1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hoãn xử lý nợ xấu có cứu được doanh nghiệp?

(Dân trí) - Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại và chuyên gia cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn xử lý nợ xấu có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn trong bối cảnh lãi suất đang giảm mạnh…

Chiều 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã họp triển khai Thông tư 02 về phân loại nợ và xử lý rủi ro phát sinh với sự tham gia của đại diện nhiều ngân hàng thương mại và các chuyên gia kinh tế.

Theo Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa, nội dung của Thông tư 02 đã tiệm cận hơn với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Phạm vi phân loại nợ được mở rộng, kể cả trái phiếu cũng phân loại nợ, các khoản ủy thác sẽ phải phân loại…, trong đó có 3 tài sản mở rộng hơn so với Quyết định 493. Thông tư 02 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/6 tới.

Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Thông tư 02 là một điều răn đe các tổ chức tín dụng nếu cố tình làm sai sẽ phải trả giá bằng việc trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn. Quy định đưa ra giúp các tổ chức tín dụng thực hiện việc cấp tín dụng một cách lành mạnh. Qua tiếp xúc của đoàn công tác của Thống đốc tại các địa phương, một số doanh nghiệp có ý kiến việc áp dụng Thông tư 02 có thể cản trở việc tiếp cận vốn của họ.

Góp ý cho Thông tư 02, TS.Vũ Đình Ánh cho rằng: Thông tư này nếu triển khai sẽ xiết chặt các điều kiện, nợ xấu có thể nhiều hơn khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hàng nghìn doanh nghiệp giải thể, TS.Vũ Đình Ánh khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước tạm thời chưa áp dụng thông tư này, đó cũng là một cách gỡ khó cho các ngân hàng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ thái độ ủng hộ những quy định của Thông tư 02, nhưng: “Nếu chúng ta không chuẩn bị, không có thời gian điều chỉnh thì cái giá phải trả sẽ đắt hơn. Tôi cũng đồng ý tiến càng nhanh càng tốt, nhưng tôi rất phân vân trong điều kiện hiện nay. Một cái đèn trên cao, quá cao so với chiều cao chúng ta, ta phải kê ghế đứng lên, với nó, chứ không thể nhảy lên với nó được”.

Và với vai trò là người đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm gợi ý nên lùi thời hạn áp dụng những quy định trong Thông tư 02 về cuối năm nay. “Việc phân loại nợ và đảm bảo các tiêu chí an toàn, phụ thuộc rất nhiều vào “sức khỏe” của doanh nghiệp. Tôi rất hoang mang và suy nghĩ khi Thông tư 02 ra đời, trong tình hình hiện nay triển khai thì rất khó khăn, các doanh nghiệp vốn đã khó tiếp cận ngân hàng rồi, khó vì không đủ tiêu chuẩn vay (nợ xấu nhiều, đầu ra không được…). Nếu phân loại thẳng thừng thì nợ xấu tăng lên rất nhanh. Thiết nghĩ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta phải có sự linh hoạt vừa đảm bảo giải quyết bức xúc trước mắt vừa đảm bảo lâu dài cho nền kinh tế theo định hướng thị trường”, ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên trì hoãn thời gian áp dụng Thông tư này. Theo ông Hiếu: Nếu chúng ta đọc Thông tư 02, đây là một cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng. Những việc định nghĩa nợ, phân loại nợ theo nhóm nào là cả một vấn đề giúp cơ cấu lại nợ toàn bộ quá hạn, nợ nghi ngờ. Khi thông tư đi vào cuộc sống, thay vì nợ xấu 3 - 4% thì một số ngân hàng sẽ tăng thêm vài ba chục phần trăm.

“Những doanh nghiệp không trả được nợ rồi thì anh có thể nuôi được nó sống trở lại không, có đủ tiền để bơm nữa không? Phải biết bệnh của nó là gì để có phương án xử lý phù hợp, chứ đưa ra một giấy chứng nhận sức khỏe rồi không biết bệnh là gì, cứ bơm tiền cho nó… Việc lùi lại chỉ là hoãn binh thôi. Cái tôi muốn nói là trích lập dự phòng, phân loại nợ cho chính xác, từ đó Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cùng nhau xây dựng phương án thực tế còn hơn chúng ta nhắm mắt đi trên một con đường mà không biết sắp rơi vào hố”, TS. Hiếu bày tỏ quan điểm.

Mù mờ số liệu nợ xấu (ảnh minh họa).
Mù mờ số liệu nợ xấu (ảnh minh họa).

Ý kiến thúc đẩy thời hạn áp dụng Thông tư 02 của ông Hiếu “vấp” phải sự phản đối của khá nhiều ngân hàng. Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, nếu áp dụng các quy định tại Thông tư 02 sẽ có hàng loạt nông dân mất nhà, ra đứng đường. Vì rất nhiều nông dân thủy sản, chăn nuôi thất bát và thua lỗ trong mấy năm qua, đã nợ ngân hàng rất lớn. Nay theo quy định mới thì họ hết đường vay vốn tái sản xuất và bị siết nợ từ các ngân hàng.

Cũng theo ông Hưởng, các ngân hàng đang cố gắng hạ lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn, nhưng nếu áp dụng Thông tư 02 thì chi phí ngân hàng sẽ lập tức tăng lên. Do đó, không chỉ có nợ xấu tăng khó tiếp cận vốn, mà các doanh nghiệp khác cũng khó vay vốn do lãi suất tăng cao.

“Nếu thực hiện Thông tư 02 ngay, chi phí của ngân hàng tăng cao, việc giảm lãi suất sẽ bị dừng lại, đôi khi lợi bất cập hại. Chúng ta có tiêu chuẩn đúng nhưng chưa trúng với thời điểm hiện nay”, Phó Chủ tịch Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt nhấn mạnh.

Ông Trần Lục Lang, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng cho rằng, Thông tư 02 là tiệm cận với thông lệ quốc tế và tới 2015 chúng ta phải thực hiện Barsel II. “Nói thẳng ra thì các ngân hàng rất thích Thông tư 02, nhưng nếu triển khai thì các doanh nghiệp là người khó khăn nhất, nhóm nợ của doanh nghiệp sẽ thay đổi, định giá tài sản sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm thời gian. Tất nhiên ngân hàng cũng bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp khó khăn, tiêu chuẩn để tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ khó khăn. Nếu trong bối cảnh khó khăn hiện nay mà lại siết quy định thì rất khó cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 13 và 02 của Chính phủ, thì nay nên có điều chỉnh lộ trình hợp lý”, ông Lang nói.

Đại diện Tiên Phong Bank cho rằng: “Thực tế thời gian qua, chúng tôi thấy rằng nếu áp dụng ngay Thông tư 02 thì nợ xấu sẽ tăng lên, đương nhiên chi phí trích dự phòng sẽ tăng lên. Khách hàng mong muốn làm sao có thể kéo dài thời gian để họ có thể chuẩn bị, bởi đã mang tiếng nợ xấu thì còn ai cho vay nữa. Việc hoãn lại trong vòng 1 năm cũng không quá dài để chúng ta đối mặt với khó khăn hiện nay. Các ngân hàng và doanh nghiệp phải có trách nhiệm kiểm tra lại để khi áp dụng trở lại thì sẵn sàng ngay”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm