Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu?
(Dân trí) - Đại dịch đã thay đổi hành vi tiêu dùng và đẩy nhanh quá trình số hóa. Thực tế cho thấy, sau Covid-19, các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ nhất chính là những nơi đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số.
Nhưng muốn làm được điều đó, phải bắt đầu từ đâu là câu hỏi chung của rất nhiều doanh nghiệp. Câu hỏi đã phần nào đã được ông Danny Le - Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan giải đáp trong phiên thảo luận "Phát triển nền kinh tế số" thuộc Diễn đàn Kinh doanh 2022: Tái tạo tăng trưởng do Forbes Việt Nam tổ chức.
Chuyển đổi số: Bắt đầu từ đâu?
Từ xuất phát điểm là công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, Masan đã lấn sân vào lĩnh vực bán lẻ từ năm 2019 và đặt mục tiêu chuyển đổi thành doanh nghiệp tiêu dùng công nghệ trong năm 2022.
Thế nhưng, theo ông Danny Le, yếu tố công nghệ chưa đủ trở thành một mô hình kinh doanh độc lập bởi rất khó tạo nên lượng nhu cầu đủ lớn để nhân rộng mô hình và tạo ra đủ lợi nhuận để tái đầu tư. Hiểu được thế mạnh của tập đoàn là tệp khách hàng lớn với hàng triệu giao dịch diễn ra mỗi ngày, Masan xác định đây là nơi phù hợp nhất để ứng dụng những công nghệ nhằm giải quyết các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng và mang lại lợi ích vượt trội cho người tiêu dùng.
Trả lời cho câu hỏi phải bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, ông Danny cho biết: "Câu hỏi đầu tiên Masan luôn đặt ra là chúng tôi cần giải quyết thách thức nào của thị trường. Và khi tìm ra câu trả lời, chúng tôi sẽ vận dụng các hiểu biết và ứng dụng công nghệ để giải quyết thách thức đó. Ví dụ như khi Masan đặt mục tiêu phục vụ người tiêu dùng các trải nghiệm cá nhân hóa, và có thể là mở rộng sang lĩnh vực giải trí trên nền tảng số, chúng tôi cần ứng dụng big data (dữ liệu lớn) để giải quyết vấn đề".
Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến yếu tố con người khi thực hiện quá trình này: "Điều quan trọng là xây dựng một đội ngũ vững mạnh, không nhất thiết phải là những chuyên gia công nghệ giỏi nhất, mà là những người hiểu rõ về công nghệ để đưa ra giải pháp, đồng thời có tư duy "đặt người tiêu dùng làm trọng tâm" phù hợp với chiến lược chung của Masan để mang lại giá trị cho người tiêu dùng".
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhờ hợp tác với các chuyên gia
Từ một doanh nghiệp kinh doanh mì gói, nước mắm, nước tương… với lịch sử hơn 25 năm hoạt động, làm thế nào để Masan có thể chuyển đổi ngay và đưa công nghệ trở thành trụ cột cốt lõi trong chiến lược phát triển? Để làm được điều đó, ban lãnh đạo tập đoàn đã xác định phải đặt công nghệ lên hàng đầu. Thay vì tự mình thực hiện, tìm kiếm các đối tác phù hợp chính là cách nhanh nhất để rút ngắn quá trình này.
Tháng 5/2021, Masan hợp tác với "ông lớn" thương mại điện tử Alibaba để đẩy mạnh bán lẻ mặt hàng nhu yếu phẩm trên kênh online. Thỏa thuận với Lazada - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba ở khu vực Đông Nam Á đã giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tập đoàn, đồng thời tối ưu và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Chỉ vài tháng sau, tháng 9/2021, Masan cũng đặt nền móng cho việc số hóa khi mua lại mạng di động Reddi - mảnh ghép quan trọng để Masan xây dựng chương trình khách hàng thân thiết trong tương lai.
"Ngay sau đại dịch Covid-19, thương vụ đầu tiên của chúng tôi là đầu tư mua lại 25% cổ phần của Trusting Social, một công ty fintech chuyên cung cấp các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) để chấm điểm tín dụng người dùng. Ứng dụng công nghệ của Trusting Social, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ tín dụng quy mô lớn cho đại đa số người dùng phổ thông," ông Danny bổ sung.
Song song với việc dùng AI, ML và hợp tác với đối tác ngân hàng để cung cấp dịch vụ tín dụng, Masan còn đang chú trọng ứng dụng công cụ này vào hệ sinh thái Point of Life để hiểu được mỗi giao dịch của người dùng và phát triển, tùy biến các ưu đãi phù hợp cho từng cá nhân dựa trên lịch sử mua hàng của họ. Tập đoàn cũng tập trung xây dựng một nền tảng nhân sự mới và liên tục hướng dẫn, đào tạo, tương tác và trao quyền cho nhân viên vì tin rằng con người chính là nền tảng của mọi hoạt động kinh doanh.
Nói về triển vọng tương lai, ông Danny tiết lộ: "Trong vòng 1-2 năm đầu, Masan sẽ triển khai và hoàn thiện hệ sinh thái, sau đó là tận dụng hệ sinh thái này để tạo nên công cụ đo lường, thấu hiểu khách hàng hiệu quả và chia sẻ cho đối tác thương mại truyền thống". Đó là cách Alibaba đã làm nên thành công ở Trung Quốc, và cũng là cách mà Masan lựa chọn để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng: Trao sức mạnh của công nghệ cho thương mại truyền thống.