1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Cần thu hồi sớm tài sản tham nhũng để đầu tư trở lại nền kinh tế

(Dân trí) - Trong cuộc trao đổi với Dân Trí, ông Nguyễn Trần Bạt, chuyên gia tư vấn của InvestConsult Group cho rằng, Việt Nam đang có những kết quả bước đầu về chống tham nhũng, cách làm tiếp theo là phải tìm cách thu hồi các tài sản của tham nhũng phục vụ đất nước hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Trần Bạt, doanh nhân, chuyên gia tư vấn của InvestConsult Group
Ông Nguyễn Trần Bạt, doanh nhân, chuyên gia tư vấn của InvestConsult Group

Theo ông, Thủ tướng vừa thành lập tổ tư vấn cho mình, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, ông đánh giá thế nào về thông điệp này?

- Tình hình kinh tế đất nước đang khó khăn, trong 15 năm tư duy nhiệm kỳ làm cho các nhà điều hành bới hết tất cả các nguồn dự trữ đất nước để phục vụ các mục tiêu chính trị ở nhiệm kỳ của mình.

Có những câu nói mà đến giờ nhắc lại tôi vẫn rùng mình, đó là “tầm nhìn 2030-2050”, bởi vì tôi xem tầm nhìn ấy như là nhìn thấy chỗ cất giấu nguồn lực của đất nước và bới nó ra để làm cho thành công hơn, cho “đã” cơn sốt ruột của nhiệm kỳ của mình.

Trước mắt Chính phủ nhiệm kỳ này đối mặt với bài toán rất khó. Tức là làm sao vừa tăng trưởng vừa phải chống tham nhũng để hạn chế sự mất mát tài sản quốc gia. Chúng ta mới đạt kết quả bước đầu về chống lại được các hiện tượng tham nhũng còn về thu hồi các nguồn tài sản quốc gia để đưa nó trở lại đầu tư phát triển kinh tế thì không được bao nhiêu. Chúng ta cần thu hồi sớm tài sản tham nhũng để đầu tư trở lại nền kinh tế

Tổ tư vấn của Thủ tướng có một số chuyên gia người Việt ở nước ngoài. Ông thấy thế nào?

- Thành lập tổ tư vấn là một trong những công việc mà Thủ tướng làm để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đây là chuyện bình thường. Ngoài nỗ lực của Thủ tướng thì đây cũng được coi là kênh huy động yếu tố có năng lực suy nghĩ cho Việt Nam ở trên thế giới.

Còn các học giả nước ngoài, có lẽ ngoài việc đóng góp các kiến thức về kinh tế học thì họ có thể là những chuyên gia có tên tuổi, có thể đem lại một vài cách thức cho Việt Nam trong việc tìm kiếm các yếu tố quốc tế nhằm khắc phục các khó khăn hiện nay.

Ví dụ giáo sư ở Nhật sẽ đưa kinh nghiệm quan sát được ở Nhật Bản, giáo sư ở Mỹ thì sẽ đem kinh nghiệm quan sát được ở Mỹ. Tất cả những chuyện ấy là năng lực đóng góp của họ, còn lựa chọn để nghe, và lựa chọn cái nghe, để biến thành một chương trình xã hội là cả vấn đề. Đấy là trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ.

Cổ phần hóa đang vướng hai nút thắt là xác định tài sản Nhà nước quá thấp hoặc chây ỳ, giữ làm sân sau cho bộ, ngành. Là nhà tư vấn đầu tư, ông có kiến giải gì để tháo gỡ cổ phần hóa đang chậm chạp hiện nay?

- Các DN bây giờ trở thành hàng hóa của nền kinh tế thị trường hiện đại, người ta mua rồi sáp nhập bán với giá cao hơn. Cổ phần hóa có thể rơi vào bẫy bán rẻ, mua đắt và quá trình bán các xí nghiệp không phải để mang tiền về cất mà bán để dùng tiền tái đầu tư.

Đấy là quá trình xã hội bình thường, chúng ta phải học và rút kinh nghiệm. Chống tham nhũng chính là xây dựng các cơ chế để kiểm soát tham nhũng sẽ xảy ra trong tương lai chứ không phải là vấn đề chúng ta nêu trong thời điểm hiện nay.

Cải cách thủ tục hành chính rất cần, nhưng cho dù Chính phủ, bộ ngành nỗ lực song khu vực này vẫn rất chậm chạp, theo ông chúng ta cần phải làm gì thời gian tới?

- Tôi muốn nói với Chính phủ rằng xây dựng nền hành chính nghiêm túc là nhiệm vụ chính trị số một của Chính phủ. Hay nói cách khác, nếu gọi kiến tạo là nhiệm vụ chính trị của Chính phủ, thì kiến tạo ra một nền hành chính thuận lợi cho xã hội hành động là nhiệm vụ chính trị số một.

Không có một chính sách đúng đắn thì rất khó để có các DN vừa và nhỏ. Các xí nghiệp vừa và nhỏ họ cần cái khác. Họ cần đơn giản thủ tục hành chính, cần tiếp cận tín dụng, tài nguyên một cách công bằng. Đã nhỏ thì tiềm năng thấp, tiềm năng thấp thì tiếp cận những nguồn lực như vậy là khó. Lực lượng để cấu tạo ra các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn chính là khu vực kinh tế vừa và nhỏ trong quá trình phát triển, họ tự lớn lên.

Về nguồn lực cho tăng trưởng, thời gian qua chúng ta kỳ vọng nhiều vào kinh tế tư nhân, nhưng đến nay khu vực này vẫn khá chật vật, thậm chí bé đi, ông có đánh giá gì về khu vực này?

- Người ta có tiền việc đầu tiên không phải là đầu tư mà là mua hàng, mua hàng tiêu dùng chính là biểu hiện cụ thể nhất của đòi hỏi phát triển. Năm 1986 chúng ta có khó khăn là bước vào cuộc chuyển mình từ một nền kinh tế này sang một nền kinh tế khác, còn cái khó khăn hiện nay là chúng ta vật lộn với những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường.

Nếu khó khăn trước là chúng ta thay đổi những mặt bản chất của nền kinh tế thì bây giờ là chúng ta cải thiện quản trị của nhà nước về điều hành nền kinh tế.

Đất nước của chúng ta đang nằm giữa tất cả các đòi hỏi phát triển bình thường của một quốc gia, trước đây chúng ta nghèo đói còn bây giờ là chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch giàu nghèo bởi năng lực kiếm lợi của xã hội là rất khác nhau cho nên mới đẻ ra các tập đoàn lợi ích.

Trân trọng cảm ơn ông!

An Linh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm