1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia: Nên trả giá cao hơn các nước để sớm đưa vắc xin về Việt Nam

Việt Đức

(Dân trí) - Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nêu ý kiến, nên trả giá cao hơn để được ưu tiên giao hàng sớm. Ví dụ, nếu Mỹ trả 19,5 USD một liều vắc xin Pfizer, ta trả giá tương tự hoặc cao hơn để sớm có hàng.

Ba giải pháp để sớm đưa vắc xin về Việt Nam

Hôm nay (19/6), tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến về chiến lược mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin. 

"Chúng ta cần thêm sự ưu tiên trong chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo địa phương. Những trung tâm kinh tế lớn, nơi đông dân như TPHCM, Hà Nội phải được ưu tiên cao nhất. Có thể nhiều người thấy nhạy cảm vì TPHCM đã giàu, đã mạnh như thế lại còn được ưu tiên, nhưng thực tế khi TPHCM bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế cả nước sẽ bị tác động" - ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - nêu quan điểm.

Song song đó, ông Thành cũng hiến kế để Việt Nam có thể sớm hoàn thành mục tiêu có đủ 120-150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng toàn dân. Các chuyên gia đều đồng tình quan điểm Việt Nam phải tiếp tục chủ động đàm phán mua trực tiếp từ các nhà sản xuất thay vì phụ thuộc sự viện trợ của cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX.   

Theo ông Thành, Chính phủ phải chuẩn bị nguồn lực tài chính để mua theo giá thị trường, thậm chí sẵn sàng trả cao hơn cả giá thị trường để có đủ số lượng lớn vắc xin trong bối cảnh các quốc gia đều đang tranh mua còn nguồn cung hạn chế. Chuyên gia này lấy ví dụ nếu Chính phủ Mỹ trả 19,5 USD cho một liều vắc xin Pfizer, Việt Nam cũng cần trả giá tương tự hoặc cao hơn để sớm có hàng.

Ông Thành cho rằng, các cơ quan chức năng không nên băn khoăn về việc tiết kiệm trong trường hợp cấp bách hiện nay. Việc chi ngân sách luôn dựa trên nguyên tắc tiết kiệm nhưng Việt Nam cần sẵn sàng nguồn lực tài chính để ứng phó với khủng hoảng. 

Ông ước tính trong trường hợp thậm chí nếu trả tới 30 USD cho một liều vắc xin Pfizer để sớm được giao hàng, Việt Nam sẽ tiêu tốn 900 triệu USD cho hợp đồng 30 triệu liều. Con số này thấp hơn nhiều so với thiệt hại hàng chục tỷ USD của nền kinh tế phải chịu do dịch Covid-19.  

Cùng đó, với các hợp đồng đã được các nhà sản xuất cam kết với Chính phủ Việt Nam, ông Thành đề nghị Bộ Y tế tiếp tục làm việc, thúc đẩy các hãng dược phẩm sớm giao hàng. Trong bối cảnh thị trường quốc tế đang cạnh tranh mua vắc xin, nếu chỉ chờ đợi, đơn hàng sẽ được giao đến trước cho những quốc gia chủ động hơn. 

Chuyên gia: Nên trả giá cao hơn các nước để sớm đưa vắc xin về Việt Nam - 1

Những người lao động đầu tiên tại TPHCM được tiêm vắc xin sáng 19/6 (Ảnh: Hải Long).

Cuối cùng, chuyên gia của Fulbright nêu quan điểm Chính phủ phải quản lý, giám sát nguồn cung sau khi cho phép các tổ chức tư nhân được đàm phán, nhập vắc xin. Trong bối cảnh cần một lượng lớn vắc xin trong thời gian ngắn, việc cho phép khối tư nhân cùng tham gia tìm nguồn cung là hợp lý. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải đóng vai trò dẫn dắt, có thể hình thành cơ chế đàm phán ba bên Chính phủ - doanh nghiệp - hãng dược phẩm để đánh sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các tổ chức trong nước.

Bài học từ việc 288.000 liều vắc xin bị kẹt trong kho VNVC

PGS. TS Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Chương trình Thạc sĩ chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam - nhận định, trong bối cảnh một số nước giàu bắt đầu dư thừa vắc xin và các tổ chức tư nhân được chủ động tìm nguồn cung, Bộ Y tế phải có vai trò giám sát, kiểm định chặt chẽ chất lượng để tránh nguy cơ khối tư nhân nhập khẩu phải hàng giả hay vắc xin hết hạn. 

PGS Nghĩa cũng lưu ý một rủi ro là các nhà sản xuất vắc xin đang nắm lợi thế trong việc đàm phán hợp đồng vì cung không đủ cầu. Các hãng dược phẩm đều miễn trừ trách nhiệm về thời hạn giao hàng hay rủi ro nếu có xảy ra. "Đây là bối cảnh đặc biệt, người bán không cho người mua cơ hội đàm phán" - ông Nghĩa đánh giá. 

Theo vị chuyên gia, việc Chính phủ cho phép các địa phương, doanh nghiệp được chủ động tìm nguồn vắc xin nhưng việc đàm phán cũng rất khó khăn. TPHCM có tiềm lực kinh tế lớn nhưng không hề có kinh nghiệm mua vắc xin, hay các doanh nghiệp cũng chỉ là tay ngang trong việc đàm phán mặt hàng này.

Tuy nhiên, ông Nghĩa lấy ví dụ việc 288.000 liều vắc xin được VNVC nhập về nhưng "kẹt" trong khi gần một tháng, chưa thể bàn giao cho Bộ Y tế vì vướng cơ chế để nhấn mạnh sự phức tạp của các quy định mua sắm công, chi tiêu ngân sách, đấu thầu. Trong trường hợp này, Bộ Y tế cần sự phê duyệt của các bộ liên quan để mua lại số vắc xin, bởi các địa phương sẽ còn khó khăn hơn khi muốn mua, nhập khẩu vắc xin.

Ông Nghĩa nêu ý kiến bộ máy hành chính phải được đặt trong tình huống khẩn cấp để nhanh chóng mua sắm vắc xin trong tình hình cấp bách hiện tại. Nếu áp dụng đúng quy trình thông thường, Trung ương cũng như địa phương khó có thể giải ngân nhanh ngân sách để có vắc xin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm