Chưa quyết định gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ

(Dân trí) - Hiện NHNN chưa đưa quyết định cuối cùng về việc hoãn, giãn nợ để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nhưng nếu Thông tư 02 được áp dụng như kế hoạch vào 1/6 tới, hàng loạt doanh nghiệp nguy cơ bị ngân hàng cắt vốn và “chết” hẳn, không thể trả được nợ đã vay.

Ông Nguyễn Viết Mạnh trao đổi với doanh nghiệp tại hội thảo sáng 20/5 (ảnh: BD).
Ông Nguyễn Viết Mạnh trao đổi với doanh nghiệp tại hội thảo sáng 20/5 (ảnh: BD).

Xem xét gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ
 
Góp tham luận tại hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp - giải pháp dòng tiền” tổ chức sáng nay (20/5), ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến thời điểm hiện tại, NHNN chưa đưa quyết định cuối cùng về việc hoãn, giãn nợ để hỗ trợ các doanh nghiệp theo quyết định 780/QĐ- NHNN và trích lập dự phòng theo thông tư 02/2013/TT- NHNN.

Nếu theo đúng dự kiến, Thông tư 02 quy định việc phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2013.

Với việc áp dụng Thông tư 02 vào thực tế, tỉ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) có thể sẽ tăng từ 3-4% hiện nay lên 10-20%, thậm chí cao hơn. Tỉ lệ nợ xấu tăng cao cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn, điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, ảnh hưởng đến khả năng cho vay đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hệ quả, hàng loạt doanh nghiệp sẽ bị ngân hàng cắt vốn do tỉ lệ nợ xấu tăng lên, nhiều doanh nghiệp sẽ “chết” hẳn, không thể trả được nợ đã vay từ các NHTM.

Trong bài viết đăng tải trên website của NHNN gần đây, cơ quan này cho biết, chiều 8/5/2013, Cơ quan Thanh tra giám sát thuộc NHNN đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo một số NHTM lớn và các chuyên gia kinh tế nhằm lấy ý kiến đóng góp trước khi Thông tư 02 có hiệu lực chính thức. Nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn áp dụng Thông tư 02 nên được lùi lại và cần có lộ trình đề án thích hợp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi năng lực sản xuất.

Tại hội thảo sáng nay, ông Mạnh nói thêm, sau khi tổ chức, gặp gỡ, tiếp xúc với một số địa phương và doanh nghiệp, NHNN đang nghiên cứu theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục thực hiện Quyết định 780 về việc phân loại nợ đối với nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; gia hạn nợ để doanh nghiệp tiếp tục vay được vốn.

Quyết định 780 ban hành ngày 23/4/2012 cho phép tổ chức tín dụng khi gia hạn nợ cho khách hàng thuộc nhóm doanh nghiệp có triển vọng phục hồi sản xuất nhưng đang gặp khó khăn về tài chính được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi điều chỉnh.

Nếu tính theo chuẩn quốc tế, nợ nhóm 2 của nhiều doanh nghiệp sẽ bị rơi vào nợ xấu.
Nếu tính theo chuẩn quốc tế, nợ nhóm 2 của nhiều doanh nghiệp sẽ bị rơi vào nợ xấu.

Giữ trần lãi suất huy động, áp thêm trần lãi suất cho vay

Cũng trong hội thảo sáng nay, ông Mạnh đánh giá, thời gian vừa qua, đường cong lãi suất đã trở lại theo thị trường thay vì trước đây là đường thẳng. 

Theo đó, vào ngày 10/5, NHNN đã giảm một loạt lãi suất cơ bản, riêng huy động vẫn giữ nguyên 7,5%. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã tự động hạ lãi suất huy động xuống dưới mức trần quy định.

Điều này ngược lại với tình hình trước kia. Thời gian trước đây, một số ngân hàng có hành vi lách trần để cạnh tranh, hút vốn, nhưng bây giờ, ngân hàng lại chủ động hạ lãi suất. 

Thực tế này, theo ông Mạnh, xuất phát từ thanh khoản của ngân hàng dồi dào trở lại, thậm chí, ngân hàng lâm vào tình cảnh “cầm lửa trên tay”, buộc phải hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay để khơi thông vốn.

Về câu hỏi có nên bỏ trần lãi suất huy động hay không, đại diện NHNN cho biết, do kinh tế cần sự ổn định nên NHNN vẫn đang giữ trần lãi suất nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, trong dài hạn thì sẽ bỏ trần.

Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thiết lập trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay mức trần lãi suất dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên là 10%.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm