Chưa xây dựng xong cơ chế giá điện năm 2009

(Dân trí) - “Chính phủ giao EVN và Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) xây dựng cơ chế giá điện từ năm 2009 để trình Thủ tướng. Hiện EVN chưa xây dựng xong và cũng chưa nộp lên bộ, không hiểu thông tin ở đâu nói chúng tôi đã trình phương án tăng giá điện”.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 6/10.

Một số thông tin cho rằng, mức giá điện cho năm 2009 do EVN đề xuất tăng từ 20 - 30% là quá cao. Với tư cách là lãnh đạo EVN, ông giải thích điều này như thế nào?

Tôi không hiểu thông tin đó lấy từ đâu, có thể đó là một số ý tưởng của một số chuyên gia đưa ra. Còn thời điểm này, EVN chưa có một đề xuất nào lên Chính phủ về việc này.

Tuy nhiên, giá điện từ năm 2009 tăng bao nhiêu so với hiện tại, Chính phủ sẽ quyết căn cứ vào tình hình sản xuất của các doanh nghiệp của EVN và ngoài ngành như dầu khí, than, cũng như các nhà đầu tư khác. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quyết định mức tăng giá điện bao nhiêu, còn EVN chưa có một đề nghị nào.

Còn dự thảo đang xây dựng của EVN về tăng giá điện thì sao?

Dự thảo của chúng tôi có nhiều phương án. Chúng tôi cho rằng tổ công tác của Bộ Công Thương sẽ là người quyết định chứ không phải EVN. Chính phủ cũng có chỉ đạo chỉ trợ giá cho hộ tiêu dùng có thu nhập thấp và không có trợ giá cho người có thu nhập cao.

Có nghĩa người nào sử dụng nhiều điện sẽ phải trả theo đúng giá quy định mà không có bù lỗ. Việc tăng giá sẽ áp dụng với tất cả các hộ nhưng sẽ có các tỉ lệ khác nhau.

Vậy theo tính toán của ông, mức tăng giá điện cho năm tới như thế nào là phù hợp?

Việc tăng này Chính phủ sẽ phải nhìn nhiều khía cạnh, liên quan đến cả việc sản xuất và đây là bức tranh dài hạn chứ không phải chỉ riêng cho năm 2009. Tôi nghĩ mức tăng có thể dưới 20% hoặc bằng mức đó, tùy vào tình hình cuối năm nay.

Nếu ta xử lý tình hình lạm phát tốt thì người dân có thể chấp nhận ở mức cao để làm sao huy động vốn. Vì sau này các nhà máy cũng phải cổ phần hóa hết, nếu các nhà đầu tư cảm thấy đầu tư vào được thì sẽ không thiếu điện.

Ông vừa nói lộ trình về vốn và tăng giá do Chính phủ sẽ quyết định, còn chất lượng điện cung cấp sau khi tăng giá sẽ ra sao?

Chất lượng điện không chỉ phụ thuộc một mình nhà cung cấp mà phụ thuộc cả người tiêu dùng. Hiện các hộ sản xuất không nộp kế hoạch sản xuất cho EVN để yêu cầu công ty phân phối nâng cấp mạng lưới ở khu vực đó nên dẫn đến tình trạng quá tải và chất lượng điện kém đi.

Đối với khu dân cư, lúc đầu chỉ có 1 máy biến áp cho một lượng dân nhất định nhưng khi mở rộng thì điện áp sẽ bị tụt. Chính vì vậy, chất lượng điện phải song song giữa EVN, các công ty điện lực và người tiêu dùng cùng có một phần trách nhiệm.

Sau này, khi phương án tăng giá điện mới được thông qua, EVN có công bố hạch toán kinh doanh để người dân được biết hay không, thưa ông?

Hiện chúng tôi rất muốn tách các khâu đó ra và khâu phát điện đối với các nhà máy chúng tôi đã tách ra hết. Một loạt nhà máy đã cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khâu chuyền tải từ 1/7 cũng tách ra thành tổng công ty chuyển tải. Về mức phí chúng tôi cũng đề nghị Bộ duyệt giá phí.

Các công ty phân phối hiện cũng hạch toán độc lập. Chi phí của họ kiểm toán cũng rất dễ. Chi phí cũng rất rành rọt. Cái chính khó nhất hiện nay là công ty mua bán điện. Hiện chúng tôi phải mua của các nhà máy điện bên ngoài với giá rất cao nhưng phải bán lại cho các công ty điện lực với giá thấp.

Trong cơ chế giá điện sắp tới chúng tôi cũng đề nghị công ty mua điện này nếu họ mua trên thị trường điện lực mà giá lên thì phải điều chỉnh giá bán lẻ để họ có tiền trả điện cho công ty bán điện và ngược lại. Chúng tôi hy vọng đưa yếu tố cạnh tranh vào thì giá sẽ bình ổn lại.

Còn với mức giá hiện tại, kinh doanh điện tại Việt Nam lỗ - lãi như thế nào?

Hiện với lưới điện bán cho điện nông thôn là chúng ta lỗ. Mức 390 đồng/kwh là lỗ. Bán cho điện sinh hoạt 100 số đầu tiên ở mức 500 đồng là lỗ. Nhưng các giá khác đa số hoàn vốn. Mức giá bán cho các hộ kinh doanh là đang lãi. Hiện, chúng tôi phải lấy lãi của khâu kinh doanh, dịch vụ bù cho hộ nông thôn.

Điện sinh hoạt 100 số đầu lỗ còn sau mức này là có lãi. Nếu các hộ dùng nhiều thì chúng tôi có lãi. Nhưng với bài toán tổng thể của nền kinh tế, nếu mà dân dùng nhiều thì tốn năng lượng và đòi hỏi đầu tư rất lớn, trong khi chúng tôi không muốn đầu tư.

Xin cám ơn ông!

An Hạ