DMagazine

Chuyên gia: Thiếu điểm mấu chốt để chọn ra được cách tính giá điện mới

(Dân trí) - Về đề xuất giá điện của Bộ Công Thương, giới chuyên gia cho rằng muốn đánh giá từng phương án cơ cấu giá điện mới, phải tính xem có làm tăng giá điện bình quân không, song trong đề xuất lại không có.

Thiếu điểm mấu chốt để chọn ra được cách tính giá điện mới

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng muốn đánh giá từng phương án cơ cấu giá điện mới, phải tính xem có làm tăng giá điện bình quân hiện hành không. Tuy nhiên, trong đề án lại không có.

Bộ Công Thương vừa đề xuất cách tính tiền điện sinh hoạt mới, với phương án rút gọn từ 6 bậc như hiện hành còn 4 hoặc 5 bậc. Mức giá bán lẻ điện ở bậc thấp nhất là 1.678 đồng/kWh và cao nhất 3.356 đồng/kWh.

Theo Bộ này, việc giảm số bậc trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có ưu điểm là đơn giản trong áp dụng, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, phù hợp với xu thế cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt tại một số nước trong khu vực.

Biểu giá điện nhiều hay ít bậc thì tốt hơn?

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết có 2 nguyên tắc khi xây dựng biểu giá bán lẻ điện: thứ nhất là thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng, người nghèo; thứ hai là đáp ứng được việc thực hiện tiết kiệm sử dụng điện. Lý do phải tiết kiệm điện là nguồn đầu vào hữu hạn và nhu cầu điện tăng cao, trong khi khả năng cung ứng thấp.

Trong nền kinh tế thị trường, nguyên tắc là càng mua nhiều thì càng rẻ. Tuy nhiên, đối với ngành điện dùng càng nhiều thì lại càng đắt. Biểu giá bán lẻ điện chia làm nhiều bậc, với bậc sau cao hơn bậc trước nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và khuyến khích tiết kiệm điện.

Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt sẽ áp dụng. Hiện nay, Chính phủ chỉ quy định giá điện bình quân và giao Bộ Công Thương xây dựng cơ cấu biểu giá điện dựa trên các chi phí đầu vào.

Có thể hiểu giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt đang áp dụng từ năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tức Bộ Công Thương phải tính toán làm sao khi bán điện xong, tổng doanh thu chia cho sản lượng điện tiêu thụ thì giá trung bình mỗi kWh khoảng 1.864,44 đồng. Nếu con số này lớn hơn 1.864,44 đồng thì ngành điện có lãi.

Chuyên gia: Thiếu điểm mấu chốt để chọn ra được cách tính giá điện mới - 1

Ở phương án giảm biểu giá bán lẻ điện xuống còn 5 bậc, theo tính toán của Bộ Công Thương, hộ sử dụng điện thấp được hưởng lợi, cao trên 701 kWh/tháng phải trả thêm tiền.

Theo đơn vị tư vấn đề án là Công ty TNHH MTV Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Bách Khoa, biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với 6 bậc như hiện nay là quá nhiều, phức tạp, đặc biệt thể hiện trong quá trình đo đếm, tính toán hóa đơn tiền điện của các hộ. Việc rút ngắn số bậc và thiết kế giá cũng nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh chia càng nhiều bậc bao nhiêu thì sự phân hóa càng chính xác bấy nhiêu. "Nhiều bậc rất có lợi cho người tiêu dùng, chỉ là khó theo dõi thôi", vị chuyên gia nói.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, số bậc trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phụ thuộc vào thị trường, Khi thị trường thay đổi thì số bậc thay đổi và không ai có thể can thiệp vào điều này cả.

"Việc tính toán biểu giá điện phải đảm bảo ngành điện không lỗ vốn để phát triển, cũng không làm người dân thiệt thòi và cũng không vì giá điện mà ảnh hưởng tới hoạt động của ngành sản xuất nói riêng và Nhà nước nói chung", ông Ngãi nêu quan điểm.

Chuyên gia: Thiếu điểm mấu chốt để chọn ra được cách tính giá điện mới - 2

Số tiền ước tính khách hàng phải trả cho các phương án giá điện (Biểu đồ: Nhân Cơ).

Sau khi chia bậc, theo chuyên gia Ngô Trí Long, điều cần quan tâm tiếp đến là giá của từng bậc đã hợp lý chưa, bậc nào là mức tiêu thụ trung bình trên toàn quốc. Cơ quan quản lý phải dự toán rất chính xác từng bậc 1 năm tiêu thụ bao nhiêu để cân đối với giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ đưa ra.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng muốn đánh giá từng phương án cơ cấu giá điện mới mà Bộ Công Thương đưa ra, phải tính xem có làm tăng giá điện bình quân hiện hành không. Tuy nhiên, trong đề án lại không nêu.

Khi nào EVN được tăng giá điện?

Bộ Công Thương cho biết theo quy định hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ được tăng giá điện nếu giá bán lẻ điện bình quân thực tế tăng từ 3% do biến động thông số đầu vào.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý đề xuất chỉ cần chỉ tiêu này tăng hoặc giảm từ 1%, giá điện có thể thay đổi. Việc làm này được lý giải nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện,

Bên cạnh đó, dự thảo cũng cho phép EVN được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%.

Chuyên gia: Thiếu điểm mấu chốt để chọn ra được cách tính giá điện mới - 3

Bộ Công Thương đề xuất cho EVN điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng hoặc giảm từ 1% (Ảnh: EVN).

Trường hợp khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo. Sau khi Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến thì EVN được điều chỉnh tăng giá điện.

Trường hợp tăng 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.

Đối với quy định giảm giá điện, Bộ Công Thương cho biết nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì EVN phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng, thời gian thực hiện điều chỉnh giảm giá điện từ ngày 1/10 của năm đó.

Trước đây, giá điện được xem xét điều chỉnh với thời gian tối thiểu là 6 tháng/lần, song dự thảo kéo dài chu kỳ tính toán lên một lần/năm. Cụ thể, trước ngày 1/8 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán lẻ điện bình quân trong năm làm căn cứ xem xét chỉnh giá điện, áp dụng từ ngày 1/10 sau đó.

Hồ sơ xây dựng phương án giá điện hàng năm, phương pháp tính toán được lập trên cơ sở báo cáo tài chính, báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN được kiểm toán; kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề năm tính giá; các thông số đầu vào tính toán giá điện được cập nhật thực tế thực hiện của 6 tháng đầu năm và dự kiến 6 tháng còn lại của năm tính giá.

Nội dung: Văn Hưng