Chuyện ít biết về xây dựng 10 thương hiệu Viettel ở nước ngoài

(Dân trí) - “Sự bền bỉ của người Viettel tại các thị trường quốc tế trong nhiều năm đâu đó giúp định hình lại Việt Nam trên bản đồ thế giới”, Nguyễn Lưu Ly, Trưởng phòng Marketing, Trung tâm Hỗ trợ thị trường, Tổng công ty Viễn thông Viettel chia sẻ.

Nguyễn Lưu Ly có thể xem là một đại diện cho giai đoạn thứ 3 của Viettel, trong 30 năm hình thành và phát triển. Nếu như những bậc đàn anh của Ly là người xây dựng nền móng cho Viettel, giúp Tập đoàn này có thể tồn tại và có chỗ đứng vững chắc trong nước, thì Ly thuộc thế hệ đưa Viettel đi ra thế giới.

Chuyện ít biết về xây dựng 10 thương hiệu Viettel ở nước ngoài - 1

Trong 15 năm làm việc tại Viettel, Ly có hơn 10 năm gắn bó với hoạt động đầu tư quốc tế của Tập đoàn. Người phụ nữ này rất có duyên trong việc xây dựng các yếu tố nền tảng cho thương hiệu của Viettel tại 10 thị trường quốc tế (Lào, Campuchia, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania, Myanmar).

Những kỷ niệm khó quên khi đi “khởi nghiệp” ở 10 quốc gia

Chuyện ít biết về xây dựng 10 thương hiệu Viettel ở nước ngoài - 2

Thời đó, đội ngũ “mang chuông đi đánh xứ người” của Viettel còn rất trẻ, tầm 25 – 26 tuổi, lãnh đạo cũng chỉ hơn 30, Lưu Ly nhớ lại và ví von với hình ảnh của các nhóm startup bây giờ.

“Cả đội chỉ có kinh nghiệm ở Việt Nam, còn thành lập một mạng viễn thông ở nước ngoài như thế nào thì hoàn toàn mới mẻ”, Ly nói. Do vậy, những bỡ ngỡ, khó khăn là điều không tránh khỏi. Nhưng ở độ tuổi đó, như Ly nói, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng đây là những thách thức mà lãnh đạo đã tin tưởng giao cho. “Chúng tôi được làm những thứ mà bản thân tin là đúng”.

Viettel có cách xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế hoàn toàn khác biệt với các tập đoàn viễn thông khác. Dù có mặt ở 10 quốc gia nhưng Viettel không đưa tên gọi này tới 10 thị trường, cái tên này xuất hiện duy nhất ở Việt Nam. Ở mỗi đất nước mà Tập đoàn đến đầu tư sẽ có một mạng di động với một tên gọi riêng, logo riêng, định vị thương hiệu riêng. Ví dụ Metfone ở Campuchia, Unitel tại Lào, hay Bitel ở Peru, Lumitel ở Burundi, Telemor ở Đông Timor, Nexttel ở Cameroon, Mytel ở Myanmar, Natcom ở Haiti, Movitel ở Mozambique, Halotel ở Tanzania.

“Quyết định chiến lược đôi khi là duyên số”, Nguyễn Lưu Ly nhớ lại. Cô cho biết thời điểm đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn cũng rất cân nhắc và tham khảo các đơn vị tư vấn quốc tế về việc có mang thương hiệu Viettel đi hay không. Nhưng cuối cùng, Viettel đã chọn cách địa phương hoá tên gọi nhà mạng.

“Lựa chọn đấy thực ra rất thiệt thòi về chi phí, công sức bỏ ra. Dùng một thương hiệu cho các thị trường sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc mỗi nước một khác”, Ly cho biết.

Đây là nước cờ mạo hiểm nhưng Viettel buộc phải làm nếu nhìn vào đối thủ là những tập đoàn viễn thông quốc tế dày dạn cả về tài chính lẫn kinh nghiệm. “Nếu chúng tôi làm giống như họ, khả năng chiến thắng là rất thấp. Công sức, chi phí bỏ ra có thể sẽ tốn hơn một chút, nhưng đó là cơ hội. Giá trị cốt lõi của Viettel chính là sự khác biệt”, Lưu Ly nhận xét về quyết định của ban lãnh đạo Viettel thời kỳ đó.

“Đến bây giờ tôi cảm thấy quyết định lúc đó là đúng đắn. Người dân tại các thị trường này đánh giá rất cao thương hiệu của chúng tôi, khi nó có một phần gắn với đất nước họ”, Ly nhấn mạnh. Như với tên thương hiệu Movitel thì tiền tố Mo chính là cách nhắc lại tên gọi của đất nước Mozambique. Hay Telemor thì hậu tố Mor khơi gợi niềm tự hào của người dân Timor, là Telecommunication Timor, là mạng viễn thông của Timor.

10 đất nước là 10 câu chuyện, là cả phần tuổi trẻ của Ly và những đồng nghiệp. Cô cho biết không thể quên được thị trường Campuchia với những kinh nghiệm “go global” đầu tiên, thị trường Peru có GDP gấp 3 lần Việt Nam và đương đầu với những tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới.

“Nhưng kỷ niệm lớn nhất là Haiti”, Ly nói. Viettel bắt đầu đầu tư tại Haiti sau khi quốc gia này trải qua thảm họa động đất khủng khiếp trong lịch sử nhân loại.

“Khi chúng tôi bước xuống sân bay, trải ra trước mắt là thành phố đổ nát và những dãy lều bạt kéo dài”, cô nhớ lại. Mọi thứ tại Haiti đều trong tình trạng đình trệ, không vận hành được, thậm chí thang máy ở trụ sở công ty bị hỏng nhưng phải đến 2 năm sau mới thuê được đội sửa chữa.

“Để nhanh chóng đem đến mạng lưới cho người dân sử dụng, những người trẻ Viettel đã vượt qua những điều kiện làm việc hết sức nghèo nàn sau động đất”, cô nói và cho biết mọi người phần lớn phải di chuyển bằng xe thùng trong giai đoạn đó. “Con gái được ưu tiên ngồi trong cabin của xe, cánh đàn ông thì ngồi phía ngoài trong thùng xe. Rồi mất điện, mất nước, leo bộ lên 8-9 tầng cầu thang làm việc hàng ngày ... là những điều thường xuyên diễn ra ở đây”.

Nhưng Ly cũng nhấn mạnh “nhưng đây là một sự may mắn mà không phải ai cũng được trải qua”. Đến nay, hội “Haiti kiều” – những người Viettel từng làm việc ở đây, theo Lưu Ly, mỗi khi gặp nhau đều hào hứng và tự hào nhắc lại những ngày tháng đó.

Một Việt Nam khác trong mắt bạn bè quốc tế

Hoạt động đầu tư ở nước ngoài của Viettel có thể ví von như một khoá đào luyện con người, giúp những người trẻ trưởng thành hơn.

Chuyện ít biết về xây dựng 10 thương hiệu Viettel ở nước ngoài - 3

Sau một thời gian gắn bó, Lưu Ly đúc rút rằng khi được giao một trọng trách lớn, tự thân mỗi người sẽ phát triển lên. Ví dụ một nhân sự nếu cùng một bộ phận, tại Việt Nam, họ sẽ chỉ làm một mảng công việc, nhưng khi ra nước ngoài, người này sẽ phải đảm đương toàn bộ công việc liên quan đến bộ phận đấy. Mặt khác, họ còn phải vượt qua được rào cản về ngôn ngữ.

“Những thứ khách hàng nói không phải cái gì mình cũng hiểu hết. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để hiểu được họ. Thử thách vì vậy sẽ lớn hơn rất nhiều khi làm cùng công việc ấy tại Việt Nam”, Lưu Ly chia sẻ.

Từ trải nghiệm của bản thân, Lưu Ly cho biết ở mỗi thị trường trải qua, cô lại thấy mình lớn hơn một chút. Nếu như thị trường đầu tiên, là Campuchia, Ly đơn giản nghĩ rằng chỉ cần làm tốt công việc chính là hoạt động quảng cáo thì đến những thị trường sau, công việc của cô được mở rộng ra: từ duy trì ảnh hưởng thương hiệu, quan hệ với chính quyền, báo chí địa phương...

Nhưng không phải ai cũng vượt qua những thử thách này, có những người không chịu nổi “nhiệt” và phải xin về nước. Dù vậy, Lưu Ly không dùng từ “thất bại”, thay vào đó, cô lý giải đó chỉ là sự không phù hợp.

“Nó giống như việc bạn chọn làm Viettel hay làm ở công ty khác: mọi việc được tính xung quanh sự phù hợp. Nếu bạn đi thị trường mà chỉ ngồi trong nhà, không ăn thức ăn bản địa, tham gia hoạt động cộng đồng, không tận hưởng được cuộc sống thì rõ rằng là đây không phải là công việc thích hợp”, Ly nói.

Ở chiều ngược lại, những người đã trưởng thành qua những ngày tháng “go global” của Viettel, như Lưu Ly, đều có một sự tự hào vì những trải nghiệm của mình.

“Đó là việc được kể lại cho người khác là bạn đã từng làm ở những nước nào, chỉ ra những dấu ấn cá nhân. Với bản thân mỗi người, không gì có thể tự hào hơn việc mình đã góp phần xây dựng thương hiệu viễn thông Việt Nam ở các thị trường quốc tế”, Lưu Ly nói.

Ví dụ như ở Đông Timor, ban đầu, Viettel định lấy tên là “Telmor” – tức nói nhiều hơn nữa. Nhưng sau đó, ban lãnh đạo nghĩ rằng tên thị trường nên có 7 chữ cái – một con số xấu theo cách hiểu của người Việt, để nhấn mạnh sự khó khăn, buộc mọi người phải nỗ lực hơn. Đó chính là lý do cho tên gọi Telemor như ngày này.

“Tôi cảm thấy tự hào và may mắn vì mình là một phần trong cả 10 câu chuyện đấy. Những ký ức này mãi mãi là của mình, cho dù mình ở đâu”, Ly nhấn mạnh.

Nhưng câu chuyện lớn hơn nữa, như Lưu Ly xúc động nói, là việc người Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại các nước trên thế giới.

“Da vàng, tóc đen, nét châu Á đặc trưng khiến người Việt Nam thường xuyên bị nhận nhầm là người Trung Quốc. Tuy nhiên, ở các nước mà Viettel đặt chân đến, ví dụ như Đông Timor, người dân đã phân biệt được. Họ biết rằng người Telemor là người Việt Nam. Đấy là sự tự hào rất lớn”, cô nói.

Hay ở thị trường Peru, nếu trước đây họ chỉ biết đến Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo, từng đi qua chiến tranh, thì nay, họ biết đến Việt Nam cung cấp dịch vụ viễn thông rất tốt.

“Sự bền bỉ của người Viettel tại các thị trường quốc tế trong nhiều năm đâu đó giúp định hình lại Việt Nam trên bản đồ thế giới có thứ gì đó mới mẻ hơn là chiến tranh. Trong dịp kỷ niệm 30 năm của Viettel, chúng tôi gọi đó là một thực tại mới mà mình đã đóng góp xây dựng”, Lưu Ly nhấn mạnh.

Trang sách mới của Viettel

Trong 30 năm hoạt động của Viettel, tính mạo hiểm, dám nghĩ, dám làm có thể xem là một sự xuyên suốt nhất quán. “Viettel buộc phải làm thế vì chúng tôi còn rất khiêm tốn”, Lưu Ly giải thích. Theo cô, trong những cuộc triển lãm quốc tế về viễn thông mà Viettel tham gia định kỳ, người Viettel nhìn thấy vẫn còn một khoảng cách lớn với các tập đoàn hàng đầu thế giới cho dù Viettel đã nằm trong top 15 mạng viễn thông lớn nhất thế giới.

“Giai đoạn đầu Viettel đã làm tốt ở Việt Nam, tiếp đó là những thành công bước đầu ở một số thị trường mà tập đoàn đầu tư. Vậy sắp tới, chúng tôi phải làm tốt hơn nữa, toàn cầu hơn nữa. Kết quả hiện tại, thành công hiện tại chỉ là những bước khởi đầu, còn rất nhiều bậc thang ở phía trước mà nếu không mạo hiểm, Viettel không thành công được”, cô nói.

Trước sảnh trụ sở Viettel, hai màn hình lớn liên tục trình chiếu đoạn phim giới thiệu Tập đoàn với cách thể hiện chủ đề, thông điệp khá lạ. “Giờ đây, ngay cả những chú chim cũng có thể góp phần bảo vệ chính cánh rừng của mình, khi mỗi sải cánh đều mang đến những thông tin quan trọng về tài nguyên”, là một trong những viễn cảnh được Viettel chỉ ra trong clip này.

Đó cũng chính là thông điệp của Viettel cho thế giới về những kết nối thông minh hơn mà tập đoàn đang thực hiện trong nước. Câu chuyện của Viettel sẽ không chỉ dừng ở mạng viễn thông mà tiến xa hơn. Theo đó, tập đoàn hướng đến trở thành một nhà cung cấp dịch vụ số, đem đến những kết nối thông minh hơn đến mọi ngõ ngách của cuộc sống chứ không còn là “kết nối alo” đơn thuần.

“Xã hội đang trong bước chuyển mình lần thứ 4, đó là một cuộc cách mạng. Nó buộc phải có sự chuyển đổi của các nhà mạng, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông nữa mà phải chuyển dịch số”, Lưu Ly nhận định.

Cô cũng nhấn mạnh rằng, để tiếp tục tiên phong, phát triển trong kỷ nguyên mới, người Việt Nam nói chung và người Viettel nói riêng phải luôn nghĩ mình trẻ. “Nhiều người mới 30 – 40 dã than mình già rồi, điều đó không đúng”, Ly nói. Do vậy, cô cho rằng phải giữ được sự tươi mới trong suy nghĩ với tinh thần dám nghĩ, dám làm, xem khó khăn thách thức là cơ hội trải nghiệm.

“Viettel như tôi nghĩ là sẽ bắt đầu mọi thứ một lần nữa. Mình đã xong một trang rồi, phải bắt đầu một trang mới thôi”, Nguyễn Lưu Ly hào hứng nói.

Sau hơn 10 năm đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Viettel đã có thương hiệu riêng tại 10 quốc gia (Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, Peru, Haiti, Mozambique, Tanzania, Cameroon, Burundi) ở 3 châu lục trên thế giới (châu Á, châu Mỹ và châu Phi). Trong số đó, ở 5/10 thương hiệu của Viettel là công ty viễn thông lớn nhất tại quốc gia đang kinh doanh và 7/10 thị trường đã có lãi, với tổng lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam là hơn 500 triệu USD. Tại Myanmar, thị trường mới khai tháng 6/2018, Viettel đã tạo nên một kỷ lục hiếm có trong ngành viễn thông thế giới khi vượt mốc hơn 5 triệu thuê bao chỉ sau gần 7 tháng kinh doanh. Mục tiêu tới năm 2020 của Tập đoàn Viettel là mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400 - 500 triệu dân và vào Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Phương Linh