Chuyên gia Lê Đăng Doanh: Đầu tư "công nghệ phong bì", sức đâu đổi mới máy móc
(Dân trí) - "Doanh nghiệp có đăng ký rồi vẫn hoạt động theo tư duy tìm kiếm công nghệ phong bì, quan hệ với anh A chị B, tạo mối quen biết thành công ty sân sau thì làm sao thay đổi được công nghệ, chú tâm vào đổi mới máy móc, dây truyền", ông Doanh nhấn mạnh.
Tại Hội nghị chuyên đề về chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 26/6, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra ở mức độ thấp. Trước thách thức và cơ hội từ Cách mạng 4.0, điều này thực rất đáng lo ngại.
Ông Doanh lý giải, phần lớn DN của chúng ta hiện nay quá nhỏ, kinh tế tư nhân chiếm 6,9% trong tổng quy mô nền kinh tế, số còn lại là FDI, liên doanh, nhà nước. Kinh tế hộ gia đình rất đông song không tinh, hộ gia đình không nộp thuế theo hóa đơn chứng từ mà nộp thuế khoán.
"Nhiều hộ gia đình ở Hà Nội, theo quy định sử dụng quá 10 người phải đăng ký nhưng hộ gia đình sử dụng 80 lao động nhưng họ bảo họ vẫn bé, không muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp", ông Doanh nói.
Vị chuyên gia chỉ ra những góc khuất của quy luật kinh tế hiện nay là: Những DN có đăng ký thành lập để kinh doanh, rất ít và hầu như không có DN tư nhân nào muốn hoặc có ý định liên kết với DN FDI. Họ không có cơ hội, thậm chí là khác quan điểm với các doanh nghiệp ngoại, dẫn đến không hút được vốn, không mở rộng được quy mô.
"DN có đăng ký rồi vẫn hoạt động theo tư duy tìm kiếm công nghệ phong bì, quan hệ với anh A chị B, tạo mối quen biết thành công ty sân sau thì làm sao thay đổi được công nghệ, chú tâm vào đổi mới máy móc, dây truyền", ông Doanh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cho hay, để thay đổi từ tư duy quan hệ sinh cơ hội sang công nghệ sinh lợi nhuận, chúng ta cần cố gắng hãy nghiên cứu 1 số trường hợp điển hình để làm kinh nghiệm, xây dựng bài học khuyến khích DN tư nhân vận dụng công nghệ tốt hơn.
Ông Doanh kể: Tuần trước tôi vừa sang dự hội nghị ở Trung Quốc, họ lập học viện người máy và công nghệ cao, DN tư nhân được vận dụng xây dựng phương án giúp đỡ, mua người máy chính quyền trợ giúp 60% chi phí, đào tạo công nhân hỗ trợ 40-60% chi phí...
"Công ty nào ở Phật Sơn (Trung Quốc) muốn thu hút nhà đầu tư lớn, kêu gọi chuyên gia kiến tạo phát triển thì họ tự nguyện hiến tỷ lệ cổ phần cho ông chuyên gia ấy để họ trở thành cổ đông của công ty, cùng chia sẻ trách nhiệm và hướng phát triển. Chúng ta cũng cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho DN nội để họ tận dụng cơ hội tốt hơn như vậy".
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến nay, VN đã thu hút hơn 25.000 dự án FDI. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với một số bất cập như dự án FDI tỷ lệ nội địa thấp, giá trị tạo ra không cao, chưa tạo mối liên kết với DN Việt cùng tham gia chuỗi giá trị, hoạt động chuyển giao công nghệ, đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng. Đặc biệt, một số DN còn có hoạt động chuyển giá.
"Chuyển giao công nghệ cần thiết, nâng cao công suất, giảm giá thành là quan trọng. Tuy nhiên 30 năm đổi mới, chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng.
Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay tính lan tỏa của FDI còn thấp, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đất nước trong giai đoạn tới. Thu hút dự án công nghệ cao hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu, vẫn chưa được diễn ra ở các ngành, lĩnh vực và nhiều DN FDI còn thiếu mặn mà, không ràng buộc được việc chuyển giao công nghệ.
An Linh
kinh