“Chúng tôi buộc phải chọn sàn Hà Nội!”

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) giải thích vì sao SSI lại buộc phải chọn sàn Hà Nội để niêm yết.

Ông có thể giới thiệu về kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn Hà Nội vào ngày 15/12 này không?

Việc đưa cổ phiếu lên giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là một kế hoạch đã được chúng tôi đặt ra từ rất sớm, cũng giống như việc hoạch định các chiến lượng phát triển về thị trường, quy mô vốn...

Với kế hoạch này, chúng tôi buộc phải thực hiện trong năm nay chứ không phải thực hiện vào thời điểm nào khác.

Ông nói “buộc phải niêm yết trong năm nay” có phải là vì chính sách bỏ ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp lên sàn từ năm 2007?

Đúng, đó là một động cơ. Ưu đãi thuế là một việc rất quan trọng. Là doanh nghiệp, nếu ai đó nói rằng không quan tâm đến những giá trị như thế thì rõ ràng là nói dối. Phải nói thực là như thế.

Kế hoạch niêm yết đã được đặt ra từ khá sớm, như ông nói, theo đó việc chọn sàn Hà Nội là còn có mục đích khác của SSI?

Đúng là chúng tôi có những lý do, mục đích riêng khi chọn sàn Hà Nội chứ không phải là TPHCM. Vì nếu chọn sàn TPHCM thì theo quy định hiện hành SSI buộc phải lựa chọn một công ty chứng khoán khác để làm tư vấn.

Chúng tôi không thể đưa công ty chứng khoán của Vietcombank hay Agribank... vào để khảo sát SSI, vì vào họ sẽ biết hết tất cả chiến lược, danh mục và những bí quyết kinh doanh của SSI trong khi đó họ lại là những doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với chúng tôi.

Như thế thì không được, vì trong kinh doanh không thể để các doanh nghiệp cạnh tranh với mình biết hết về mình. Trong khi đó, cơ chế cũng chưa cho phép các đối tác nước ngoài vào tư vấn niêm yết trong nước.

Bài toán được đặt ra và SSI không có sự lựa chọn nào khác là phải chọn sàn Hà Nội. Tất nhiên mỗi sàn có những ưu điểm riêng, và quan trọng hơn, chúng tôi quan niệm chất lượng hàng là yếu tố quyết định thành công nhất chứ không phải là bán ở chợ nào.

Khi giao dịch tại sàn Hà Nội, ông kỳ vọng nhất điều gì?

Chúng tôi muốn đảm bảo quyền lợi của tất cả các cổ đông. Và không có doanh nghiệp nào lại muốn các cổ đông của mình phải mua với giá quá cao. Vì khi mua giá quá cao thì lại có những đòi hỏi khác, và khi không đạt được những đòi hỏi đó thì họ sẽ buồn.

Vì vậy, chúng tôi muốn cổ phiếu luôn được giao dịch với một mức giá không bị bất cứ một lực lượng nào làm thay đổi giá trị của nó.

Theo M.Đức - L.Hương
VnEconomy