậm phát triển, nguồn lực đất đai chậm được chuyển đến tay người sử dụng tốt nhất và chậm được vốn hóa phát triển quy mô lớn.
Theo dẫn chứng của CIEM, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP mỗi hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 30 ha tại các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, không quá 20 ha tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Như vậy, mỗi hộ gia đình ở Đông Nam bộ và ĐBSCL sẽ không thể có quá 33 ha đất trồng lúa và mỗi hộ ở đồng bằng Sông Hồng không có quá 22 ha đất trồng lúa, chưa kể đất thuê.
Do chính sách đất lúa nêu trên, ngành nông nghiệp Việt Nam có một cơ cấu trồng trọt chậm thay đổi. Trong khi đó, với dân số khổng lồ và chưa hoàn toàn tự túc được gạo, Trung Quốc vẫn cho phép nông dân chuyển đổi cây trồng và giảm đất trồng lúa. Ngược lại, Việt Nam vẫn duy trì nhiều chính sách hạn chế đa dạng hóa nông nghiệp và tiếp tục bám vào cây lúa mặc dù nó là cây trồng cho thu nhập thấp nhất.
Một Nghị định khiến gạo Việt "yếu đuối"
Theo nhận định của nhóm chuyên gia CIEM, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang là một sân chơi có rào cản gia nhập cao. Ngày 4/11/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 109/NĐ-CP/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là rất ngặt nghèo: Có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo...
CIEM kiến nghị: Nghị định số 109 gây khó khăn để liên kết với nông dân sản xuất các giống lúa chất lượng cao, có đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và tính cạnh tranh cao. Chính vì vậy, cần tôn trọng quy luật thị trường trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong phân bổ nguồn lực đất đai, lao động.
Trên thực tế, thị trường xuất khẩu gạo đang thiếu cạnh tranh và có nhiều rào cản bất hợp lý, vì vậy, CIEM kiến nghị bỏ các điều kiện xuất khẩu hiện nay quy định trong nghị định 109 và thay bằng các điều kiện về chất lượng cho từng loại gạo theo một bộ tiêu chuẩn về chất lượng gắn với thương hiệu quốc gia.
Bên cạnh đó, Nhà nước không nên tham gia các hợp đồng tập trung mà chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán trực tiếp bằng cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá gạo, và tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Cuối cùng, CIEM cho rằng: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không thể có quyền quyết định trong việc xuất khẩu gạo của DN thành viên, phân phối lợi ích cho các thành viên. VFA chỉ nên và phải là một hội ngành nghề đúng nghĩa của nó, cung cấp cho thành viên thông tin thị trường và bảo vệ lợi ích thành viên khi lợi ích của họ bị xâm phạm trong và ngoài nước.
Nguyễn Tuyền