Chứng khoán Việt "lọt top" tiêu cực nhất thế giới tuần qua

Mai Chi

(Dân trí) - Với mức sụt giảm 2,6% của VN-Index, chứng khoán Việt Nam trong tuần vừa qua trở thành thị trường có diễn biến thuộc top tệ nhất thế giới.

Chứng khoán Việt Nam đứng ở đâu?

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp với thanh khoản càng ngày càng teo tóp. VN-Index đóng cửa tuần tại 1.185,48 điểm, ghi nhận mức sụt giảm 31,82 điểm tương ứng 2,6%. Trong khi đó, HNX-Index cũng giảm 4,3% so với tuần trước đó xuống 275,93 điểm.

Theo thống kê của trang Stockq, Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán có diễn biến tiêu cực nhất phiên 24/6 khi mà hầu hết thị trường trên thế giới đều phục hồi mạnh. Chứng khoán Việt Nam cũng là một trong 6 thị trường có diễn biến giảm mạnh nhất toàn cầu tuần qua.

Tính trong vòng 3 tháng trở lại đây, thị trường Việt Nam cũng nằm trong top giảm mạnh nhất thế giới với mức giảm 20,88%, chỉ sau thị trường chứng khoán Peru.

Chứng khoán Việt lọt top tiêu cực nhất thế giới tuần qua - 1

(Nguồn: Stockq).

Ở tuần giao dịch bất lợi này, nhà đầu tư chứng kiến có đến 4 trên 5 phiên giảm điểm, trong đó, chỉ tính riêng phiên đầu tuần đã có mức giảm mạnh 3,03%.

Đáng nói là mặc dù chỉ số chính đã về tới vùng đáy hồi tháng 5 quanh 1.160 điểm song lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng. Đà giảm của VN-Index chủ yếu bị hãm bởi nguồn cung cạn dần trong khi dòng tiền mới không sẵn sàng nhập cuộc.

Giá trị giao dịch trên HoSE trong cả tuần giảm 20,6% so với tuần trước đó với 64.749 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 16,4% xuống 2,69 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 44,9% so với tuần trước đó với 7.115 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 33,4% xuống 335 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán Việt lọt top tiêu cực nhất thế giới tuần qua - 2

Đồ thị tuần của VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

Những nhóm ngành nào giảm mạnh nhất?

Gần như tất cả nhóm ngành đều chịu áp lực giảm mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất với việc 8,3% giá trị vốn hóa "bốc hơi" do những trụ cột của ngành bị chốt lời sâu: GAS giảm 14,9%; PVD giảm 15%; PVS giảm 21,1%; BSR giảm 12,2%...

Cổ phiếu ngành tiện ích cộng đồng vốn được cho là nơi trú bão nhưng cũng giảm 7,7% giá trị vốn hóa do GAS điều chỉnh, REE giảm 13,3%; POW giảm 15,8%. Nhóm nguyên vật liệu giảm 7,5% khi HPG giảm 6,3%; DPM giảm 16,2%; DCM giảm 15,3%.

Nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin là một trong những nhóm khỏe nhất thị trường suốt thời gian song cũng giảm khá mạnh với mức giảm 6,7% giá trị vốn hóa do FPT giảm 7,1%.

Chứng khoán Việt lọt top tiêu cực nhất thế giới tuần qua - 3

Ảnh chụp màn hình (Nguồn dữ liệu: SHS).

Xét về mức ảnh hưởng lên chỉ số, trong đà giảm của VN-Index tuần vừa qua, GAS là "tội đồ" khi kéo giảm chỉ số gần 9,2 điểm trong khi VHM xếp thứ hai với mức thiệt hại gây ra cho VN-Index là 3 điểm.

Trái ngược với biến động chung, nhóm ngân hàng sau khi đã bị chiết khấu sâu trong những tuần giao dịch trước đó đã cho thấy sự hồi phục tích cực trở lại. CTG, TCB, ACB, SSB, MBB và LPB đóng góp cho chỉ số khoảng 5,2 điểm.

Chứng khoán Việt lọt top tiêu cực nhất thế giới tuần qua - 4

Ảnh chụp màn hình.

VNM là mã cổ phiếu ấn tượng nhất khi hút dòng tiền với 4 trên 5 phiên tăng giúp thị giá tăng hơn 7% và kéo tăng VN-Index gần 3 điểm trong suốt tuần.

Trong khi nhà đầu tư trong nước tháo chạy thì khối ngoại mua ròng trên 2 sàn với giá trị ròng gần 338 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, STB là mã được mua ròng nhiều nhất với 7,17 triệu cổ phiếu, tiếp theo là HPG với 4,05 triệu cổ phiếu và DCM với 3,77 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, giao dịch của khối tự doanh các công ty chứng khoán cũng trở nên tích cực trở lại khi khối này mua vào 80,2 triệu cổ phiếu, giá trị mua 2.488 tỷ đồng và bán ra 67,3 triệu cổ phiếu, giá trị bán 2.332 tỷ đồng. Tính ra, khối tự doanh mua ròng 12,9 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 156,43 tỷ đồng trong tuần.

Hoạt động mua ròng của bộ phận tự doanh tập trung tại EVF, VIC, MWG, HSG; đồng thời khối này bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND cùng các mã DPM, IDC, GAS.

Điểm tích cực là ở phiên 23/6, các chỉ số đã hồi phục khá mạnh và chốt tuần vẫn giữ được điểm số cao hơn đáy cũ với thanh khoản cạn kiệt dần. Thanh khoản thị trường trong 2 tuần gần nhất đang ở mức thấp hơn trung bình 20 tuần khá nhiều, với trạng thái tạm dừng đà rơi của VN-Index quanh đáy cũ và thanh khoản cạn kiệt dần.

Kịch bản nào cho VN-Index?

Nhóm chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) hy vọng có thể thị trường sẽ bắt đầu quá trình tích lũy cạn kiệt mang tính trung hạn mặc dù còn quá sớm để có thể xác nhận quá trình này. Nếu quá trình tích lũy xảy ra thì biên độ dao động của VN-Index sẽ thu hẹp lại và biên dao động trong vùng 1.160 -1.300 điểm.

Trong kịch bản xấu hơn, VN-Index có thể sẽ thủng ngưỡng hỗ trợ 1.160 để hướng tới các vùng điểm số thấp hơn trong bối cảnh vĩ mô đang đối diện với nguy cơ lạm phát cao, Fed và các ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ, chứng khoán toàn cầu cũng đang trên đà suy giảm mạnh... Tuy nhiên, SHS đặt kỳ vọng vào kịch bản thị trường bắt đầu tích lũy trở lại hơn là kịch bản xấu có thể xảy ra.

Thị trường đã trở lại vùng đáy của đợt điều chỉnh trước và P/E thị trường vẫn chỉ quanh 12,5, nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có định giá hấp dẫn, mặc dù chưa xác định được kịch bản đường đi của VN-Index nhưng với nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang được định giá khá hấp dẫn ở mặt bằng giá hiện tại là cơ hội giải ngân đối với nhà đầu tư dài hạn.

Theo SHS, nền kinh tế tuy đang đối mặt bởi nguy cơ lạm phát, nhưng với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý I khá ấn tượng thì mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại vẫn là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn tích lũy dần cổ phiếu.