Chứng khoán châu Á, Mỹ cùng bật tăng

Nhật Linh

(Dân trí) - Các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt hồi phục trong phiên mở cửa sáng nay, sau khi chứng khoán phố Wall tăng mạnh trong đêm qua.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (4/10), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,19%, trong khi chỉ số Topix tăng cao hơn, ở mức 2,44%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 1,81%. Chỉ số Kosdaq cũng tăng 2,24%.

Tương tự, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI bên ngoài Nhật Bản mở cửa phiên giao dịch sáng nay (4/10) cũng tăng 0,71%. Ở Australia, chỉ số S&P/ASX 200 cũng tăng 2,35%.

Các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh.

Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu phiên tháng 10 hôm qua (3/10) đã tăng mạnh sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm từ mức kỷ lục chưa từng thấy trong gần một thập kỷ.

Chứng khoán châu Á, Mỹ cùng bật tăng  - 1

Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu phiên tháng 10 đã tăng gần 800 điểm (Ảnh: CNBC)

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên tăng 765,38 điểm, tương đương tăng gần 2,7%, lên mức 29.490,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 2,6% lên 3.678,43 điểm, sau khi giảm mạnh trong phiên cuối tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số Nasdaq Composite tăng gần 2,3%, chốt phiên ở mức 10.815,43 điểm.

Với Dow Jones, đây được coi là phiên tăng điểm tốt nhất kể từ ngày 24/6. Còn đối với chỉ số S&P 500, đây là ngày giao dịch tốt nhất kể từ ngày 27/7.

Chứng khoán phố Wall đồng loạt tăng vọt sau phiên giảm mạnh tuần trước là do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm giảm xuống còn khoảng 3,65% sau khi đạt mức cao nhất 4% vào tuần trước.

Phố Wall đã trải qua một tháng tồi tệ, với chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Chỉ số Dow Jones cuối tuần trước đã đóng cửa dưới mức 29.000 điểm, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Tính chung trong tháng 9, Dow Jones giảm 8,8%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 9,3% và 10,5%.

Tính theo quý, Dow Jones đã giảm 6,6%, đạt kỷ lục 3 quý giảm liên tiếp, lần đầu tiên kể từ quý III/2015. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều giảm lần lượt 5,28% và 4,11%, kết thúc quý giảm thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Chiến lược gia trưởng về đầu tư tại CFRA cho rằng, phiên tăng mạnh hôm qua của thị trường chứng khoán Mỹ không có gì ngạc nhiên khi thị trường đã đi vào quá bán.

"Do S&P 500 đã giảm hơn 9% trong tháng 9 và bởi vì chỉ số ISM của Mỹ (đo lường hoạt động kinh tế từ sản xuất cũng như dịch vụ) suy yếu hơn dự đoán nên có lẽ Fed sẽ không mạnh tay như vậy nữa", ông nói với CNBC và cho rằng lợi suất trái phiếu đi xuống và đồng USD suy yếu hơn đang góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm