Chuyên gia Nguyễn Minh Đức: Giá điện tăng không gây lạm phát cuối năm

(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá điện tại thời điểm cuối năm, nhiều người cho rằng có thể giá điện này tác động đến hộ tiêu dùng điện, tăng giá điện thời điểm cuối năm khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên, đẩy giá thành tăng cao và từ đó khiến lạm phát tăng cao. Dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Pháp chế, Phòng Thương mại Việt nam có trao đổi ngắn với Dân Trí.

Thưa ông, giá điện vừa được phép điều chỉnh tăng 6.08% từ mức 1.622 đồng lên 1.720 đồng/kWh (tăng khoảng 98 đồng/kWh), việc này chắc chắn cũng ảnh hưởng đối với người tiêu dùng, DN sử dụng nhiều điện?

- Lần gần nhất tăng giá điện là từ tháng 3/2015, tức là cũng đã gần 3 năm, trong 3 năm đó, năm 2015 lạm phát 0,6%, năm 2016 là 4,74%, năm 2017 dự kiến là 4%. Như vậy, tính toán nhanh cho thấy giá điện tăng thấp hơn tốc độ tăng giá trung bình của các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Hãy thử tưởng tượng thế này, nếu bạn là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nào đó và có sử dụng điện là đầu vào. Giả sử, trong 3 năm qua, giá bán hàng hóa của bạn tăng mức trung bình, tức là bằng lạm phát. Như vậy, rõ ràng là tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá bán của bạn đang giảm.

Mặc dù tăng giá chưa đến 100 đồng/kWh, nhưng thời điểm tăng giá vào cuối năm, được cho là tác động không tốt khiến nhiều mặt hàng tăng giá, doanh nghiệp "vin cớ" tăng giá điện để tăng giá sản phẩm dịp giáp Tết?

- Lý do chọn tháng 12 để tăng giá là vì mục tiêu lạm phát 4%, phải chắc trong tầm tay thì mới dám tăng giá điện. Đúng là việc tăng giá điện vào tháng 12 sẽ gây tác động nhất định đến những doanh nghiệp đang sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết của người dân.

Thực ra, phương án tăng giá điện đã được tính toán từ đầu năm. Các cơ quan đã trình phương án từ tháng 3/2017, nhưng chưa được Chính phủ đồng ý. Tôi cho rằng lý do lớn nhất là vì mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2017 là 4%, Chính phủ chọn thời điểm này để tăng giá điện khi mà mục tiêu lạm phát dưới 4% đã nằm trong lòng bàn tay.

Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào sản xuất điện năm 2016 tăng khá mạnh, đặc biệt là tỷ giá, dẫn đến chi phí mua điện của những hợp đồng theo ngoại tệ tăng. Chi phí bảo hiểm cũng tăng mạnh theo quy định mới về bảo hiểm. Năm 2017, thời tiết thuận lợi nên chi phí có phần chững lại, không tăng.

Tăng giá điện phải dựa trên yếu tố đầu vào tăng, đầu ra mới tăng, chi phí mua điện Việt Nam còn thấp, nhiều người cho rằng tăng giá bán điện phải dựa trên việc tăng giá mua điện, không phải tăng giá điện để bù lỗ kinh doanh hoặc bù các khoản đầu tư ngoài ngành điện, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Như đã nói trên, với áp lực tăng chi phí đầu vào năm 2016 nên phương án tăng giá điện đã được trình từ đầu 2017. Nhưng có thể hoãn đến cuối 2017 mới tăng giá điện nhờ sự thuận lợi của thời tiết.

Hiện nay, theo tôi được biết thì ngành điện cũng đã thoái vốn gần hết ở những khoản đầu tư ngoài ngành.

Đề án xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã được phê duyệt và đang thực hiện. Tuy nhiên, tôi thấy tốc độ thực hiện trên thực tế còn chậm. Mặc dù đã được coi là hoàn thành giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng trên thực tế thì cũng mới chỉ có khoảng 1 nửa sản lượng điện được chào giá cạnh tranh, còn lại vẫn đang mua với giá cố định. Ngoài các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, phục vụ điều tiết nước là chính, thì vẫn còn một sản lượng điện khá lớn khá lớn không tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Hơn nữa, trên thị trường điện cạnh tranh có nhiều nhà máy nhưng chủ yếu lại là những doanh nghiệp thuộc tập đoàn EVN. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi là việc chào giá của những nhà máy đó có thực sự cạnh tranh.

Hiện tại, giá mua điện Việt Nam thấp, nhiều lý do được đưa ra là không tăng giá điện sẽ khiến thị trường thiếu cạnh tranh, không thu hút được nhà phát triển điện mới. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi ngành điện giảm độc quyền về giá, minh bạch về kinh doanh, truyền tải điện cũng như được kiểm toán tốt, ý kiến của ông về vấn đề này như nào?

- Chúng ta đang thực hiện giai đoạn bán buôn điện cạnh tranh nhưng có vẻ vẫn chưa hiệu quả. Bên mua điện vẫn là 5 tổng công ty của EVN, 5 tổng công ty này lại phân chia địa bàn nên về thực chất là chưa có sự cạnh tranh đúng nghĩa.

Dự kiến đến 2021 chúng ta sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khi đó người tiêu dùng có quyền chọn giữa nhiều nhà cung cấp điện. Nhưng cá nhân tôi thấy để làm được điều này thì Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực sẽ phải rất quyết tâm.

Các giải pháp đưa ra phải cụ thể và thực chất, tránh tính trạng cạnh tranh bề ngoài, tức là nhìn qua thì có nhiều doanh nghiệp cung cấp điện đấy, nhưng thực tế thì người tiêu dùng vẫn không có cơ hội chọn lựa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

(ghi)