Xuất khẩu gạo, tốn 20.000 USD để có giấy phép con có phải là sự thật?

(Dân trí) - Theo nhận định của một số chuyên gia, xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các “ông lớn”, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân. Trong khi đó, những "ông nhỏ" đang khốn khó vì... giấy phép con.

Khổ vì... giấy phép con

Nghị định 109/NĐ-CP/2010 ban hành vào ngày 1/11/2010 yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Cụ thể, Nghị định 109 quy định về điều kiện trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất một cơ sở xay, xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

Trong buổi tọa đàm góp ý sửa đổi Nghị định 109/2010 diễn ra chiều 22/2 tại TPHCM, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cho rằng, sau 6 năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi để "cởi trói" cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo nói chung.

Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC cho biết, ADC hoạt động trong ngành gạo, nhiều năm nay. ADC có vùng nguyên liệu 35.000 ha, liên kết với 16.000 nông dân, có hệ thống xay xát, sơ chế quy mô lớn... Với quy mô như trên, ADC đã đạt được các tiêu chuẩn khắc khe theo quy định tại Nghị định 109/2010 về sản lượng và kho bãi. Thế nhưng, ADC vẫn không xin giấy phép xuất khẩu mà chọn xuất khẩu ủy thác qua một công ty nhỏ khác.

Theo thông tin một số tờ báo đã đăng tải trước đó, lý giải việc "bắc cầu" trong xuất khẩu gạo, ông Nam cho rằng, làm như vậy để "né" các giấy phép con... khá phiền phức. Theo đó, việc xin giấy phép xuất khẩu gạo khá nhiêu khê và tốn không dưới 20.000 USD. Khi giấy phép hết hạn, xin gia hạn là lại tốn tiền. Sau mỗi lần xuất khẩu, doanh nghiệp phải khai báo số lượng, rồi hàng tồn kho... Điều này làm ADC tốn thêm nhiều nguồn lực, phải tuyển thêm người để lo các loại báo cáo.

Tuy nhiên, thông tin về việc phải tốn ít nhất 20.000 USD để có giấy phép con xuất khẩu gạo như trên lại chưa được Bộ Công Thương cho là đúng. Một nguồn tin từ Bộ Công Thương cho rằng, đây là thông tin chưa có căn cứ rõ ràng. Chiều ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập Đoàn xác minh, đồng thời giao Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc cụ thể với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ sự việc mà các báo đã nêu.

Mặc dù vậy, không chỉ có ý kiến của ông Nam mà gần đây cũng có một số ý kiến các doanh nghiệp về sự nhiêu khê trong quy định, điều kiện xuất khẩu gạo dù Bộ Công Thương đã có động thái giảm bớt.

Tương tự ADC, thương hiệu gạo hữu cơ đặc sản Hoa Sữa, không thể chủ động tiếp cận thị trường mà phải ủy thác qua các công ty lớn đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Thương hiệu gạo Cỏ May, dù được ưa chuộng tại Singapore nhưng không thể xuất trực tiếp qua đảo quốc sư tử này mà phải nhờ một doanh nghiệp khác xuất uỷ thác.

Với bao công sức xây dựng thương hiệu, nhiều doanh nghiệp trong ngành gạo liên tục phải ngồi trên đống lửa. Nỗi lo của họ không phải do bài toán đầu ra, cũng không phải bài toán giá, mà đó là bài toán “giấy phép”.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó vì các thủ tục giấy phép con
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó vì các thủ tục giấy phép con

Đã đến lúc phải thay đổi

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc ban hành các quy định không sát với thị trường về kho bãi và nhà máy xay xát gạo đã làm ảnh hưởng đến việc tiến ra thế giới của các thương hiệu gạo Việt Nam.

Những quy định tại Nghị định 109/2010 là... "có vấn đề". Nghị định này khiến việc hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất ra những thương hiệu gạo nổi tiếng nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không được xuất khẩu gạo.

TS Thành cho rằng, Thông tư 44/2010 của Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định 109, quy định doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép vào các thị trường nhỏ hoặc mới trong khi các thị trường lớn, với các đối tác lớn, có thỏa thuận cấp Chính phủ được quản lý chặt theo quy chế tập trung. Tức là thị trường xuất khẩu của các hợp đồng thương mại đã bị “hẹp” cửa đi rất nhiều, đầu tư vào lúa gạo càng trở nên rủi ro.

Viện trưởng Viện VEPR cho rằng Nghị định 109 dễ dẫn đến xu hướng sàng lọc. Chỉ những doanh nghiệp lớn ngày càng có quyền lực thì tồn tại còn các doanh nghiệp nhỏ, không đáp ứng đủ điều kiện đề ra về năng lực kho bãi và xay xát sẽ bị loại bỏ...

"Xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các “ông lớn”, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân", ông Thành nhận định.

Từ những phân tích về sự bất cập trên, TS Nguyễn Đức Thành đề xuất bãi bỏ điều kiện về việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho, cơ sở xay, xát thóc, gạo cũng như quy định về địa điểm đặt kho, máy xay xát trong Nghị định 109/2010.

Ngoài ra, VEPR cũng đề xuất bãi bỏ quy định về việc phải duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.

Việc sửa đổi nên hướng theo mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, khuyến khích sự sáng tạo, tuy sản lượng ít nhưng giá trị gia tăng cao mới hướng được nền sản xuất từ lượng sang chất.

Công Quang