Chứng khoán: Cuộc chơi của những ông lớn!

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau một thời gian tăng dài liên tục chắc chắn sẽ có những đợt điều chỉnh mạnh và sâu. Khi thị trường tăng nóng, không có lượng cung nào đủ làm hạ nhiệt, đến khi thị trường sốt lạnh, liệu có lượng tiền nào sẽ làm đối trọng cho lượng bán ra nhiều đến thế?

Còn sự bất bình thường ở đây có chăng chính là cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư nhỏ, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng phân tích đầu tư.

"Trong lúc này, chỉ có nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường là hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu sẽ chịu thiệt thòi, còn các nhà đầu tư cũ và những tổ chức, họ vẫn bình tĩnh. Đợt điều chỉnh này càng mạnh, càng sâu bao nhiêu càng là cơ hội ngàn vàng để các nhà đầu tư tổ chức thực hiện những kế hoạch mua vào của họ.

Sau đợt biến động này, thị trường sẽ ổn định và phát triển bền vững hơn”, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cho biết.

Một điều không thể phủ nhận là việc thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng từ cuối năm 2005 đến nay được bắt đầu chủ yếu từ những thông tin tốt lành của các công ty niêm yết.

Và bây giờ thị trường đi xuống cũng bắt đầu từ chính những thông tin không tốt của công ty niêm yết mà Lafooco là "cú hích" đầu tiên. Đây chính là một trong những tác nhân quan trọng khiến thị trường đi xuống, bên cạnh những yếu tố khác như giá vàng và USD trên thị trường tăng.

Thị trường chứng khoán là thị trường của những ý tưởng. Muốn thành công thì bản thân những nhà đầu tư phải biết đón bắt được những ý tưởng này từ khi nó còn chưa hiện hình rõ nét.

Liên hệ tới thực tế vừa qua, trước đợt giảm mạnh hiện nay thì trên thị trường đã có ít nhiều động thái như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo các trung tâm giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán kiểm soát chặt việc vay cầm cố cổ phiếu, các ngân hàng thương mại giảm giá trị tiền cho vay cầm cố.

Với những động thái như vậy, nếu là nhà đầu tư kinh nghiệm ắt sẽ phải tính đến chuyện thay đổi sắp tới. Và cách tốt nhất phải làm khi đó là thu hồi vốn và chờ cơ hội tiếp theo.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà đầu tư cá nhân đã hành động ngược lại với các nhà đầu tư tổ chức. Thay vì bán ra thì các nhà đầu tư cá nhân lại liên tục mua vào. Khi thị trường lên thì tranh mua còn khi thị trường xuống thì tranh bán.

Đánh giá đợt tăng trưởng nóng vừa qua cũng như những dấu hiệu về một đợt “sốt lạnh” sắp tới, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngoại thương (VCBS) cho rằng thị trường vẫn chưa có sự điều tiết cung cầu hợp lý cho sự phát triển bền vững.

Phải chăng thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu những nhà tạo lập thị trường (market makers), đang thiếu các nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư và các quỹ công chúng để các cá nhân có vốn nhưng thiếu thời gian và kiến thức có thể uỷ thác?

Bên cạnh đó, Quỹ bình ổn giá chứng khoán với vai trò điều tiết của Nhà nước đối với thị trường chứng khoán - kênh huy động vốn quan trọng đối với nền kinh tế dường như chưa trở thành hiện thực?

Theo Lan Hương
VnEconomy