Chứng khoán có tuần giao dịch kém khả quan

(Dân trí) - Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch có sự điều chỉnh mạnh mẽ của các cổ phiếu dẫn dắt thị trường và tâm lý chốt lời của nhà đầu tư. Thị trường tiếp tục điều chỉnh là điều có thể thấy được trong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ.

Chứng khoán có tuần giao dịch kém khả quan - 1
Chứng khoán trải qua 1 tuần ảm đạm (ảnh: Hữu Nghị).
 
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số Vn-Index đã giảm 24,24 điểm so với mức đóng cửa cuối tuần trước và đóng cửa tuần tại 309,9 điểm (tương ứng với tỷ lệ giảm 7,25%).
 
Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index đã giảm xuống 110,2 điểm; giảm 12,36 điểm so với phiên cuối tuần trước (tương ứng với tỷ lệ giảm 10,08%).
 
Điểm nổi bật nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam tuần này chính là tâm lý chốt lãi của các nhà đầu tư cùng sự điều chỉnh mạnh mẽ của các mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đặc biệt là nhóm các cổ phiếu thuộc lĩnh vực chứng khoán và các cổ phiếu tăng nóng trong gần hai tháng giao dịch vừa qua.
 
Thêm vào đó, với một loạt doanh nghiệp có báo cáo sau khi kiểm toán đưa ra với kết quả xấu hơn nhiều so với báo cáo trước khi kiểm toán cùng sự e ngại về báo cáo kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết sắp được công bố, cũng như tâm lý chờ đợi qua kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 càng làm ảnh hưởng nhiều đến động thái bán ra của các nhà đầu tư.
 
Cơ hội cơ cấu danh mục đầu tư
 
Theo nhận định của nhóm phân tích thuộc Công ty Chứng khoán FPT, “thị trường tuần tới tiếp tục điều chỉnh là điều có thể nhận thấy được, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để các nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục của mình cũng như đối với những nhà đầu tư đã bỏ lỡ đợt sóng vừa qua”.
 
Nhóm phân tích này cũng chỉ rằng, hệ quả của hiện tượng hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ là giá cổ phiếu có thể giảm ở hai phiên giao dịch đầu tuần, đến phiên cuối tuần (phiên thứ tư) sẽ có một số cổ phiếu phục hồi.
 
Vn-Index có thể giảm tối đa về 278 điểm, sau khi xuyên thủng các mức 305 điểm và HaSTC-Index “vận động” trong khoảng 105 điểm - 120 điểm trong tuần tới.
 
Còn theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán (Công ty chứng khoán SME): “Thị trường chứng khoán trong tuần tới ít khả quan.
 
Thứ nhất do dức cầu giảm, dòng tiền trên thị trường không còn nhiều. Thứ hai, nhiều khả năng thị trường sẽ “test” ở một ngưỡng mới trong khoảng 280 - 300 điểm. Thứ ba, theo thông lệ mấy năm gần đây, thị trường thường ít nhộn nhịp vào dịp nghỉ lễ do nhà đầu tư tập trung nghỉ 30/4, chính vì vậy, thị trường thường có phiên điều chỉnh vào các phiên giao dịch sau đó.
 
Một lý do nữa là báo cáo tài chính quý I của các công ty nộp trễ không đủ khả năng kéo thị trường đi lên”.
 
Dù thị trường chứng khoán còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô, diễn biến trên thị trường thế giới và tâm lý nhà đầu tư; nhưng nếu biết lựa những mã cổ phiếu có các chỉ số tốt, có khả năng thích ứng cao và ít chịu những tác động xấu từ suy thoái kinh tế, nhà đầu tư vẫn có thể có lãi.
 
“Trong quý I và quý II/2009 nên giải ngân 30% vốn, sau đó chờ tín hiệu thị trường và có thể đầu tư 30 - 40% vào quý III và quý IV/2009” ông Nguyễn Anh Dũng nói.
 
Ổn định và phục hồi nhẹ
 
Hiện tại, kinh tế thế giới đã có những chuyển biến tích cực trong nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và bản thân nền kinh tế của Việt Nam đang có các chuyển biến tích cực hơn so với quý 4/2008.
 
Trải qua thời điểm khó khăn trong đầu quý I, chứng khoán hai sàn đã có cuộc “thử lửa” thành công. Giá cổ phiếu rẻ trong khi các đơn vị niêm yết vẫn duy trì được mức EPS tốt đang tạo ra lợi thế cạnh tranh của kênh đầu tư chứng khoán so với các kênh đầu tư tài chính khác.
 
Việc khối ngoại duy trì bán ròng với giá trị lớn trong thời gian qua cho thấy lượng tiền này có thể sẽ tham gia thị trường cổ phiếu khi những tín hiệu phục hồi kinh tế rõ ràng hơn.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá dài hạn của Công ty Chứng khoán FPT, thị trường chứng khoán chưa tạo ra được bước đột phá, song tính ổn định là những gì được kỳ vọng ở giai đoạn này. Thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng sẽ từng bước được củng cố sau khi đã thoát ra khỏi thời điểm tồi tệ nhất.
 
Cùng với niềm tin này, ông Hoang D.Quan, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Thăng Long Meritz (TLM Capital) nhận định: Dù có một số thay đổi trên thị trường tài chính thế giới, nhưng những thay đổi này chỉ là tạm thời. Bên cạnh đối phó với khủng hoảng, thế giới sẽ còn phải đối diện với việc tìm ra đường hướng để tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
 
“Điều may mắn với Việt Nam là nền kinh tế có độ mở nhỏ. Mặc dù Việt Nam đã gia nhập WTO, nhưng nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào những yếu tố nội tại, tính chất tự cung, tự cấp còn cao, nên mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đến Việt Nam không dữ dội như nhiều nền kinh tế khác.
 
Cũng vì thực tế này mà khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam theo tôi là cao hơn. Nếu nhìn trong khu vực châu Á, Việt Nam vẫn là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn, bên cạnh một số quốc gia khác như Trung Quốc và Ấn Độ”.
 
Nguyễn Hiền