Chuyện kê khai tài sản Thứ trưởng Thoa: Giật mình với quá trình "thâu tóm" cổ phần
(Dân trí) - Trước thềm niêm yết, Bóng đèn Điện Quang phát hành cổ phiếu để tăng vốn tới 4 lần trong 1 năm. Và thời điểm SCIC thoái vốn Nhà nước thì giao dịch lại được thực hiện qua phương thức thỏa thuận. Người ta băn khoăn, tiền đâu để các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mua cổ phần, trong đó có cả những người vừa mới học xong, chưa đi làm.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau khi xem xét tại phiên họp thứ 16 diễn ra từ 25 đến 27/7/2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và bị kiến nghị xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay.
Bà Thoa hiện đang là Thứ trưởng Bộ Công Thương. Tuy nhiên, thời gian trước đó, bà từng giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010) và đã có các vi phạm, khuyết điểm bị cho là “nghiêm trọng”.
Việc thi hành kỷ luật đối với bà Hồ Thị Kim Thoa đặt ra cho dư luận nhiều băn khoăn quanh quá trình cổ phần hóa Công ty Bóng đèn Điện Quang, nhất là khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: Trong thời gian dài, bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Quá trình công tác và gia tăng cổ phần nắm giữ tại Bóng đèn Điện Quang
Trước khi làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang thì bà Hồ Thị Kim Thoa đã qua các vị trí công tác tại Phòng Tài vụ Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) – Bộ Thương Mại.
Bà Thoa bắt đầu về công tác tại Điện Quang từ tháng 6/1992 với xuất phát điểm là một cán bộ nghiệp vụ Phòng Kế hoạch vật tư. Một năm sau đó (tháng 6/1993) bà lên Phó Trưởng phòng rồi làm Trưởng phòng Kế hoạch vật tư (tháng 12/1993) trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành công ty này vào tháng 6/1996.
Kể từ đó, bà liên tục là người điều hành doanh nghiệp trên cương vị Tổng giám đốc (tháng 4/2000) và là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này từ tháng 2/2005 và là người trực tiếp thực hiện tiến trình cổ phần hóa Công ty Bóng đèn Điện Quang.
Tại 31/12/2003, giá trị sổ sách để cổ phần hóa của Công ty Bóng đèn Điện Quang là 245 tỷ đồng. Nhưng theo Quyết định số 127 ngày 10/11/2004 do Thứ Trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu ký chuyển Công ty Bóng đèn Điện Quang thành Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (DQC), vốn điều lệ của công ty này chỉ là 23,5 tỷ đồng. Đồng thời tại thời điểm này Công ty Bóng đèn Điện Quang còn được xóa khoản lỗ kinh doanh trên 28 tỷ đồng để thực hiện cổ phần hóa.
Tháng 2/2005, Công ty Bóng đèn Điện Quang cổ phần hóa, bà Hồ Thị Kim Thoa giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Số cổ phần bà Thoa nắm giữ tăng qua các năm: Năm 2007 là 674.220 cổ phiếu; năm 2008 là 736.420 cổ phiếu; năm 2009 là 858.000 cổ phiếu; năm 2010 khi đã giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương là 1.160.000 cổ phiếu. Đến năm 2016, số cổ phiếu của bà Thoa nắm giữ tại Điện Quang là 1.686.415 đơn vị. Ngoài ra, bà Thoa còn nắm giữ 9.803 cổ phiếu tại Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông (RDP), công ty do em trai bà làm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Việc gia tăng cổ phần nắm giữ của bà Thoa (và các thành viên trong gia đình) tại Bóng đèn Điện Quang chủ yếu thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu, đồng thời mua thêm trong các phiên giao dịch trên sàn chứng khoán. Ví dụ, ngày 13/8/2008 mua thêm 200.000 cổ phiếu DQC, ngày 11/11/2008 mua thêm 62.200 cổ phiếu DQC.
Nhìn lại quá trình tăng vốn của Bóng đèn Điện Quang trước thời điểm niêm yết, không ít người phải "sốc". Theo đó, hồi tháng 1/2007, Điện Quang chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông theo tỷ lệ 1:1,2 để nâng vốn điều lên hơn gấp đối từ 23,5 tỷ đồng lên 51,7 tỷ đồng.
Chỉ hai tháng sau đó, công ty này tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, nâng vốn điều lệ lên 63,17 tỷ đồng. Trong đó, chào bán cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu thì được mua 2 cổ phần phát hành thêm. Bên cạnh đó, chào bán riêng lẻ cho một số đối tác chiến lược của công ty.
Tháng 9/2007, Điện Quang tăng vốn lần 3 trong năm lên 80 tỷ đồng. Trong đó, phát hành riêng lẻ 1,4 triệu cổ phần phổ thông cho các nhà đầu tư lớn là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, phát hành 283.000 cổ phần ưu đãi cổ tức theo chương trình ESOP cho cán bộ công nhân viên trong công ty.
Tháng 11/2007, lần thứ 4 trong năm, Điện Quang nâng vốn điều lệ lên 157,17 tỷ đồng thông qua tạm ứng cổ tức 6 tháng đầu năm 2007 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu phổ thông được nhận thêm 1 cổ phiếu phổ thông).
Tiền đâu để gom mua cổ phiếu?!
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, một chuyên gia tài chính đặt vấn đề: "Nếu với vị trí như một người lao động bình thường, không giữ vị trí trọng trách của công ty thì liệu bà Thoa có đủ khả năng tài chính để gom rất nhiều cổ phần của người lao động bán lại để có được mức sở hữu khủng, tài sản kếch xù như thế không? Đây là vấn về lớn, vô cùng nhức nhối. Về vấn đề này cơ quan chức năng đã chỉ rõ, bà Thoa mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của công ty".
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần xem xét, truy lại nguồn gốc số tiền của gia đình bà Thoa trong quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu tại hai doanh nghiệp gốc Nhà nước là Bóng đèn Điện Quang và Nhựa Rạng Đông.
Lấy ví dụ về việc sở hữu cổ phần của các con bà Thoa. Nguyễn Thái Nga bắt đầu gia nhập Bóng đèn Điện Quang năm 2012, lúc đó đã sở hữu 1.787.343 cổ phiếu công ty này. Vậy, nguồn tài chính từ đâu mà có thể mua được? Hoặc con gái thứ Nguyễn Thái Quỳnh Lê năm 2012 khi còn đang du học đã mua 1.316.590 cổ phiếu DQC, vậy tiền đâu mua lượng cổ phiếu như vậy?
Hoặc vụ chuyển nhượng cổ phiếu đáng chú ý vào năm 2014, thời điểm Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán toàn bộ 3,9 triệu cổ phiếu DQC với số tiền 179 tỷ đồng để hoàn tất việc thoái vốn tại Bóng đèn Điện Quang.
Điều đáng nói là quá trình thoái vốn này được thực hiện theo hình thức thỏa thuận, chứ không đấu giá công khai. Cá nhân mua lại 1,17 triệu cổ phiếu DQC trên tổng số 3,9 triệu cổ phiếu từ SCIC chính là ông Hồ Đức Dũng, con trai ông Hồ Đức Lam - anh ruột của ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Điện Quang tại điểm đó và đến hiện nay.
Cá nhân ông Hưng thời điểm đó nắm giữ tổng cộng 597.792 cổ phiếu DQC. Đúng một năm sau, ngày 15/9/2015 ông Hồ Đức Dũng bán ra 1,5 triệu cổ phiếu DQC với tổng số tiền 83,25 tỷ đồng. Cùng thời điểm, ông Hồ Quỳnh Hưng cũng đăng ký mua vào theo hình thức thỏa thuận cũng chính 1,5 triệu cổ phiếu trên. Sau cú giao dịch này, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DQC của ông Hưng nâng lên 2.289.085 cổ phiếu, tương ứng sở hữu 7,1% vốn điều lệ DQC.
Một thương vụ quá "dại khờ"?
"Năm 2014, thị trường chứng khoán đã phát triển. Với một doanh nghiệp hàng tiêu dùng có thương hiệu như Bóng đèn Điện Quang thì không lý do gì để không đấu giá công khai, giá trị thương vụ sẽ đạt được ở mức cao nhất. Không thể ngụy biện rào cản nào cho việc thực hiện hoạt động thoái vốn bằng phương thức thỏa thuận. Nếu người bán cổ phiếu là doanh nghiệp tư nhân, chắc chắn, họ sẽ lựa chọn đấu giá để thu lợi nhiều nhất. Vấn đề ở đây là tại sao lại có một thương vụ quá dại khờ như vậy?" - vị chuyên gia thắc mắc.
Còn tại Nhựa Rạng Đông, ông Hồ Đức Lam, em trai bà Thoa là chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc hiện nắm giữ 18.146.296 cổ phiếu RDP, chiếm 64,15% vốn điều lệ công ty (tương đương gần 400 tỷ đồng theo thị giá RDP).
Khi SCIC thoái vốn Nhà Nước tại Nhựa Rạng Đông vào tháng 7/2015, qua giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận (bắc cầu qua hai nhà đầu tư cá nhân khác), ông Lam đã mua được 5,77 triệu cổ phiếu RDP, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 24,26% lên 64,74% vốn điều lệ RDP.
Như vậy, chỉ riêng tài sản cổ phiếu mà đại gia đình bà Thoa có được tại 2 công ty gốc Nhà nước nay đã chuyển sang cổ phần đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tài sản này được hình thành khi những người trong gia đình bà Thoa được Nhà nước giao trách nhiệm tiến hành quá trình cổ phần hóa và đại diện vốn Nhà nước sau cổ phần hóa. Đây là chưa xem xét các tài sản khác như bất động sản, phương tiện, kinh phí đưa con em đi học nước ngoài...
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, chủ trương thoái vốn Nhà nước tại những doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối hoặc sở hữu vốn sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường về lâu dài và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp thoái vốn do có cơ hội tiếp cận các nguồn lực bên ngoài năng động hơn.
Tuy nhiên, vấn đề là thoái vốn bằng hình thức nào để tài sản của Nhà nước không bị thất thoát. Những bài học trong quá khứ cho thấy, cần phải tránh việc thoái vốn mang tính chất thỏa thuận bởi những thương vụ như vậy thường mang tính chất “dàn xếp” và khi đã dàn xếp thì không thể có mức giá tối đa như trường hợp đấu giá công khai. Nhiều nhà đầu tư không mua được vì giao dịch ngầm và trên thực tế, thoái vốn theo hình thức này có thể đã có nhóm lợi ích đứng sau.
Bích Diệp