Bộ trưởng Trương Đình Tuyển:

Chúng ta cưới vợ đúng thời điểm

Trở về từ phiên đàm phán WTO thứ 14 ở Geneva sáng 29/10, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển một lần nữa lại ví von câu chuyện Việt Nam gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu (WTO) giống như anh con trai đi lấy vợ. Theo ông 11 năm thương thuyết không phải quá dài và gia nhập bây giờ là đúng thời điểm.

Tại sao lần này đích thân Bộ trưởng phải sang Geneva, khi mà nội dung đàm phán đã được chốt lại từ cuối phiên trước?

Thông thường vào thời điểm cuối, các nước hay lợi dụng tâm lý của nước gia nhập để tạo sức ép và kéo dài đàm phán... Tôi đi lần này đề phòng nước nào đó đặt thêm yêu cầu, và mình cần xử lý ngay.

Tuy nhiên, hầu như không có vấn đề gì phát sinh. Trong phiên đàm phán không chính thức diễn ra vào 25/10 các nước có đề nghị thay đổi một số về ngôn từ, nội dung vẫn giữ nguyên.

Hơn nữa, tôi cũng cần đọc bài phát biểu tại phiên cuối cùng.

Ông đánh giá gì về quá trình đàm phán 11 năm của Việt Nam?

Khác với các hình thức đàm phán song phương khác là tuân theo nguyên tắc có đi có lại, đàm phán WTO lại là một chiều. WTO đã có sẵn luật lệ, quy định, mình vào sau phải tuân theo và các thành viên trong tổ chức có quyền đòi hỏi mình, chứ mình không thể đòi hỏi người ta.

Dự kiến thủ tục kết nạp Việt Nam:

- 7/11: Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng thông qua văn kiện, chấp nhận Việt Nam là thành viên WTO

- 5/12: Việt Nam phê chuẩn văn kiện

- Việt Nam thông báo với WTO về việc phê chuẩn

- 30 ngày sau khi thông báo việc phê chuẩn, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO

Trước chúng ta có nhiều nước đã được kết nạp, vì thế càng về sau càng có nhiều nước có quyền đòi hỏi, hiện nay là 149 nước. Và đàm phán càng về sau càng khó khăn, các nước có quyền dựa vào những chuẩn mà họ mới đạt được áp với các thành viên mới, khiến cho quá trình đàm phán kéo dài.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khoảng thời gian 11 năm là bình thường, không quá dài. Trung Quốc phải mất 14 năm để được kết nạp vào WTO, Nga đã đàm phán 13 năm rồi vẫn chưa được kết nạp. Tôi cho rằng, chúng ta vào WTO đúng thời điểm.

Việt Nam từng đặt mốc gia nhập vào cuối 2004, rồi cuối 2005, nhưng đến nay mới chính thức hoàn tất đàm phán. Theo Bộ trưởng, lý do lỡ các chuyến tàu trước là gì?

Tôi không cho đó là chuyện lỡ tàu. Tháng 3/2005, tại hội nghị thương mại toàn quốc, chính tôi đã phát biểu khả năng gia nhập WTO vào cuối năm 2005 là rất mong manh. Một số người có thể không hài lòng với phát biểu đó.

Nhưng tôi cho rằng nếu đặt cho mình một mốc thời gian, chúng ta sẽ tự buộc mình vào mốc thời gian đó và dễ bị các nước ép. Khi đó, các cam kết có thể không có lợi.

Khi Thủ tướng Phan Văn Khải đi Mỹ năm 2005, bản thân Thủ tướng cũng muốn kết thúc đàm phán với đối tác này ngay lúc đó. Tôi cho đó là mong muốn rất chính đáng. Nhưng tôi nói với Thủ tướng: Nếu chúng ta muốn kết thúc trong đợt anh đi thăm Mỹ thì tất cả công việc chúng ta làm hôm nay phải được tiến hành từ trước đó một năm. Sau đó thực tiễn diễn ra đúng như vậy. Tháng 6/2005 Thủ tướng đi Mỹ thì tháng 6/2006 chúng ta kết thúc đàm phán.

Trước đây tôi cũng đã nói, đàm phán cũng như lấy vợ, nếu vội vàng, lấy phải một cô gái thách cưới nhiều quá, khi về khó sống. Ngược lại, nếu muộn quá, tuổi cao thì cũng khó lấy vợ. Đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã "lấy vợ" đúng thời điểm.

Nhiều thông tin cho rằng phía Mỹ sẽ sớm thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi không thể khẳng định thời gian, nhưng trước sau Mỹ cũng sẽ thông qua PNTR. Nếu Mỹ chưa thông qua, họ sẽ tuyên bố họ không áp dụng Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn là thành viên WTO và chúng ta cũng không phải thực hiện các cam kết với Mỹ.

Tôi tin trước sau Mỹ sẽ thông qua vì đây không chỉ là quyền lợi của chúng ta, mà còn là quyền lợi của họ. Về chính trị, việc này nâng quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ 2 nước.

Về kinh tế, có thể chúng ta chưa được hưởng lợi ích trực tiếp, dệt may của chúng ta vẫn bị áp quota, nhưng Mỹ cũng không được hưởng những cam kết của chúng ta trong WTO. Theo tôi, quyền lợi của Mỹ còn lớn hơn của chúng ta.

Các vấn đề đàm phán cuối cùng cũng đã được chốt lại. Vậy chính xác bao giờ các cam kết sẽ được công bố cho doanh nghiệp và toàn dân được nắm rõ?

Hiện không còn lý do gì để trì hoãn. Giờ các bộ ngành đều đang chuẩn bị cho việc này. Tuy nhiên, toàn bộ văn kiện rất dài, hơn nữa ngôn ngữ trong đàm phán là tiếng Anh, giờ phải chuyển ra tiếng Việt nên có thể phải mất thêm thời gian.

Tôi cho rằng trong tháng 11 này có thể công bố, có thể trong vòng 1 tuần tới. Trước tiên, văn kiện sẽ được công bố trên mạng, còn những vấn đề mấu chốt sẽ được công bố bằng văn bản.

Vấn đề hiện nay là công bố như thế nào, vì các văn kiện này rất dài, riêng báo cáo của ban công tác đã dày hàng trăm trang, cam kết về hàng hóa cũng khoảng 500 trang. Cam kết về dịch vụ thì ngắn hơn, mhưng lại rất phức tạp. Vấn đề là phải làm sao để mọi người đều hiểu được.

Theo Ngọc Châu
VnExpress