Nga thừa nhận nền kinh tế có thể suy thoái vào năm 2015

(Dân trí) - Bộ Kinh tế Nga cảnh báo nguy cơ nước này rơi vào suy thoái và đồng Rúp sẽ tiếp tục yếu trong năm 2015. Đây là sự thừa nhận "dũng cảm" nhất từ trước đến nay của Moscow về ảnh hưởng của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm đối với nền kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Nguồn: BW.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Nguồn: BW.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Việt Nam sẽ là "mảnh đất màu mỡ" để khởi nghiệp

* Hàng xuất khẩu bị trả về vẫn phải đóng thuế

* Giá dầu lao dốc: Kẻ mừng, người lo

* Chuyên gia nói về việc giá xăng dầu giảm làm ngân sách hụt thu: Cái lợi lớn hơn thiệt hại

* Tháng 6/2015 dự kiến nới “room” ngoại lên 60%

* Giá vàng, dầu lại đi xuống, giá trị đồng USD lên cao nhất hơn 5 năm

Tờ Wall Street Journal cho biết, trong những tuần gần đây, giới chuyên gia kinh tế đã liên tục cảnh báo về khả năng suy thoái của kinh tế Nga nhưng nước này vẫn duy trì dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2015.

Tuy vậy, việc giá dầu giảm sâu, đẩy tỷ giá đồng Rúp xuống mức thấp kỷ lục mới là 54 Rúp đổi 1 USD vào hôm qua, đã khiến những tia hy vọng cuối cùng vụt tắt.

Dự báo mà Bộ Kinh tế Nga đưa ra hôm qua (2/12) ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Bộ Tài chính nước này. Theo Bộ Tài chính Nga, Bộ Kinh tế đã có dự báo quá bi quan và dự báo như vậy có thể phải được điều chỉnh.
 
Chỉ vài giờ sau khi được công bố, dự báo này đã biến mất khỏi website Bộ Kinh tế Nga. Một phát ngôn viên của Bộ này giải thích rằng đã xảy ra vấn đề kỹ thuật.

Trong báo cáo trên, Bộ Kinh tế Nga nhận định GDP nước này giảm 0,8% trong năm 2015, so với dự báo tăng 1,2% đưa ra trước đó, và mức tăng 0,5% có thể đạt được trong năm nay.
 
Nếu dự báo này trở thành hiện thực, năm tới sẽ là năm đầu tiên kinh tế Nga suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cách đây 1 tháng, Ngân hàng Trung ương Nga đánh giá GDP nước này sẽ có mức tăng 0% trong năm tới.  

Cùng với dự báo kinh tế suy thoái, Bộ Kinh tế Nga cũng dự báo các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ duy trì cho tới năm 2016.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng, còn lâu mới đến lúc Moscow được nới hoặc dỡ lệnh trừng phạt.

Lập trường cứng rắn này được bà Merkel nhắc lại trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Đức ở Berlin hồi tuần trước. Trong cuộc điều trần này, bà Merkel cáo buộc Nga đe dọa trật tự hòa bình sau chiến tranh ở châu Âu. Hồi tháng 9, bà Merkel nói, thậm chí châu Âu cần phải xem xét lại hợp tác năng lượng với Nga.

Cho đến nay, Nga vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và châu Âu cho rằng nước này hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine chống lại Chính phủ ở Kiev. Nga cũng nói phủ nhận những đánh giá cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của mình.

Tuy nhiên, đồng Rúp đã mất giá gần 40% từ đầu năm tới nay, giá của dầu thô cũng đã giảm xuống dưới mức 70 USD/thùng từ mức hơn 100 USD/thùng vào mùa hè. Trong bối cảnh này, những thách thức kinh tế đối với Nga hiện rõ hơn bao giờ hết. Dầu thô là nguồn thu ngoại tệ và thu ngân sách chủ chốt của Nga.

Mặc dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, sự sa sút kinh tế dường như chưa gây khó khăn chính trị nào cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo kết quả thăm dò, lạm phát hiện là vấn đề khiến người dân Nga lo ngại nhất, nhưng hầu như chưa mấy ai lên tiếng chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền Putin.

Ngoại trừ trường hợp giá dầu giảm sâu hơn, nhiều nhà dự báo cho rằng kinh tế Nga sẽ chỉ suy thoái ở cấp độ nhẹ trong năm tới, với mức giảm khoảng 1%. Hồi năm 2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến kinh tế Nga giảm 9%, buộc Chính phủ nước này phải chi hàng chục tỷ USD để đưa nền kinh tế trở lại với tăng trưởng.
Phương Anh
Theo WSJ

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”