1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia: Nếu cứ như thế này, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ sụp đổ

(Dân trí) - Toạ đàm "Những bước tiến của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" diễn ra ngày 26/9 sôi nổi xung quanh câu chuyện phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.

Chuyên gia: Nếu cứ như thế này, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ sụp đổ - 1

Ông Vũ Tấn Công, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) cho rằng: Nếu cứ như thế này ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ sụp đổ.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2019, số lượng ô tô nhập khẩu tăng với số lượng kỷ lục, đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 513% về số lượng và tăng 413,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt gần mức cả năm 2018 (81.787 xe ô tô).

Một phần nguyên nhân dẫn đến mức nhập khẩu kỷ lục này là do thuế giảm về 0% theo hiệp định với ASEAN. Câu hỏi đặt ra, tương lai ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ như thế nào trước sức ép xe ngoại nhập?

Tại Toạ đàm "Những bước tiến của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (26/9), chuyên gia về ô tô - ông Vũ Tấn Công, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) cho rằng: Nếu cứ như thế này ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ sụp đổ, khó có thể cạnh tranh được với nước ngoài.

Theo vị này, chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác, đó là một trong những nguyên nhân khó cạnh tranh... Thậm chí theo ông Công, mức chi phí cao hơn lên tới 18-20%.

Kết luận, ông Công cho rằng, phải có những chính sách để hỗ trợ thị trường trong nước như ưu đãi thuế cùng hỗ trợ khác. Cùng với đó doanh nghiệp cũng cần phải tự lực trong việc đẩy mạnh việc mở rộng tìm kiếm cơ hội từ chính thị trường trong nước.

Là người từng nghiên cứu rất nhiều về công nghiệp ô tô Thái Lan, ông Công cho biết, chính sách công nghiệp hỗ trợ ô tô nước này ổn định lâu dài. Do vậy, doanh nghiệp khi đầu tư vào rất yên tâm.

Cùng với đó, chính sách lao động của nước này cũng được vị chuyên gia cho rằng khá cởi mở khi cán bộ chuyên gia nước ngoài được tạo điều kiện về visa và thuế thu nhập...

“Họ cũng tổ chức các cụm công nghiệp sản xuất ô tô quy mô lớn, giảm nhiều chi phí sản xuất, chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều. Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, chính quyền địa phưởng rất quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ…”, ông Công nói.

Về phía doanh nghiệp, vị chuyên gia này nhấn mạnh, muốn mở rộng thị trường, thu hút khách hàng không còn cách nào khác là có trách nhiệm hơn với khách hàng.

“Có như thể doanh nghiệp ô tô trong nước mới phát triển một cách bình thường được”, ông Công kết luận.

Chất lượng còn thấp, chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tại Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô chưa phát triển, bởi điều kiện cần về quy mô thị trường chưa được đáp ứng.

Trong khi đó, khu vực ASEAN đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ ô tô lớn trên thế giới.

Trong ASEAN, có 5 quốc gia sản xuất, lắp ráp ô tô gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, và Việt Nam. Công nghiệp ô tô tại mỗi quốc gia có đặc điểm, điều kiện phát triển khác nhau.

Trong khi các nước ASEAN 4 đã có trên 30-40 năm phát triển, đặc biệt từ giữa những năm 1980 khi làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vào khu vực ASEAN tăng mạnh thì công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây.

“Xét về công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô, hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam”, Bộ Công Thương nhận xét.

Cụ thể nếu so với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.

“Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao đông, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Còn trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về thị trường ôtô Việt Nam mới đây, Bộ Công Thương thừa nhận một thực tế: Chất lượng xe nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hơn so với xe trong nước.

“Các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp hơn do có vai trò của chính hãng. Nguồn gốc xuất xứ xe nhập khẩu được đảm bảo. Trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được đảm bảo hơn”, Bộ Công Thương cho biết.

Báo cáo của Cục Công nghiệp mới đây cũng nhận định: Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu.

Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…

Theo Cục Công nghiệp, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Cục Công nghiệp thừa nhận thực tế: Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Dự báo với tốc độ nhập khẩu như các tháng vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo.

Bộ Công Thương cho rằng, sản xuất trong nước sẽ gặp khó nếu không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm