Chứng khoán giảm mạnh bậc nhất thế giới, nên bán cổ phiếu nữa không?

Mai Chi

(Dân trí) - Chỉ trong một tuần, VN-Index giảm tới 8,5% và vượt xa mức thiệt hại của chứng khoán Nga (4,8%). Tâm lý nhà đầu tư bị tra tấn bởi vô số thông tin, song đây là lúc cần bình tĩnh và dừng bán tháo.

VN-Index giảm mạnh nhất thế giới

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải trải qua chuỗi ngày tồi tệ khi VN-Index không ngừng rơi và giá cổ phiếu liên tục lao dốc.

Theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index đã diễn biến ngược chiều so với chứng khoán thế giới, khi các chỉ số quốc tế có một tuần phục hồi nhẹ nhàng thì áp lực bán trên VN-Index lại thể hiện áp đảo suốt cả tuần giao dịch.

Toàn bộ nhóm ngành đều đồng loạt ghi nhận giảm điểm mạnh. Trong đó, tác động tiêu cực nhất tới chỉ số phải kể đến nhóm cổ phiếu bluechip ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bán lẻ khi hầu hết đều ghi nhận mức giảm lớn hơn 10% trong tuần vừa qua.

Đã không có phép màu xảy ra vào phiên giao dịch cuối tuần khi VN-Index đóng nến tuần ở ngay gần mức giá thấp nhất quanh khu vực 1.035 điểm. Cụ thể, chỉ số đại diện sàn HoSE mất 38,61 điểm tương ứng 3,59% còn 1.035,91 điểm phiên 7/10.

Theo dữ liệu của Stockq, chứng khoán Việt Nam là thị trường có mức giảm mạnh nhất trong tuần qua, giảm tới 8,5% và vượt xa mức thiệt hại của chứng khoán Nga (4,8%) hay Venezuela (1,87%). Tính trong một tháng, VN-Index chỉ đứng sau chỉ số chứng khoán Nga về mức độ giảm điểm, nếu chứng khoán Nga mất 19,19% thì chứng khoán Việt Nam mất 16,67% về điểm số.

Chứng khoán giảm mạnh bậc nhất thế giới, nên bán cổ phiếu nữa không? - 1

VN-Index thiệt hại gấp đôi so với chứng khoán Nga trong tuần qua (Dữ liệu: Stockq).

Tính trong khung thời gian 6 tháng, một năm hay so với đỉnh giá thì VN-Index cũng nằm trong top 10 chỉ số thị trường có tốc độ lao dốc mạnh nhất thế giới.

Chứng khoán giảm mạnh bậc nhất thế giới, nên bán cổ phiếu nữa không? - 2

VN-Index trong nhóm giảm sâu nhất thế giới ở nhiều khung thời gian (Ảnh chụp màn hình).

Đánh giá về thị trường tuần qua, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường VNDirect - cho hay, tuần vừa qua, đà giảm tiếp tục nới rộng trước làn sóng call margin tại nhiều cổ phiếu.

Theo ông Hinh, thông tin hỗ trợ trong tuần vừa qua là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 4 ngân hàng bao gồm VPBank, MB, HDBank và Vietcombank. Tuy nhiên, thông tin này đã bị lấn át bởi sự thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng bất chấp động thái bơm ròng của NHNN trong những phiên gần đây, thể hiện qua việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt vượt mức 8%. Cùng với đó, những tin đồn trên thị trường càng khiến tâm lý của nhà đầu tư trở nên bi quan, kích hoạt đà bán tháo trong phiên giao dịch cuối tuần.

Thanh khoản của cả thị trường tiếp tục suy yếu trong bối cảnh tâm lý thận trọng và chán nản lan rộng. Giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn ở mức 13.837 tỷ đồng/phiên, giảm 12% so với tuần trước. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần mặc dù giá trị bán ròng đã có phần giảm bớt. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 653 tỷ đồng trên sàn HoSE (giảm 29,6% so với tuần trước). Điểm tích cực cũng diễn ra trên 2 sàn còn lại khi khối ngoại chuyển vị thế qua mua ròng 36 tỷ đồng trên sàn HNX-Index và giảm 24,8% giá trị bán ròng xuống còn 164 tỷ đồng trên sàn UPCoM-Index.

Cân nhắc kỹ trước khi bán ra

"Nhà đầu tư nên bình tĩnh và dừng bán tháo ở thời điểm này", ông Đinh Quang Hinh nhấn mạnh khi đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư sau chuỗi giảm sâu của thị trường.

Theo vị chuyên gia, bối cảnh thị trường thiếu vắng những thông tin hỗ trợ cộng với trạng thái tâm lý yếu của nhà đầu tư và những tin đồn chưa được xác thực xuất hiện gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh và bán tháo cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua.

Đà giảm mạnh thời gian qua đã khiến định giá của chỉ số VN-Index rơi về mức P/E xấp xỉ 11 lần, gần tương đương với giai đoạn đáy Covid-19 hay cuối 2012 (giai đoạn lãi suất tăng vọt, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu ngân hàng tăng cao).

"Nên cân nhắc kỹ trước khi bán ra vì tâm lý chán nản có thể khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường và không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó", ông Đinh Quang Hinh.

"Để so sánh giữa thời điểm hiện tại với các thời điểm đó là "khá khiên cưỡng", tuy vậy sự so sánh cũng phần nào cho thấy đà giảm thị trường vừa qua đã có phần thái quá, chịu ảnh hưởng quá mức bởi tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn như HPG hay nhiều ngân hàng đã về mức P/B xấp xỉ 1 lần. Điều này là rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng như Covid-19, hay giai đoạn đóng băng bất động sản và nợ xấu cao (2011-2022)" - ông Hinh nhìn nhận.

Tuy vậy, ngay kể cả những giai đoạn đó, sau giai đoạn thị trường giảm điểm mạnh thì thị trường thường chứng kiến những nhịp phục hồi mạnh. Điều này là do thị trường đã bị ép về trạng thái quá bán rất sâu và nhiều cổ phiếu về định giá rất hấp dẫn, kích hoạt lực cầu bắt đáy.

Trong bối cảnh thị trường đã giảm sâu liên tục trong thời gian qua và chỉ số VN-Index về gần mức 1.000 điểm, tương đương P/E trailing khoảng 11 lần (P/E forward 2022 dưới 10 lần), vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên bình tĩnh và dừng bán tháo ở thời điểm này.

"Nên cân nhắc kỹ trước khi bán ra vì tâm lý chán nản có thể khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường và không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó" - ông Hinh lưu ý.

Theo chuyên gia, việc bán ra ở thời điểm này chỉ nên thực hiện để hạ tỷ trọng đòn bẩy (margin) nhằm bảo vệ danh mục hoặc hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu tỷ trọng cổ phiếu ở mức quá cao (full cổ).

Ngược lại, đối với những nhà đầu tư nắm giữ nhiều tiền mặt, nhịp giảm điểm mạnh thời gian qua đã mở ra cơ hội lớn để tích lũy cổ phiếu cơ bản với mức định giá rất hấp dẫn. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư giải ngân ở vùng này có thể thu được mức lợi nhuận hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới.