Chuyện ít người biết về nữ doanh nhân bị sát hại tại Trung Quốc

(Dân trí) - Trời phú cho nhan sắc, khả năng kinh doanh và chinh phục người khác đã làm nên tên tuổi nữ doanh nhân Hà Thúy Linh - người phụ nữ đoản mệnh bỏ mạng nơi xứ người đang được dư luận theo dõi trong những ngày gần đây.

Tôi gặp Hà Thúy Linh (thường gọi là Hà Linh) lần đầu vào những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, chị là cô gái đôi mươi, xinh đẹp, cao ráo. Lúc đó chị là thông dịch viên tiếng Trung cho ngành du lịch. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn cà phê chuyện trò rôm rả ngay tại Đà Lạt. Hơn 20 năm rồi, chị đã là người phụ nữ 45 tuổi, nhưng dường như trông chị còn đẹp hơn hồi trẻ…

Bữa ăn tối cuối cùng của bà Hà Linh tại TPHCM trước khi bà bay sang Trung Quốc và bị sát hại. (Ảnh lấy từ trang faceebok của bà Hà Linh).
Bữa ăn tối cuối cùng của bà Hà Linh tại TPHCM trước khi bà bay sang Trung Quốc và bị sát hại. (Ảnh lấy từ trang faceebok của bà Hà Linh).

Tôi còn nhớ như in, ít lâu sau lần gặp đầu tiên, Hà Linh từ giã ngành du lịch và kết hôn với ông Lin Chin Choang (người Đài Loan, tên Việt Nam là Lâm Thiên Sáng). Chị theo chồng sang Đài Loan sinh sống. Tại Đài Loan, Linh đã cất công tìm hiểu các loại trà cao cấp như ô long, tứ quý, kim tuyên, thúy ngọc... và cả công nghệ chế biến.

Đến năm 2002, Hà Linh thuyết phục chồng quay về Đà Lạt làm trà ô long, loại trà nổi tiếng ở các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản nhưng còn quá xa lạ với Việt Nam. Chị cùng nhóm doanh nhân Đài Loan lập ra Công ty TNHH Fusheng, cặm cụi trồng trỉa, chăm bón, đo đo tính tính.... Thất bại không ít nhưng cuối cùng họ đã chế biến ra “con rồng đen” – tức trà ô long.

Sau một thời gian làm ăn cùng nhóm doanh nhân kia trong Công ty TNHH Fusheng, vợ chồng Linh tách riêng thành lập Công ty TNHH HaiYih.

Chị Hà Ngọc Hương (em gái Hà Thúy Linh) kể: “Những ngày đầu mới thành lập, Công ty TNHH HaiYih khó khăn vô cùng. Tôi rất xót xa khi thấy chị mình đầu tắt mặt tối, căng người đến kiệt sức suy tâm. Một mặt phải lo cạnh tranh với bên ngoài, mặt khác phải cạnh tranh với chính Công ty Fusheng vừa từ đó tách ra, nếu không cứng tay chèo chống, HaiYih sẽ “đổ” ngay từ trứng nước. Tôi còn nhớ tháng lương đầu tiên tôi nhận của HaiYih là 220.000 đồng, đó là số tiền quá bèo bọt, nhưng làm cho chị ruột nên không tính thiệt hơn”.

Xinh đẹp, tài giỏi nhưng chuyện tình duyên của Hà Linh lại trắc trở, đa đoan. Do đã ly hôn chồng, năm 2008 Hà Thúy Linh thành lập Công ty TNHH Hà Linh, kinh doanh mặt hàng trà ô long. Bà Hà Thúy Linh được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Lâm Đồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Lâm Đồng, đồng thời là ủy viên trung ương của hai tổ chức này.

Sẽ khám nghiệm tử thi bà Hà Linh để làm rõ nguyên nhân cái chết

Vài năm gần đây, Công ty Hà Linh đã gặp không ít khó khăn bởi sự cạnh tranh khốc liệt của một vài đối thủ có chung vùng nguyên liệu, cùng thị trường tiêu thụ. Chị Hà Ngọc Hương kể: “Chị ấy thường than với tôi là chị đi đến đâu, họ tìm cách bít đường đến đó, chuyện đối thủ dùng thủ đoạn triệt tiêu chị có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Cánh đồng chè đã làm nên tên tuổi bà Hà Linh.
Cánh đồng chè đã làm nên tên tuổi bà Hà Linh.

Đó cũng là nguyên cớ dẫn đến tin đồn trà ô long Đà Lạt nhiễm chất độc dioxin. Năm ngoái, bà Hà Linh đã đích thân sang Đài Loan, Trung Quốc để thực hiện các động tác giải vây. Luật sư Trương Quang Quý (người hỗ trợ pháp lý cho Công ty Hà Linh) còn cho biết, có một đối tượng thường xuyên gây áp lực, không cho bà Linh xuất khẩu trà ô long sang thị trường Đài Loan. Do vậy trong một thời gian dài, công ty không có đối tác đến từ Đài Loan, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Trong lúc khó khăn, ngày Hà Linh sang Trung Quốc (19/9). Ngoài việc gặp gỡ bạn hàng cũ giải quyết chuyện nợ nần, bà còn gặp một đối tác mới để ký hợp đồng tiêu thụ trà ô long lâu dài, họ còn nói sẽ góp 20% vốn vào công ty để làm ăn chung... Chị Hà Ngọc Hương cũng cho biết: “Trước khi đi Trung Quốc, chị Linh có hỏi tôi nếu ít lâu nữa công ty mở rộng sản xuất kinh doanh, Hương có quay trở lại làm việc cho chị như trước đây không. Tôi hỏi đối tác "Mạnh Thường Quân" sẽ góp vốn là ai, chị bảo phải bí mật đến giờ chót theo yêu cầu của họ”.

Thực ra Hà Linh không cần 20% vốn góp, mà phải chấp nhận như một điều kiện trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Thậm chí tiếp cận được đối tác này, theo luật sư Quý, Hà Linh phải chấp nhận chuyển trước cho một người môi giới một số tiền lớn trước khi đi Trung Quốc.

Theo chị Hương, trước khi lấy chồng, Hà Linh đã thường xuyên tiếp xúc với người Đài Loan và Trung Quốc, vì lúc đó chị là thông dịch viên tiếng Trung của ngành du lịch. Nhưng có một điều rất lạ là khi em gái cố gắng học tiếng Trung Quốc để phụ giúp công việc, thì chị Linh lại cấm, không cho học. “Đến giờ này tôi vẫn không hiểu vì sao. Phải chăng ngay từ những ngày đầu trong cuộc đời kinh doanh, chị ấy đã phải tiếp xúc với người nước ngoài... nên hiểu nhiều thứ hơn tôi, không muốn tôi dây vào?” – chị Hương nói.

Xâu chuỗi toàn bộ vấn đề, luật sư Trương Quang Quý đặt nghi vấn: “Hoặc do bà Linh có được đối tác làm ăn ở Trung Quốc khiến “đối thủ” muốn giết bà Linh để giành thị trường. Cũng có thể những thỏa thuận hợp tác kia chỉ là miếng mồi chiêu dụ bà Linh sang Trung Quốc cho đồng bọn ra tay theo một ý đồ có trước”. Trước khi lên đường sang Trung Quốc nhận thi thể Hà Linh, người nhà của chị còn nhận được những tin nhắn đe dọa, hỏi ngày giờ nào đến Trung Quốc để họ “đón tiếp”.

Do vậy ngày giờ đi phải giữ bí mật, thay đổi liên tục với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng. Hiện người thân Hà Linh chỉ mới được tiếp cận và xác nhận đó chính là thi thể của chị.

Cơ quan chức năng phía Trung Quốc sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi để phục vụ công tác điều tra rồi mới làm thủ tục cho người thân đưa thi hài chị về nước. Ngoài ra, Tổng cục Cảnh sát đã giao Cục Cảnh sát hình sự phối hợp điều tra trên cơ sở khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường và các tài liệu, chứng cứ do cơ quan chức năng Trung Quốc cung cấp.

Thi Hoàng - Tuấn Hợp