Chứng khoán "sốt xình xịch", mơ làm giàu có dễ?

Mai Chi

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán đang "nóng" lên từng ngày, thu hút nhà đầu tư mới từ sinh viên, người lao động tự do đến cán bộ hưu trí cấp tập đăng ký mở tài khoản cùng giấc mơ đổi đời, giàu sang…

Chứng khoán "nổi bão"

Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đang chứng kiến một đợt tăng trưởng mạnh. VN-Index hướng đến vùng đỉnh lịch sử 1.200-1.220 điểm với sự hỗ trợ tích cực của dòng tiền mạnh mẽ. Làn sóng gia nhập thị trường chưa bao giờ sôi động đến thế.

Chứng khoán sốt xình xịch, mơ làm giàu có dễ? - 1

Chứng khoán "sốt xình xịch", nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường với giấc mơ làm giàu từ cổ phiếu (ảnh: HL)

Theo số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối năm 2020 có hơn 2,77 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đáng chú ý là số tài khoản trong nước chiếm gần 99% với 2,74 triệu tại khoản - con số này tương đương với khoảng 2,8% dân số Việt Nam (không đồng nghĩa với 2,8% dân số có tài khoản do có nhà đầu tư đồng thời sở hữu nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau).

Trong số đó có 2,73 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài giữ hơn 35.000 tài khoản.

Các số liệu này cho thấy, nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường đang ngày một mở rộng. Sức hút của cổ phiếu đến từng ngóc ngách của cuộc sống, từ những nhân viên chạy xe hợp đồng (Grab, Be…) đến sinh viên, nhân viên văn phòng, cán bộ hưu trí, người kinh doanh tự do.

Chỉ riêng trong tháng 12 có đến 63.243 tài khoản trong nước được mở mới, tăng 53% so với tháng trước và cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay.

Lũy kế cả năm 2020 có tới 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99,7% với số lượng 392.527 tài khoản, còn lại là nhà đầu tư tổ chức.

Đây cũng là số lượng tài khoản lớn nhất được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở chỉ trong một năm, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Chứng khoán sốt xình xịch, mơ làm giàu có dễ? - 2

Phòng giao dịch của các công ty chứng khoán liên tục đón lượng khách lớn mở tài khoản mới (ảnh: VND)

Anh Hoàng Thái Bình, nhân viên tại một công ty chứng khoán trên địa bàn Hà Nội cho biết, hình ảnh khách hàng xếp hàng đăng ký tài khoản tại quầy giao dịch trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.

"Thị trường nóng lên, không ai muốn mình đứng ngoài cuộc chơi. Tôi cảm thấy giấc mơ làm giàu từ chứng khoán đã trở lại sau hơn một thập kỷ qua, đặc biệt là với những người trẻ", anh Bình nhận xét.

Vì sao chứng khoán lại "nóng"?

Theo chia sẻ của bác Nguyễn Quỳnh (60 tuổi - Hà Nội) thì việc lãi suất tiết kiệm xuống thấp là một trong những động lực chính khiến bác rút tới 70% số tiền gửi của mình để đầu tư chứng khoán.

"Lãi suất bây giờ bình quân dưới 6%, nhưng nếu đầu tư chứng khoán, khéo thì có thể kiếm được hơn 10% chỉ trong 3 phiên lướt sóng. Tiền dễ nạp vào và cũng dễ rút ra, trường hợp thiếu có thể vay luôn công ty chứng khoán để mua tiếp" - bác Quỳnh cho biết.

Chứng khoán sốt xình xịch, mơ làm giàu có dễ? - 3

Thị trường chứng khoán hấp dẫn, thu hút cả những nhà đầu tư lớn tuổi 

Thực tế, động lực gia nhập thị trường chứng khoán của những nhà đầu tư mới như bác Nguyễn Quỳnh chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong bối cảnh hiện nay. Với những cán bộ hưu trí có nguồn tiền tích lũy và nhàn rỗi trên 100 triệu đồng thường có xu hướng gửi tiết kiệm hưởng lãi để có vốn liếng an hưởng tuổi già. Khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, lại có thời gian để tìm hiểu thị trường, do đó, nhiều người đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư vào cổ phiếu.

Trong khi đó với Hoài Nam, nhân viên truyền thông mới ra trường 2 năm thì quyết định đầu tư vào cổ phiếu là do không có đủ tiền để mua bất động sản hay đầu tư vào vàng. Đầu tư bất động sản, nếu không muốn dùng đòn bẩy tài chính thì vốn sẵn có phải rất lớn tới cả tỷ đồng, đây là con số khó đạt được với những người trẻ tuổi.

Còn trên thị trường chứng khoán, với những mã cổ phiếu penny từ vài trăm đồng, 1.000 đồng/cổ phiếu, chỉ cần khoản vốn từ 20 triệu đến 50 triệu đồng cũng đã có rất nhiều lựa chọn.

"Giai đoạn vừa rồi em mua cổ phiếu DLG chỉ với giá dưới 1.500 đồng, nhưng đến nay cổ phiếu này tăng trần liên tục và đã vượt 2.000 đồng, em kiếm được một khoản khá, nhiều hơn cả lương cơ bản hàng tháng", Nam phấn khởi.

Chứng khoán sốt xình xịch, mơ làm giàu có dễ? - 4

Một nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục mở tài khoản chứng khoán và cài ứng dụng giao dịch trên điện thoại 

Sai lầm trả giá bằng tiền đến… rất nhiều tiền

Mặc dù đầu tư chứng khoán đang nóng lên từng ngày với hoạt động "khoe lãi" đầy hấp dẫn trên khắp các diễn đàn, hội nhóm ở các mạng xã hội, song anh Trần Hùng (40 tuổi) - chủ một tiệm kinh doanh tại Hà Tĩnh lại tỏ ra bàng quan.

Anh Hùng kể, hơn 10 năm trước, anh từng là một trong những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường chứng khoán. Thời điểm chứng khoán "sốt giá" giai đoạn 2006-2007, anh cùng một nhóm bạn thân hùn vốn vào cổ phiếu, vốn liếng cả chục tỷ đồng.

Không chỉ dừng ở đó, anh Hùng còn bỏ thời gian để tìm hiểu về phân tích kỹ thuật (TA) và phân tích cơ bản (FA), vận dụng những lợi thế của người đã từng học tài chính để lấy thêm chứng chỉ CFA, trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Tôi gần như đã có tất cả vào thời điểm đó: mua nhà, sắm ô tô, có cuộc sống sung túc và chứng khoán cho tôi rất nhiều trải nghiệm ở độ tuổi 30. Nhưng dù chúng tôi tưởng mình thông minh nhưng vẫn không thể thắng được "Ngài Thị trường". Việc vay vốn với tỉ trọng quá lớn để đầu tư chứng khoán vì tin vào mức lãi sốc của cổ phiếu và mua bán theo tin về "đội lái" khiến tôi phải trả giá đắt. Có tất cả nhưng cũng gần như mất tất cả, may thay lúc đó, gia đình vẫn đứng sau hậu thuẫn cho tôi" - anh Hùng ngậm ngùi nhớ lại.

"Cựu nhà đầu tư" này cho biết anh chính thức "giải nghệ" vào năm 2012 và không có ý định quay trở lại thị trường, kể cả khi hầu hết nhà đầu tư đều tin rằng đầu tư cổ phiếu ở thời điểm này "hễ mua là thắng".

"Lúc còn độ tuổi đôi mươi, tôi đầu tư với tâm thế không có gì để mất, nhưng bây giờ đã khác, tôi có cửa hàng kinh doanh riêng, có trách nhiệm với nhân viên và đặc biệt là với vợ con nên không dám mạo hiểm. Với tôi, việc bỏ vốn vào đầu tư sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận thật hơn nhiều so với chứng khoán" - anh Hùng nói.

Mặc dù vậy, theo anh Hùng, việc tìm kiếm cơ hội và thu lợi nhuận trên thị trường chứng khoán là chính đáng với mọi nhà đầu tư.

Trong lúc thị trường đang hưng phấn, nhiều người sẽ thu được lợi nhuận tốt, tuy vậy, các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo tránh sử dụng đòn bẩy tài chính cao và tránh "mua đuổi", "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào". Việc đổ tiền vào những cổ phiếu đã tăng nóng sẽ dẫn khiến nhà đầu tư bị mắc kẹt hoặc rơi vào tâm lý "gồng lỗ" khi cổ phiếu đó bị chốt lời và giảm sâu.

Điều quan trọng là nhà đầu tư cần có kiến thức căn bản về thị trường, dành thời gian tìm hiểu về những mã cổ phiếu mà mình đầu tư, xem xét triển vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và ngành kinh doanh của doanh nghiệp đó, theo dõi dòng tiền vào cổ phiếu…

"Một cổ phiếu có tăng nóng đến mấy nhưng dòng tiền không có, thanh khoản thấp quá thì không nên đầu tư" - anh Hùng chia sẻ kinh nghiệm.

Cuối cùng, trong bất cứ thị trường nào, có người thắng thì cũng có kẻ thua, có lúc được sẽ có lúc mất. Nhà đầu tư tham gia thị trường cần có kiến thức, có kỷ luật để mua đúng điểm mua; biết "sợ hãi" khi thị trường hưng phấn và dám "tham lam" để nhìn thấy cơ hội khi thị trường "đỏ lửa".