Chứng khoán tăng như chưa từng chia ly: Pha "cướp hàng" ngoạn mục!

Mai Chi

(Dân trí) - Thị trường đã trải qua một phiên "rũ hàng" kinh điển và đến phiên hôm nay (4/11), nhà đầu tư không khỏi sốc đến ngỡ ngàng khi dòng tiền vẫn không ngừng đổ vào cổ phiếu bất động sản.

Bất ngờ với cổ phiếu bất động sản, ngân hàng 

Thị trường trở lại sau phiên bán tháo cổ phiếu "nóng" với sự giằng co của các chỉ số chính. Tuy nhiên, sự giằng co này lại chủ yếu xuất phát từ diễn biến trồi sụt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.

VN-Index giằng co trước ngưỡng 1.450 điểm và đóng cửa tại 1.448,34 điểm, ghi nhận tăng 4,04 điểm tương ứng 0,28%. Trong khi đó, VN30-Index lại giảm 2,44 điểm tương ứng 0,16% còn 1.528 điểm.

Như vậy, diễn biến phiên hôm nay hoàn toàn trái ngược so với phiên hôm qua. VN30-Index không còn là đầu tàu kéo chỉ số và sự tỏa sáng của cổ phiếu ngân hàng diễn ra khá chóng vánh.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng mạnh 6,72 điểm tương ứng 1,62% lên 422,42 điểm; UPCoM-Index tăng 0,41 điểm tương ứng 0,38% lên 107,38 điểm.

Chứng khoán tăng như chưa từng chia ly: Pha

Nhiều cổ phiếu bất động sản hồi phục mạnh mẽ sau phiên bán tháo (Ảnh chụp màn hình).

Có thể thấy, thị trường đã trải qua một phiên "rũ hàng" kinh điển trong ngày 3/11 và đến phiên hôm nay (4/11), nhà đầu tư không khỏi sốc đến ngỡ ngàng khi dòng tiền vẫn không ngừng đổ vào cổ phiếu bất động sản. 

Hầu hết những mã bị bán tháo hôm qua thì đến phiên hôm nay đều đã "hồi sinh" ngoạn mục. SGR và VPI tăng trần; HAR tăng 6,5%; SZL tăng 6%; CCL tăng 4,5%; LDG tăng 4,3%; NLG tăng 3,8%; IJC tăng 3,7%; DIG tăng 3,5%; QCG tăng 3,5%; D2D tăng 2,3%; HDG tăng 2,2%...

Dẫu rằng mức tăng của các mã cổ phiếu chưa thể bù đắp được thiệt hại do phiên "wash out" ngày hôm qua gây ra, nhưng thị trường đang cho thấy dòng tiền vào nhóm này khá khỏe.

Như vậy, với những nhà đầu tư đã lỡ bán cổ phiếu này với mức giá thấp đành phải chấp nhận "mất hàng" hoặc phải mua lại với giá cao và chịu rủi ro T+3. Còn những nhà đầu tư "bắt đáy" thành công hoặc kịp lướt T+0, T+1 (mua bán cổ phiếu ngay trong ngày hoặc cách một ngày dựa trên khối lượng có sẵn trong danh mục) thì đã thu một khoản lãi đáng kể.

Cổ phiếu ngành chứng khoán giữ được đà tăng tốt đến cuối phiên, nhiều mã tăng rất mạnh. APS, BSI, CTS, VIX, VND đống loạt tăng trần, HBS tăng 7,6%; SBS tăng 6,7%; AGR tăng 6%; MBS tăng 5,9%; VDS tăng 5,8%...

Trong bối cảnh thanh khoản duy trì ở mức cao, các công ty chứng khoán được hưởng lợi không chỉ về phí giao dịch mà còn lãi suất vay margin. 

Giữa lúc đó, cổ phiếu lớn trong rổ VN30 và cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể hiện là trụ vững chắc cho thị trường. Hôm nay, GAS giảm 2,4%; PLX giảm 0,6%; một loạt cổ phiếu ngân hàng "nhuốm đỏ": STB giảm 1,6%; CTG giảm 1,2%; VPB, TPB, ACB cùng giảm 1%; MBB giảm 0,9%; TCB giảm 0,7%... VIC, VCB, VJC, VHM, FPT, SAB, VRE… cũng giảm.

Chứng khoán tăng như chưa từng chia ly: Pha

Một số chỉ số trên thị trường đã hồi phục trở lại (Ảnh chụp màn hình).

Phiên sáng: VN-Index chốt tại vùng 1.442 điểm

Cổ phiếu những ngành tăng trưởng "nóng" vẫn tiếp tục bị bán mạnh đầu phiên giao dịch sáng nay. Vừa mở phiên, nhiều mã cổ phiếu đã "dọa" sàn, nhiều mã giảm sâu.

Tuy nhiên, sau đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO) thì nhiều cổ phiếu đã hồi dần, chuyển từ sắc xanh lơ sang đỏ, có một số mã từ đỏ sang xanh lá và tím.

Chẳng hạn cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình, vào đầu phiên sáng được giao dịch ở mức giá thấp nhất phiên là 19.000 đồng trước khi hồi phục và tăng trần lên 20.900 đồng. Tạm kết phiên sáng, mã này đang tăng 6,6% lên 20.850 đồng/cổ phiếu.

Một số mã cổ phiếu hôm qua bị bán tháo thì đến sáng nay đã tăng giá trở lại. Ví dụ, HUT tăng 3,2%; PHC tăng 2,7%.

Tuy nhiên, sự hồi phục của cổ phiếu bất động sản, xây dựng, đầu tư công hiện vẫn chưa cho thấy sự chắc chắn. DIG sau khi giảm về 51.300 đồng đã tăng lên 55.500 đồng nhưng hết phiên sáng lại đang mất 1,8% còn 53.200 đồng;

Hay như LDG trong phiên giảm về 9.900 đồng và có lúc đã tăng giá lên 10.500 đồng nhưng tạm đóng phiên sáng vẫn đánh mất 1,9% còn 10.200 đồng; VCR giảm về 37.200 đồng trước khi tăng lên 39.800 đồng và hiện giảm 2% còn 38.700 đồng.

Một số mã vẫn giảm sâu như DRH giảm 5,5%; CKG giảm 4,8%; BCG giảm 3,9%; NTL giảm 3,2%; HHV giảm 2,8%.

Trong khi đó, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn đang cho thấy "phong độ thất thường". Nếu phiên hôm qua nhà đầu tư "fomo", đua lệnh nhóm này bất chấp thị trường điều chỉnh thì đến sáng nay, một bộ phần nhà đầu tư "kẹp hàng" đối với cổ phiếu "vua" trước đó đã quyết định bán ra chốt lời ngắn hạn.

Chứng khoán tăng như chưa từng chia ly: Pha

Cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn đang trồi sụt khá thất thường (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều mã ngân hàng đang giảm giá. Cụ thể, PGB giảm 2,7%: EIB giảm 2,1%; VCB giảm 1,5%; VIB giảm 0,9%; VPB, CTG, TPB, MBB, HDB và cả OCB đều giảm giá. Trong đó, nhiều mã đã đạt được trạng thái tăng giá đầu phiên.

Một số cổ phiếu ngân hàng giữ được đà tăng, nhưng biên độ tăng cũng đã bị thu hẹp phần nào. ABB tăng 2,2%; SHB tăng 2,1%; VBB tăng 1,7%: BID tăng 1,6%; NAB tăng 1,4%; LPB tăng 1,1%.

Dòng tiền sáng nay luân chuyển sang cổ phiếu ngành chứng khoán. Rõ ràng, việc thanh khoản thị trường những phiên gần đây được đẩy lên cao, ngành chứng khoán được cho là sẽ hưởng lợi đầu tiên.

Nhiều mã trong ngành này tăng rất mạnh: HBS tăng 7,6%; CTS tăng kịch trần; VND áp sát mức trần, tăng 6,5% lên 63.700 đồng/cổ phiếu; APS tăng 6,3%; BSI tăng 6,1%; SBS tăng 6%; VIX tăng 5%; BVS tăng 4,9%; HCM tăng 4,8%.

Chứng khoán tăng như chưa từng chia ly: Pha

Cổ phiếu dòng chứng khoán đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu ngành thép cũng rục rịch tăng giá trở lại sau những phiên điều chỉnh liên tục thời gian qua. HPG tăng 1,26%; HSG tăng 1,45%; TVN tăng 2,12%; NKG tăng 0,59%; POM tăng 0,89%; SMC tăng 1,18%.

Tựu chung sáng nay, thanh khoản trên toàn thị trường vẫn đạt trên 20.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch trên HSX là 17.623,5 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 17.523,5 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 91,98 triệu cổ phiếu tương ứng 2.469 tỷ đồng và trên UPCoM là 67,34 triệu cổ phiếu tương ứng 1.363,41 tỷ đồng.

Do không còn sự hỗ trợ đắc lực từ dòng cổ phiếu ngân hàng nên VN30-Index cũng "đuối", chấp nhận giảm 4,57 điểm tương ứng 0,3%.  Theo đó, VN-Index ghi nhận sụt giảm 1,47 điểm tương ứng 0,1% còn 1.442,83 điểm.

HNX-Index ngược lại vẫn duy trì nhịp tăng 3,28 điểm tương ứng 0,79% lên 418,99 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,11 điểm tương ứng 0,1% còn 106,87 điểm.