1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyến thăm VN của Bill Gates: mới chỉ là chuyện PR

Nếu trước đây có báo ví von Việt Nam như một chấm lấp lóe trên màn hình radar của các công ty công nghệ thông tin đang muốn tìm thị trường hay nơi đầu tư thì nay, sau chuyến đi của Bill Gates, chấm sáng lấp lóe này đã thành một điểm sáng khá bền vững.

 

Ở chiều ngược lại, báo chí nước ngoài khi đưa tin về việc Bill Gates đến nói chuyện với sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội đều bày tỏ sự ngạc nhiên trước cách tiếp đón của sinh viên dành cho chủ tịch một hãng phần mềm, không khác gì chào đón một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng.

 

Nhiều hãng tin nước ngoài liên kết sự kiện này với chuyện Intel quyết định đầu tư sản xuất vi mạch điện tử tại Việt Nam để cho rằng, dù Bill Gates có tuyên bố gì đi nữa, chuyến đi của ông cũng tạo ra một hình ảnh tốt cho Việt Nam như một địa điểm thuận lợi cho đầu tư công nghệ cao.

 

Thật ra, phải thấy mục tiêu của Chủ tịch hãng Microsoft, cũng như những lần Bill Gates đi thăm Trung Quốc hay Ấn Độ là để tăng doanh số bán phần mềm có bản quyền. Tuy nhiên, cách làm của Bill Gates rất tế nhị và đúng bài bản, chẳng hạn, chứng kiến lễ ký kết một thỏa thuận, qua đó, Bộ Tài chính sẽ trở thành cơ quan chính phủ đầu tiên sử dụng phần mềm Microsoft có bản quyền trong toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của mình.

 

Từ các cơ quan chính phủ, đến các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp sản xuất máy tính, dần dần Microsoft mới vận động để tỷ lệ sử dụng “chùa” chương trình phần mềm tại Việt Nam xuống dưới con số 90% như hiện nay. Trong lúc đó, Microsoft có thể yên tâm vì người sử dụng máy tính ở Việt Nam, đã quá quen với hệ điều hành Windows, phần mềm Office... “miễn phí”, ắt sẽ chưa thấy nhu cầu bức bách phải chuyển sang dùng loại phần mềm mã nguồn mở.

 

Nạn sao chép phần mềm lậu, vì thế, mặt nào đó cũng có lợi cho Microsoft trong việc chiếm giữ và duy trì thị phần, chờ tương lai. Khi thảo luận với Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin của Việt Nam, Bill Gates nói thẳng: “Doanh số của chúng tôi ở Việt Nam ngày nay rất thấp, phải nói là rất, rất thấp. Nhưng chuyện đó không sao...”. Ông nói tiếp: “Hãy tập trung từ đây, đảm bảo rằng Chính phủ sẽ sử dụng phần mềm hợp pháp đầu tiên. Sau đó, tiếp tục đến chính quyền địa phương và các doanh nghiệp”.

 

Nhìn sang Trung Quốc, có lẽ chúng ta sẽ thấy chiến lược của Microsoft rõ hơn. Trước ngày Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Mỹ, ăn cơm tối tại nhà Bill Gates một hôm, hãng Lenovo đã ký với Microsoft thỏa thuận mua phần mềm trị giá đến 1,2 tỉ Đôla. Và trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các hãng sản xuất máy tính phải cài đặt phần mềm có bản quyền vào máy trước khi bán ra thị trường.

 

Các hoạt động khác của Bill Gates tại Việt Nam nhắm đến mục đích lâu dài hơn: hỗ trợ biến Việt Nam thành một nơi nhận outsource (xu hướng chuyển công việc hậu cần như gia công phần mềm) cho các công ty đa quốc gia như Ấn Độ đang làm. Nếu Việt Nam làm được chuyện này, Microsoft sẽ có những khách hàng mới, mà với họ, việc mua phần mềm có bản quyền, kể cả phần mềm chuyên dụng, là chuyện đương nhiên.

 

Vì thế, Bill Gates sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, dùng nhiều thời gian để nói chuyện với sinh viên và cộng đồng tin học, khích lệ họ tin vào tương lai của công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nói riêng.

 

Ông nói: “Intel đến đây là điều tuyệt vời và không hoài nghi gì nữa, các nhà sản xuất công nghệ thông tin khác cũng sẽ thấy ra kỹ năng và lao động ở đây mà đến với thị trường này. Nhưng Việt Nam không nên chỉ tập trung vào sản xuất phần cứng. Việt Nam cũng nên tập trung vào phát triển phần mềm, vào outsourcing”.

 

Điều này trùng hợp với định hướng phát triển của Việt Nam, cho nên chẳng lạ gì vị Chủ tịch hãng Microsoft được chào đón nồng nhiệt, từ cấp Nhà nước, Chính phủ đến giới doanh nghiệp và sinh viên.   

 

Theo Thời báo KTSG

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm