1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Nhiều chính sách hay nhưng thực hiện... dở dang"

An Linh

(Dân trí) - Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, khái quát kinh tế Việt Nam 5 năm (2016 đến 2020) có nhiều chính sách hay nhưng thực hiện chưa đến nơi, đến chốn, dở dang hoặc không thực hiện được.

Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025: Phục hồi và tăng tốc" vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu kinh tế đã đánh giá về hiện trạng kinh tế Việt Nam cùng xu hướng, cơ hội từ năm 2021 trở đi.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng: Trong 5 năm 2016-2020 có nhiều chính sách hay, chủ trương tốt đã được đề ra từ đầu, nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện chưa đến nơi đến chốn nên mọi thứ đều dở dang.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nhiều chính sách hay nhưng thực hiện... dở dang - 1

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam có nhiều chính sách hay, chủ trương tốt nhưng thực hiện dở dang, chưa đến nơi đến chốn (ảnh Mạnh Quân)

Bà Lan lấy ví dụ về chính sách cắt bỏ điều kiện kinh doanh, đánh thuế tài sản rất cần được thực hiện triệt để. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên tiến trình thực hiện các chủ trương đứng đắn chưa thực chất và chưa đúng với ý tưởng người đặt ra.

Chính vì vậy, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 đến 10 năm sau vẫn cứ nhắc lại 3 đột phá của 10 năm trước đề ra đó là thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Điều quan trọng nhất để đảm bảo cho tính hiệu quả của nền kinh tế là phải xem xét lại cơ chế thực thi như nào để đảm bảo hiệu quả. Ý tưởng, cải cách đưa ra nhưng thực hiện nửa vời hoặc bị bên có lợi ích trì hoãn, sẽ khiến cho chính sách sai lệch hoặc thực hiện phiến diện.

Chuyên gia Lan cho rằng phải có những công cụ để thực hiện cho bằng được các ý tưởng cải cách, các sáng kiển. "Lâu nay chúng ta làm dàn trải quá nhiều, thời gian thực hiện dàn trải, nhiều quyết sách chia và phụ thuộc nhiều bộ, ngành nên không tập trung thực hiện, không giám sát và đánh giá hiệu quả và truy trách nhiệm được".

Theo bà Lan, cách làm của Việt Nam khi chống Covid-19 sở dĩ hiệu quả và được thế giới đánh giá cao là tập trung quyền và trách nhiệm vào một Ban Chỉ đạo tầm quốc gia, rồi giao việc cho các cơ quan liên quan, ai làm đúng việc người ấy. Đây cũng là kinh nghiệm để trong chỉ đạo, điều hành kinh tế.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam và toàn cầu trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid-19. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm năm 2020 và cho đến nay, nhiều nước vẫn phải áp dụng cầu biện pháp ngặt nghèo với dịch bệnh.

"Có thể nói đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 2009, trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc", ông Phương chia sẻ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), để thực hiện hai mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế Chính phủ nên có gói hỗ trợ thứ 2. Với mục tiêu phục hồi chỉ nên tập trung vào chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh và cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược.

Vừa qua, chúng ta có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lao động và doanh thu, nhưng lại đưa ra tiêu chí doanh nghiệp phải mất bao nhiêu doanh thu, bao nhiêu lao động thì mới được hỗ trợ; khiến doanh nghiệp lại phải làm thêm thao tác bỏ bớt lao động, bớt doanh thu để đáp ứng đủ tiêu chí, vô hình trung đã tạo ra động lực ngược.

Chính phủ cần phải chính xác hơn về đối tượng và dựa theo kết quả đầu ra để tránh tâm lý sống nhờ vào gói trợ cấp của Chính phủ. Ví dụ, có chính sách thuế đối với chi phí của doanh nghiệp bỏ ra chi cho việc mua vật tư, các phương tiện để phòng chống dịch. Doanh nghiệp nào làm sẽ được hưởng.

Đối với mục tiêu tăng trưởng, dư địa tăng trưởng bây giờ phải là năng suất và tính năng động của khu vực doanh nghiệp.

"Gói tài chính nên tập trung vào đầu tư công có trọng điểm, hướng tới lợi ích của toàn dân ngay cả khi không còn Covid-19 như giáo dục, y tế, những hạ tầng kinh tế ưu tiên cho sản xuất kinh doanh", ông Hiếu cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm