1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chưa thấy áp lực tăng giá trong tháng Tết Đinh Dậu

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, chưa thấy áp lực tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Tết Nguyên đán Đinh Dậu (tháng 1 và tháng 2/2017).

Trong tháng 1/2017 đã 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu, rõ ràng đây là áp lực lên CPI trong những tháng đầu năm, thưa bà?

Ngày 4/1/2017, giá xăng A95 và các mặt hàng dầu tăng từ 300-500 đồng/lít, tác động làm tăng CPI tháng 1 khoảng 0,03 điểm phần trăm. Còn đợt tăng giá xăng dầu ngày 19/1/2017 chỉ có mặt hàng dầu diesel tăng 290 đồng/lít, hầu như không tác động tới CPI. Nói chung, việc tăng giá xăng dầu 2 lần trong tháng 1/2017 tác động không đáng kể lên CPI.


Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Thế còn việc 4 địa phương vừa được phép tăng giá dịch vụ y tế sẽ tác động thế nào lên CPI?

Tháng 12/2016, Bộ Y tế tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại 4 tỉnh (27 tỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh trong năm 2017). Năm 2016, giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh bước 1 (giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù) và từng bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và chi phí tiền lương tại 36 tỉnh, nên giá mặt hàng dịch vụ y tế năm 2016 tăng 77,57%, đóng góp 2,7 điểm phần trăm trong tổng mức tăng CPI năm 2016 là 4,74%. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 năm 2017 đối với một số địa phương sẽ gây áp lực lên CPI năm nay, nhưng mức độ ít hơn.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, các địa phương tăng giá dịch vụ y tế bước 2 đều là những địa phương có số người tham gia bảo hiểm y tế tối thiểu 80%, nên việc tăng giá dịch vụ y tế không tác động nhiều đến chi phí khám chữa bệnh của người dân do chi phí khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả là chủ yếu.

Tóm lại, theo bà, CPI trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu có tăng không?

CPI tháng 1 và tháng 2/2016 (so với tháng 12/2015) không tăng và tăng 0,42%. Còn năm 2015 (so với tháng 12/2014) lại giảm tương ứng -0,20% và -0,25% có nguyên nhân là giá xăng dầu giảm mạnh và chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế (giá dịch vụ y tế bước 1 được thực hiện từ 1/3/2016). Năm nay, riêng giá xăng dầu tăng khiến CPI tháng 1 ít nhất tăng 0,03 điểm phần trăm, cộng thêm việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế nữa, nên chắc chắn, CPI cả tháng 1 và tháng 2/2017 cao hơn tốc độ tăng CPI tháng 1, tháng 2 năm 2015 và năm 2016, nhưng tốc độ tăng không nhiều.

Dựa trên cơ sở nào mà bà nhận định rằng, CPI tháng 1 và tháng 2/2017 tăng không nhiều?

Tháng 1 và tháng 2 là thời gian diễn ra Tết Nguyên đán. Chi tiêu cho thực phẩm, rau củ trong Tết Nguyên đán của người dân tăng mạnh và chiếm tỷ trọng tương đối lớn nên mặt hàng thực phẩm thường tăng vào dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, giá thịt lợn rất thấp. Giá một cân thịt lợn hơi thậm chí còn không mua được bát phở (28.000 - 30.000 đồng/kg). Thịt lợn là mặt hàng lương thực chủ lực trong dịp Tết không tăng, nên dù nhu cầu có tăng thì giá các loại thực phẩm khác cũng khó có thể tăng.

Ngoài ra, theo quan niệm tại nhiều vùng miền, địa phương, năm nay là năm “con gà” (Đinh Dậu) người dân ít sử dụng thịt gà - mặt hàng tiêu thụ lớn thứ 2 sau thịt lợn, cũng không tăng giá mạnh như mọi năm.

Thế còn lương thực, rau củ cũng là mặt hàng được tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết thì sao?

Lương thực rất dồi dào, nguồn cung thừa đáp ứng nhu cầu, cộng với việc sử dụng lương thực của người dân trong dịp Tết không tăng, nên khó có thể tăng giá. Năm nay rất may là thời tiết thuận lợi cho việc canh tác rau xanh, hoa quả, nguồn cung dồi dào nên giá các mặt hàng này trong những ngày Tết so với cùng kỳ các năm trước chắc chắn là không tăng.

Do thu nhập của người dân tăng, đời sống của người dân được cải thiện, nên tâm lý “đói quanh năm, no ba ngày Tết” phai mờ dần. Nhiều năm trở lại đây, người dân không còn thói quen tích trữ thật nhiều trữ lương thực, thực phẩm… trong những ngày Tết, nên nhu cầu tiêu dùng trong những ngày Tết có tăng, nhưng không quá mạnh, nên giá cả nói chung trong dịp Tết sẽ không tăng cao như những năm trước đây.

Có lẽ vì thế nên năm nay, Chương trình Bình ổn giá không được các địa phương, thực hiện “tất bật” như mọi năm, thưa bà?

Đây là điều đáng mừng. Những năm trước, để bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, chính quyền các địa phương sử dụng Quỹ dự trữ tài chính của địa phương cho doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn giá vay với lãi suất 0% để dự trữ gạo tẻ, thịt lợn, gà, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, trứng gà...

Năm nay, Chương trình Bình ổn giá vẫn được thực hiện, nhưng do giá cả trên thị trường những ngày gần đây không tăng hoặc tăng không đáng kể, nên Chương trình trở nên không cần thiết.

Theo Mạnh Bôn
Đầu tư