Chứng khoán Mỹ bốc hơi 1.200 điểm sau báo cáo "nóng"
(Dân trí) - Ngay sau báo cáo lạm phát Mỹ tăng nóng hơn dự báo, chứng khoán Mỹ đã trải qua một ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020, với việc Dow Jones giảm hơn 1.200 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh trong phiên hôm qua sau khi báo cáo lạm phát tháng 8 của Mỹ "nóng" hơn dự báo được công bố, làm xói mòn sự lạc quan của nhà đầu tư về việc giá hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ít mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.276,37 điểm, tương đương 3,94%, đóng cửa ở mức 31.104,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,32% xuống còn 3.932,69 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite kết thúc ngày ở mức 11.633,57 điểm, giảm 5,16%.
Sự sụt giảm này đã xóa bỏ toàn bộ thành quả tăng điểm gần đây của các chỉ số, kéo chỉ số S&P 500 trở lại mức đóng cửa ngày 6/9 là 3.908 điểm, khiến một số nhà giao dịch cho rằng mức giảm có thể tiếp tục về mốc 3.700 điểm hồi tháng 6.
Trong rổ S&P 500, chỉ có 5 cổ phiếu kết thúc trong vùng khả quan. Cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với việc cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, giảm 9,4%, trong khi gã khổng lồ chip Nvidia giảm 9,5%.
Báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Cục Thống kê Lao động Mỹ hôm qua (13/9) cho thấy lạm phát của nước này đã cao hơn dự báo. Theo đó, lạm phát vẫn tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với năm ngoái, dù giá xăng đã giảm mạnh. Lạm phát lõi, loại trừ sự biến động của giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,6% so với tháng 7 và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, theo ước tính của Dow Jones, các nhà kinh tế đã kỳ vọng lạm phát chính của Mỹ trong tháng 8 sẽ giảm 0,1% và lạm phát lõi tăng 0,3%. Các dự báo cho cả năm tương ứng là 8% và 6%.
Báo cáo này là một trong những báo cáo cuối cùng mà Fed sẽ xem xét trước cuộc họp diễn ra vào ngày 20/9-21/9 tới. Giới phân tích dự báo, tại cuộc họp này, Fed sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp để giảm lạm phát. Báo cáo lạm phát tháng 8 tăng cao bất ngờ có thể sẽ khiến Fed mạnh tay hơn so với dự đoán và không loại trừ khả năng Fed sẽ tăng ở mức 1% để kiềm chế lạm phát.
Đáng nói, báo cáo này được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ trải qua 4 phiên tăng điểm liên tiếp khi nhà đầu tư tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh.
"Báo cáo CPI rõ ràng là thông tin tiêu cực với thị trường chứng khoán. Báo cáo nóng hơn dự báo đồng nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục chịu áp lực từ chính sách của Fed thông qua việc tăng lãi suất", ông Matt Peron, giám đốc nghiên cứu của Janus Henderson Investors, nhận định.