Chứng khoán Nga và đồng Rúp lại ồ ạt lao dốc
(Dân trí) - Đồng Rúp Nga “bốc hơi” thêm 11% giá trị và thị trường chứng khoán nước này mất 12% số điểm trong phiên giao dịch ngày 16/12. Cú tăng lãi suất gần gấp rưỡi trước đó của Ngân hàng Trung ương Nga dường như không thể cứu vãn được niềm tin của thị trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tuy nhiên, sự hồi phục này bị đảo ngược ngay sau đó, và đồng tiền Nga liên tục thiết lập thêm những mức tỷ giá thấp kỷ lục mới.
Vào cuối ngày, đồng Rúp rớt giá 11% so với đồng USD, còn 72,8 USD đổi 1 USD. Trước đó, có thời điểm, phải hơn 80 Rúp mới tương đương 1 USD, tương đương mức giảm khoảng 20% so với mức chốt của phiên trước đó.
Chỉ riêng trong hai ngày đầu tuần, tỷ giá đồng tiền của Nga đã sụt gần 20%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm đến nay so với đồng USD lên hơn 50%. Những diễn biến này khiến nhiều người nhớ lại những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998 khi đồng Rúp suy sụp chỉ trong vòng vài ngày, khiến Nga rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Sức khỏe tài chính công và dự trữ ngoại hối của Nga hiện tại đều mạnh hơn năm 1998. Mặc dù vậy, các nhà chuyên môn vẫn cho rằng Nga đang có nguy cơ rơi vào của một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện.
Cũng trong ngày hôm qua, thị trường chứng khoán Nga đã có phiên mất điểm mạnh nhất thế giới. Chỉ số RTS Index tính bằng đồng USD giảm 12%, còn 629,15 điểm vào lúc đóng cửa. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 11/2008.
Chỉ số Micex có thời điểm giảm 8,1% trong phiên giao dịch, nhưng kết thúc phiên với mức tăng điểm nhẹ.
Dẫn đầu sự lao dốc của thị trường là các cổ phiếu ngân hàng do xuất hiệu những dấu hiệu cho thấy người dân nước này đang chuyển từ đồng Rúp sang các ngoại tệ mạnh như USD.
Từ đầu tháng tới nay, chỉ số RTS đã giảm khoảng 1/3 trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nga không thể ngăn đà lao dốc của đồng Rúp
Phó thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga Sergei Shvetsov nói, cơ quan này sẽ áp dụng thêm biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ. Ông Shvetsov gọi tình hình hiện nay là “nghiêm trọng”.
“Nếu việc tăng lãi suất tới mức như vậy không gây được ấn tượng với thị trường, thì Ngân hàng Trung ương chỉ còn cách can thiệp bằng cách bán ra 10 tỷ USD mỗi ngày, ngày nào cũng bán”, chuyên gia kinh tế trưởng Natalia Orlova của ngân hàng Alfa Bank nhận định.
“Ngân hàng Trung ương Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định tỷ giá đồng Rúp chừng nào dầu thô vẫn bị bán tháo”, chuyên gia kinh tế trưởng Vladimir Miklashevsky của Danske Bank phát biểu.
Hôm qua, giá dầu thô Brent tại thị trường London lần đầu tiên giảm dưới 60 USD/thùng kể từ giữa năm 2009.
Năm nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã chi hơn 80 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp, trong đó có hơn 8 tỷ USD chi kể từ khi đồng tiền này chính thức được thả nổi vào đầu tháng 11. Ngân hàng Trung ương Nga hiện vẫn nắm dự trữ ngoại hối khoảng 416 tỷ USD nhưng các nhà phân tích cho rằng đồng Rúp đang ở trong vùng nguy hiểm bởi sự hoảng sợ của thị trường.
Ngân hàng Trung ương Nga ngày 15/12 cảnh báo, GDP nước này có thể giảm 4,5-4,7% trong năm 2015 nếu giá dầu bình quân ở ngưỡng 60 USD/thùng. Cũng theo cơ quan này, mức thoái vốn khỏi Nga có thể lên tới 134 tỷ USD trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với năm 2013.
Đồng Rúp Nga và nền kinh tế nước này đang chịu sức ép lớn từ sự giảm giá mạnh của dầu thô và các lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, sự giảm giá quá mạnh của đồng Rúp trong hai ngày qua phản ánh niềm tin suy giảm của thị trường vào Ngân hàng Trung ương Nga.
Phương Anh
Tổng hợp
Tổng hợp