1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chứng khoán giảm mạnh: Bắt đầu làn sóng tháo chạy?

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12, có đến 41/81 chứng khoán giảm giá chạm sàn khiến chỉ số giá tiếp tục mất thêm 34,73 điểm. Làn sóng bán tháo ồ ạt khiến hàng triệu cổ phiếu ế ẩm. Công thức đơn giản “mua thấp - bán cao” để hưởng chênh lệch giá không phải nhà đầu tư nào cũng vận dụng được.

Bên mua đủng đỉnh..., bên bán sốt ruột

Hai phiên giao dịch gần đây, một lượng rất lớn cổ phiếu được đặt bán giá sàn chứng tỏ làn sóng bán tháo cổ phiếu đang tái diễn do hành động đầu cơ khi thị trường lên giá. Trong số hàng trăm tỉ đồng đổ vào thị trường mỗi phiên, một phần rất lớn là nguồn tiền vay mượn hoặc cầm cố cổ phiếu.

Theo thông tin từ Công ty chứng khoán Bảo Việt, xu hướng cầm cố cổ phiếu tăng rất mạnh thời gian qua và tình trạng quá hạn trả nợ, xin gia hạn nợ diễn ra thường xuyên đến mức Công ty phải cảnh báo sẽ thực hiện bán cổ phiếu cầm cố sau 3 ngày quá hạn để giảm thiểu rủi ro.

Áp lực trả nợ và lãi suất vay càng khiến tâm lý “vớt vát” lan rộng. Nhà đầu tư tìm mọi cách để bán cổ phiếu và chọn lựa “khôn ngoan” là bán sàn. Tuy nhiên, với một khối lượng cổ phiếu chào bán khổng lồ, không phải tất cả các lệnh đều được nhập vào hệ thống và được khớp.

Thống kê giao dịch cho thấy lượng bán ra ngày 21/12 đã tăng gần 30%, đạt xấp xỉ 17,7 triệu cổ phiếu, trong khi nhu cầu mua lại giảm 17%, chỉ đạt 10,5 triệu cổ phiếu.

Trước xu hướng mất giá quá rõ, nhà đầu tư không “dại gì” bỏ tiền ra mua vào và xu hướng chờ giá giảm thêm càng khiến bên bán sốt ruột. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12, hàng trăm ngàn cổ phiếu ế ở giá sàn với các mã AGF, BHS, CII, GMD, FPT, REE, SAM, TDH, VNM, VSH...

Lịch sử có lặp lại?

Ông Nguyễn Hồng Nam - Phó TGĐ Công ty chứng khoán Sài Gòn: Nhà đầu tư không nên hoang mang

 

Giá cổ phiếu giảm là xu thế tất yếu. Sau một thời gian tăng cao và tăng quá nhanh do những tác động tâm lý, nay thị trường tự điều chỉnh. Điều đó không có gì là bất thường.

 

Một nguyên nhân nữa khiến cho chứng khoán giảm giá là trong mấy ngày qua thị trường Thái Lan và một số nước Đông Nam Á sụt giảm, tác động đến tâm lý các nhà đầu tư là các tổ chức và do đó cũng phần nào ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư cần bình tĩnh và thận trọng, không nên vì thị trường sụt giảm mà có tâm trạng hoang mang.

Nguyên nhân trực tiếp của hai phiên giảm giá chưa từng có vừa qua là hành động bán ra mạnh của một nhóm lớn nhà đầu tư, nhằm hiện thực hoá khoản lợi nhuận. Với mức tăng 35% của VN-Index trong khoảng 30 phiên giao dịch và hàng chục cổ phiếu như REE, SAM, GMD, FPT, VNM... có biên độ tăng giá hàng trăm phần trăm, không ít nhà đầu tư đã lãi hàng tỉ đồng.

Yếu tố đầu cơ và mua bán theo đám đông mặc dù được cảnh báo từ rất lâu đã lặp lại. Biểu hiện của động thái này là các giao dịch sẵn sàng mua ở giá trần và đua nhau bán ở giá sàn.

Giá nhiều cổ phiếu trong hơn một tháng qua đã được đẩy lên mức cao chưa từng có, thể hiện ở các chỉ số tài chính như tỉ lệ giữa giá cổ phiếu hiện tại/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E). Chỉ số P/E cao biểu hiện cổ phiếu đang được định giá cao.

Chu kỳ điều chỉnh của thị trường vào thời điểm này cũng gặp phải một số yếu tố cộng hưởng. Thời điểm cuối năm thường là thời điểm kết toán các khoản đầu tư và cơ cấu lại danh mục của các tổ chức đầu tư cũng như cá nhân.

Thực tế xu hướng của hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới là chững lại vào thời điểm này. Ngoài ra, việc lên sàn ồ ạt của một lượng lớn các Công ty mới cũng góp phần “pha loãng” thị trường.

Trong hai ngày 21 và 22/12 đã có thêm 9 doanh nghiệp niêm yết và dự kiến trong tuần tới sẽ có thêm khoảng gần 20 doanh nghiệp. Mặc dù hầu hết những cổ phiếu này đã được giao dịch trên thị trường phi tập trung, nhưng việc tăng cơ hội lựa chọn cũng sẽ tác động đến cơ cấu danh mục mua của nhà đầu tư.

Theo Hoàng Nguyên
Báo Lao động