Chưa phát hiện gạo có hóa chất, trà bẩn

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, Cục đã tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động xay xát, sơ chế, đóng gói gạo của 6 cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng không phát hiện việc sử dụng hóa chất trong sản xuất gạo.

 Liên quan đến thông tin nhiều nhà máy xay xát ở TP.Hồ Chí Minh dùng hóa chất cấm để làm gạo trắng hơn, thổi cơm nở gấp đôi, biến gạo mốc trở nên trắng thơm…, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, Cục đã tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động xay xát, sơ chế, đóng gói gạo của 6 cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng không phát hiện việc sử dụng hóa chất trong sản xuất gạo. Tại đường Lê Văn Khương, quận 12 cũng không có xưởng chuyên xử lý gạo mốc bị các đại lý trả lại.

Cho đến nay vẫn chưa phát hiện gạo có hoá chất trên thị trường.
Cho đến nay vẫn chưa phát hiện gạo có hoá chất trên thị trường.

Ngoài ra, Cục cũng đã lấy 12 mẫu gạo của các cơ sở thực hiện kiểm tra, gửi đến phòng kiểm nghiệm để phân tích. Kết quả, 12/12 mẫu không phát hiện hoạt chất Deltamethrine (sử dụng phòng trừ sâu trên lúa, khử trùng kho) và Benzoylperoxide (chất tẩy màu, bảo quản được phép sử dụng). Riêng hoạt chất Calciumperoxide (được phép sử dụng), Cục đã liên hệ với các phòng kiểm nghiệm được chỉ định trên địa bàn thành phố nhưng các phòng này không nhận phân tích, với lý do không có phương pháp thử hoặc không có chất chuẩn (!?).

Theo ông Tiệp, Chi cục BVTV TP.Hồ Chí Minh đang tiếp tục liên hệ với các phòng kiểm nghiệm được chỉ định khác để phân tích chỉ tiêu này. Riêng đối với vấn đề trà bẩn ở Bình Dương và Lâm Đồng, ông Tiệp cho biết, kết quả kiểm tra và xác minh ban đầu tại Bình Dương cho thấy chưa có cơ sở khẳng định trà phế thải được lấy từ Bình Dương rồi tuồn vào các xưởng chuyên làm trà bẩn tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Bã trà được một số cơ sở sản xuất thu mua tái chế để khâm liệm, mai táng hoặc doanh nghiệp sản xuất thuê đưa đi chôn lấp (không dùng làm thực phẩm cho người).

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng các đơn vị của Bộ cần phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục kiểm tra gạo, trà…, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.

Cũng theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), trong tháng 8 các địa phương đã triển khai lấy 507 mẫu thủy sản nuôi để phân tích các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh. Kết quả, phát hiện 1 mẫu tôm thẻ chân trắng tại Ninh Phước (Ninh Thuận) nhiễm oxytetracycline vượt quá giới hạn cho phép. Tại miền Bắc, 4/54 mẫu thịt gà phát hiện vi khuẩn campylobacter spp; 2/40 mẫu và 4/40 mẫu dương tính lần lượt với chloramphenicol và furazolodon (2 chất cấm); 4/40 mẫu phát hiện tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép.

Theo Hữu Thông
Dân Việt