Chuyện vay 120 USD của mẹ để khởi nghiệp của tỷ phú đế chế đồ cưới Ấn Độ
(Dân trí) - Tháng 2 vừa qua, Ravi Modi trở thành một trong những người giàu nhất Ấn Độ với khối tài sản trị giá 3,75 tỷ USD.
Khởi nghiệp từ 120 USD vay của mẹ
Ravi Modi sinh ra và lớn lên ở Kolkata, là con trai duy nhất trong gia đình có 4 người con. Cha của Modi mở một cửa hàng quần áo vào năm 1975 cùng Vandana, một trong những chị gái của anh. Cửa hàng nằm ở một trong những khu chợ có điều hòa nhiệt độ sớm nhất của thành phố. Từ năm 13 tuổi, Modi đã bắt đầu quan tâm đến việc kinh doanh của gia đình.
Khi quanh quẩn trong cửa hàng quần áo của cha ở Kolkata sau giờ học và những ngày cuối tuần vào giữa những năm 1990, Ravi Modi đã nhìn thấy một cơ hội lớn.
Cửa hàng bán quần jeans, áo phông, quần dài và quần cho nam giới nhưng lại không có bất kỳ loại trang phục truyền thống Ấn Độ nào. Vì vậy, Modi thuyết phục cha bán thêm kurta (áo sơ mi rộng, không cổ) và đồ ngủ nhưng không thành công.
Một lần, khi cha đi vắng vào năm 1996, Modi (khi đó 19 tuổi) đã nhập 100 bộ đồ về cửa hàng và bán được tới 80 bộ chỉ trong mấy ngày cuối tuần. "Khi về nhà, cha tôi rất tức giận nhưng vì tôi đã bán được 80 bộ nên ông ấy vô cùng hài lòng", Modi nhớ lại.
Trong vòng 1-2 năm kể từ đó, Modi đã điều hành cửa hàng rộng 140m2, quản lý tài khoản, hàng tồn kho và bán hàng. Năm 1999, Modi tự mở cửa hàng đầu tiên với thương hiệu Manyavar, có nghĩa là "sự tôn trọng" trong tiếng Hindi.
Chàng trai trẻ khởi nghiệp chỉ với một nhân viên và 10.000 rupee (khoảng 121 USD) vay từ mẹ, bán những bộ kurta-pajama may sẵn với giá 200 rupee/bộ cho các cửa hàng trên khắp Ấn Độ. Anh cho biết: "Trong 3 năm đầu, cha tôi luôn tò mò, nghi ngờ và không mấy lạc quan".
Tiếp nối thành công của Manyavar, Modi thành lập Vedant Fashions năm 2002. Sau đó, trong một lần đến thăm doanh nghiệp, cha của Modi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm. Ông thậm chí còn giúp anh giám sát các tài khoản tại công ty cho đến khi qua đời năm 2006.
Thành công rực rỡ
Công ty của Modi gia công phần lớn cho các bên thứ ba với 590 cửa hàng tại 228 thành phố của Ấn Độ và 13 cửa hàng trên khắp Bắc Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Năm 2015, công ty ra mắt thương hiệu Mohey, phục vụ khách hàng là nữ giới. Cả hai đều thuộc phân khúc trung cấp.
Vedant Fashions còn cung cấp các dòng sản phẩm cao cấp và đại chúng với tên thương hiệu lần lượt là Tvamev và Manthan. Năm 2017, Modi mua lại đối thủ Mebaz với số tiền không được tiết lộ để cung cấp trang phục trung cấp và cao cấp tại thị trường Nam Ấn Độ.
Đến giờ thì Manyavar là thương hiệu trị giá 400 triệu USD, dẫn đầu thị trường trang phục đám cưới và lễ kỷ niệm của nam giới ở Ấn Độ, cũng chính là thương hiệu đóng góp phần lớn doanh thu cho Vedant Fashions.
Các sản phẩm của Vedant Fashions được bán dưới nhiều hình thức như cửa hàng, thông qua nhà bán lẻ lớn và nền tảng mua sắm trực tuyến, bao gồm ứng dụng riêng. Với 1/3 dân số đang trong độ tuổi kết hôn (từ 20 tuổi đến 39 tuổi), công ty phân tích Crisil ước tính có khoảng 10 triệu đám cưới mỗi năm ở Ấn Độ - thị trường béo bở của Vedant Fashions. Bên cạnh đó là khoảng 30 dịp lễ hội khác.
Hiện Vedant Fashions là doanh nghiệp dẫn đầu ngành quần áo cưới và lễ phục truyền thống cho nam giới, phụ nữ và trẻ em Ấn Độ với khoảng 4 triệu sản phẩm bán ra mỗi năm.
Tháng 2 vừa qua, Modi niêm yết 15% cổ phần công ty trên sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ, qua đó trở thành một trong những người giàu nhất quốc gia này với khối tài sản trị giá 3,75 tỷ USD.
Những con số về kết quả kinh doanh của Vedant Fashions cũng rất ấn tượng. Doanh thu của công ty đã tăng 84% lên 138 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 năm nay. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của họ tăng hơn gấp đôi. Kết quả này một phần là nhờ xu hướng gia tăng nhu cầu về trang phục truyền thống tại các sự kiện đặc biệt cũng như việc các buổi tiệc được tổ chức rộng rãi trở lại ở Ấn Độ sau khi đại dịch được kiểm soát.
Bên cạnh đó, xu hướng tổ chức đám cưới hoành tráng tại Ấn Độ, kéo dài nhiều ngày, không chỉ bao gồm lễ cưới và tiệc chiêu đãi mà còn gồm các bữa tiệc chào mừng, nghi lễ tôn giáo cũng giúp Vendant Fashions "ăn nên làm ra".
Công ty đầu tư Axis Capital dự đoán doanh thu và lợi nhuận của Vendant Fashions sẽ tăng với tốc độ hàng năm khoảng 30% trong hai năm tài chính tới. Modi mới đây cũng tiết lộ kế hoạch tăng gần gấp đôi tổng diện tích bán lẻ trong tương lai gần.
Theo Arvind Singhal, Chủ tịch kiêm CEO của công ty tư vấn bán lẻ Technopak, Modi đã hưởng lợi không ít từ việc trở thành người đi đầu trên thị trường. "Vào những năm 1980 và 1990, thị trường dành cho nam giới chủ yếu là những bộ vest kiểu phương Tây, nhưng đến những năm 2000, nó đã chuyển sang trang phục dân tộc do sự gia tăng của các nhà thiết kế Ấn Độ và sự phổ biến của hình ảnh đám cưới trong các bộ phim Bollywood. Modi đã nhìn thấy cơ hội và xây dựng một doanh nghiệp vững chắc", Arvind nói.
Vị tỷ phú kín tiếng
Chia sẻ về thành công của mình, Modi nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc chăm sóc khách hàng. Doanh nhân 45 tuổi chia sẻ: "Khi một vị khách tìm đến chúng tôi để mua trang phục cho dịp quan trọng nhất trong đời, người đó sẽ cảm nhận được sự kết nối tình cảm. Bạn phải đối xử với những khách hàng khó tính tốt hơn một chút so với người khác. Đặc biệt, với những người không hài lòng với sản phẩm và mang đến đổi trả, bạn càng phải nhẹ nhàng với họ. Điều đó sẽ tạo ra lòng trung thành với thương hiệu".
Theo Axis Capital, chi tiêu quảng cáo của Vedant Fashions chiếm 7,6% doanh thu, cao nhất trong số các nhà bán lẻ hàng may mặc. Họ chi tiền cho mọi thứ, từ biển quảng cáo đến tài trợ thể thao và quảng cáo tại rạp chiếu phim. Điều này đã khiến Manyavar đồng nghĩa với trang phục cưới. Công ty cũng đã hợp tác với các đại sứ thương hiệu nổi tiếng như vận động viên cricket Virat Kohli và ngôi sao Bollywood Kartik Aryan, Alia Bhatt, Ranveer Singh.
Mặc dù vậy, thị trường đã xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh với Vendant Fashions và công ty đang nỗ lực để duy trì thành công cũng như nâng cao tính cạnh tranh của mình.
Về đời sống cá nhân, Modi khá kín tiếng, sống trong một ngôi nhà gỗ lớn được bao quanh bởi bãi cỏ xanh tươi ở ngoại ô Kolkata, nơi anh tự trồng hầu hết các loại trái cây và rau quả.
"Kiếm được nhiều tiền mà không "kiếm" được thời gian là vô nghĩa", Modi nói. Sau sự ra đi của cha, Modi nhận ra rằng công ty có thể hoạt động mà không cần sự hiện diện thường xuyên của mình. Vì vậy, anh đã phân bổ thời gian của bản thân cho một số việc khác ngoài công việc.
Ví dụ, Modi dành 1/4 thời gian để làm việc và quản lý tài sản, bao gồm cả hoạt động từ thiện. Thời gian còn lại được dành cho những mục tiêu liên quan đến sức khỏe, các mối quan hệ và nâng cao kiến thức.
Tỷ phú 45 tuổi chỉ đến văn phòng một hoặc hai lần mỗi tuần nhưng vẫn là người nhận xét mọi dòng sản phẩm, giám sát các kế hoạch quảng cáo cũng như việc mở rộng kinh doanh.