Chuyên gia: Khó khăn của nền kinh tế đã ở lại phía sau
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng năm 2024, GDP có thể tăng trưởng từ 6% trở lên. Những gì khó khăn đã ở lại phía sau.
"Không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất"
Tại sự kiện "Theo dấu dòng tiền" do Vietnambiz tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thành - Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright - cho rằng lãi suất đã ở đáy và nếu duy trì được trong cả năm 2024 sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Ông Thành phân tích có một số động lực chính tác động đến tăng trưởng kinh tế 2 tháng cuối năm và năm 2024.
Đầu tiên là sự tích cực từ xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Xuất khẩu tháng 10 năm nay so với tháng 10 năm ngoái tăng hơn 5,9%. Các nhà xuất khẩu cho biết tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Các hãng tàu cũng lạc quan trở lại cho thấy tín hiệu xuất khẩu tốt lên và thông thường tháng 11, tháng 12 sẽ rất tích cực.
Động lực tích cực thứ hai, theo ông Thành, là giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau sẽ tích cực hơn. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công (khoảng 5 tháng) nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm nay, đầu năm sau.
Sắp tới, Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách năm 2024. Năm sau sẽ không có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nên quy mô đầu tư công sẽ thấp đi, còn khoảng 29 tỷ USD. Nhưng đây vẫn là một con số lớn, ông Thành đánh giá.
Chuyên gia đến từ trường Fulbright cho rằng, hiện nay các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản. Lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến cuối năm và sang quý I năm sau.
Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank, nói hiện tại, ngân hàng không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất. Lãi suất cho vay có độ trễ hơn lãi suất tiền gửi, các ngân hàng thương mại đã có thời kỳ nâng lãi suất cho vay lên cao trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, room tín dụng ở các ngân hàng đã sớm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh từ tháng 7 vừa qua. Khi các yếu tố vĩ mô tiến triển tích cực hơn cùng môi trường lãi suất thấp thì nhu cầu giải ngân vốn tín dụng sẽ tăng. Hiện, các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản.
Dự báo tăng trưởng GDP năm sau từ 6%
Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Thành dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 5-5,5%, do đó mục tiêu 6-6,5% cho năm 2024 rất nhiều bất trắc.
GDP có thể tăng trưởng tốt theo hướng đạt 6,7% nếu các chỉ số vĩ mô tích cực và chính sách tiền tệ không đảo chiều. Tuy nhiên, vấn đề của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết được trong năm 2024. Nếu kinh tế toàn cầu xấu đi và chính sách tiền tệ nới lỏng thì phải xem xét lại về mức tăng trưởng này.
Ông Nguyễn Duy Linh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank - kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP năm sau là 6%, khá phù hợp với dự báo của các tổ chức quốc tế. Năm nay, sản xuất đã phục hồi, xuất khẩu cũng phục hồi. Năm sau, động lực tăng trưởng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh từ đầu tư công, đặc biệt là các dự án cao tốc, vành đai.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoài Nam nói đứng về góc độ thị trường, năm 2023 là một năm khó khăn để làm kinh doanh. Năm 2024 cũng là một năm khó khăn. Song, những khó khăn đã ở lại phía sau, việc GDP tăng trưởng được 6-6,5% trong năm sau là có khả năng.