1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyện thị trường ngách của các ngân hàng

Thị trường ngách đang được xem là đường sống của nhiều ngân hàng nhỏ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Một cách tổng quan và lý thuyết, trên thực tế, các ngân hàng (NH) VN đã có sự phân hóa thị trường.

 

Phân hóa thị trường

 

Và tuy các NH phát triển đa năng ở nhiều lĩnh vực, song thị phần ở thị trường chính vẫn là nguồn sữa tốt nhất nuôi sống cho NH đang nắm giữ nó. Ngay ở “trên cao” với các NH quốc doanh và TMCP quốc doanh, sự phân chia thị trường này cũng đã khá rõ rệt. Chẳng hạn, với Viecombank, thị trường trong lĩnh vực ngoại thương, hoạt động huy động cho vay xuất nhập khẩu vẫn là “số 1”. Với Agribank, mạng lưới khách hàng nông nghiệp nông thông chính là đối tượng phủ sóng các dịch vụ, sản phẩm, bao gồm cả các hoạt động theo định hướng chính sách…

 

Ở “nhánh dưới”, các NHTMCP cũng phát triển theo mô hình đa năng và có sự phân chia thị trường tương đối. Sự “phân chia tương đối” đó xuất phát từ nhiều nguyên do:

 

Thứ nhất, một số NH có xuất xứ NH nông thôn nay dù đã chuyển đổi lên NH đô thị, thì thị trường quen thuộc, khách hàng quen thuộc vẫn còn nguyên và họ vẫn tiếp tục khai thác. Nói cách khác “trăm hay không bằng tay quen” chính là cơ hội tại một số thị trường chuyên biệt của một số ngân hàng vẫn còn gốc rễ nông thôn. Có thể “điểm danh” số NH như vậy: Mekong Housing Bank, Kiên Giang với thị trường Đồng Bằng Sông Cửu Long. DaiABank ở khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt tập trung ở thị trường Đồng Nai và TP HCM…

 

Thứ hai, một số ngân hàng có các khách hàng tổ chức tập trung trong một lĩnh vực hoặc theo một định hướng phát triển khách hàng mà nguyên do hầu hết chủ yếu là sự kết nối từ cổ đông sáng lập, cổ đông lớn và đối tác chiến lược. OceanBank có nhiều khách hàng là các Tổng Cty, trong đó có Tập đoàn Dầu khí đóng vai trò cổ đông chiến lược; PVFC – tiền thân của PVComBank cũng có cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí, An Bình Bank (ABBank) có nhiều khách hàng kinh doanh trong lĩnh vực điện và một trong những cổ đông lớn nhất nhất là Tập đoàn EVN…

 

Thứ ba, sự phân hóa một số các ngân hàng theo mô hình đa năng nhưng có hoạt động chuyên biệt xuất hiện dưới tác động tích cực của tái cấu trúc. NH Xây dựng VN, NH Hợp tác xã là những ví dụ.
 
Lằn ranh đang mờ

 

Lằn ranh đang mờ

 

Nhìn ở khía cạnh tích cực, sự phân hóa thị trường đã giúp nhiều NH tồn tại trong những năm qua. Đặc biệt sự phân hóa thị trường do tác động của các quan hệ cổ đông, đối tác, thực sự đã giúp nhiều NH sống tốt (và ở một số trường hợp cũng là nguyên nhân chính đẩy các NH vào khó khăn thanh khoản hay nợ xấu làm âm vốn chủ sở hữu). ABBank chắc chắn không thể phủ nhận mạng lưới khách hàng phát triển các dự án điện và khách hàng trong lĩnh vực nói chung đã đóng một vai trò giúp hoạt động của NH này nhanh chóng tăng trưởng (cả ở hai chiều huy động lẫn cho vay). Tương tự, hoạt động của một số NH có mối quan hệ với những Tập đoàn, Tổng Cty lớn như Tập đoàn Dầu khí, VietnamAirlines… đã đưa đến cho Techcombank, OceanBank những khách hàng quan trọng.

 

Đáng tiếc là thời thế nay đã đổi và sự phân hóa thị trường của các ngân hàng vốn dĩ cần phải được đẩy mạnh thêm, lại đang ngày càng trở nên mờ nhạt. Đồng nghĩa với khó khăn của các NH sẽ ngày càng dày thêm.

 

Lấy ví dụ khó khăn của những NH có gốc rễ nông thôn nay đã chuyển thành NH đô thị, theo chuyên gia NH Lê Trọng Nhi, chính sự phát triển quá nhanh và nóng ruột của một số NH nông thôn muốn được “đổi đời”, đã làm hại NH đó.

 

“Lẽ ra, họ có thể làm rất tốt ở thị trường mình gắn bó nhưng do đã phình ra, và đã dời đi xa khỏi gốc rễ ban đầu nên sự phân tán nguồn lực khiến họ đánh mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân hẹp vốn dĩ là sân nhà của mình”, ông Nhi nói.

 

Với các NH đã có sự chuyên biệt và có mối quan hệ gắn bó với một nhóm đối tượng khách hàng lớn, cơ may từ thị trường này thì dường như cũng đang ngày càng hẹp. Nếu ngân hàng nào trước nay trông cậy vào nhóm trụ cột khách hàng chính là Tập đoàn, Tổng Cty, thì giờ đây họ sẽ bị áp lực mất khách hàng khi các cổ đông, đối tác chiến lược đang bắt buộc phải hoàn tất lộ trình thoái vốn khỏi ngành NH từ nay đến 2015.

 

“Một khi những cổ đông là các Tập đoàn, Tổng Cty không còn “đóng chân” ở những NH này nữa, các Cty con, cháu… của các “đối tác” này chắc chắn sẽ có sự lựa chọn, so sánh giữa NH vốn dĩ đã quen với các NH khác. Trừ phi NH đó thực sự có những dịch vụ, lợi ích cạnh tranh, nếu không, NH sẽ khó dựa vào “hơi quen” để cầm chân khách hàng tiếp tục gửi tiền, tiếp tục sử dụng mọi dịch vụ”, một chuyên gia nhận xét.

 

Xu hướng tất yếu?

 

Vậy con đường để các NH tiếp tục đi trong thị trường ngách của mình sẽ ra sao? Chuyên gia NH Lê Trọng Nhi chia sẻ, tại thị trường tài chính tiền tệ phát triển như Mỹ, hầu hết các ngân hàng đều đi theo mô hình đa năng. Song trong đa năng vẫn có sự chuyên biệt. Tức một NH có thể cung cấp mọi dịch vụ, sản phẩm đang có trên thị trường, nhưng NH phải có cái “lõi” chính của mình. Do đó mới có NH chuyên huy động - cho vay DN kinh doanh công nghệ, có NH chuyên về bán lẻ, có NH chuyên về hỗ trợ người mua nhà, thậm chí có NH chuyên về hỗ trợ DN và cá nhân hoạt động nghệ thuật…

 

“Nhìn lại VN, chúng ta đã và đang bắt đầu có những NH đa năng và chuyên biệt nhưng nhưng xu hướng và cách thức thì có lẽ do thời gian qua ngắn, chưa cho thấy một sự thay đổi thực sự. Một phần do định hướng của NH, phần nữa do con người – và điều này hết sức quan trọng –có ý nghĩa vừa quyết định định hướng, vừa quyết định “chất” hoạt động tương lai của ngân hàng đó. Chúng ta vẫn đang rất mong đợi ngành NH sẽ có ngày có những đội ngũ mà các CEO là những ngân hàng gia, các chuyên viên NH, ví dụ chuyên thẩm định cho vay ngành cá… có đủ năng lực để xác định được mắt lưới nào, loại lưới nào, loại cá nào… mà người ngư dân dùng và đánh bắt sẽ cho năng suất tốt, xứng đáng được cấp tín dụng.  Còn nói một cách chung nhất thì chừng nào các NH chưa tái cấu trúc thực sự, sức khỏe của từng NH một chưa được xác định chính xác, thì việc các NH có định hướng đi theo con đường đa năng và chuyên biệt, hay muốn trở về với thị trường “gốc rễ” của mình và làm tốt, chừng đó vẫn còn khó”, ông Nhi nói.

 

Dù vậy, thị trường vẫn đang hy vọng sự thay máu ở một số NH và làm ổn định, bù đắp vốn chủ sở hữu của một số NH đã âm hoặc hao hụt, đang có ý nghĩa tích cực ở khía cạnh đổi thay những định hướng kinh doanh trong các thị trường ngách. Tất nhiên, chờ tới sự đa năng mà chuyên biệt một cách chuẩn mực, theo kịp các thị trường phát triển thì sẽ vẫn  còn là điều rất vời xa;  vì theo các chuyên gia, trong giai đoạn chuyển đổi, các NH sẽ cần thời gian tính bằng năm để  tái định hướng. Ngay cả việc rất nhiều NH trong 2/3 chặng đường của năm 2013, đã và đang sống sót nhờ tăng dư nợ cho vay tiêu dụng tới 60-70% - một con số thoạt nghe rất khả quan, thì đó lại cũng là tín hiệu rất đáng lo và cho thấy: Các NH dường như chưa thực sự tính đến chuyện phát triển thị trường ngách của riêng mình, bởi họ đang mải mê cạnh tranh và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giống nhau, cho một thị trường dàn trải với các đối tượng khách hàng mục tiêu cũng… giống nhau.

 

Sự phân hóa thực sự trên thị trường ngân hàng mới chỉ bắt đầu!

 

Theo Lê Mỹ

DĐDN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm