1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chưa đến mức nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu

(Dân trí) - “Tình hình kinh tế trong và ngoài nước đang có những khó khăn tác động tới TTCK, nhưng không phải mức độ khiến các nhà đầu tư quá hốt hoảng bán tháo chứng khoán ra như hiện nay”.

Sau khi chỉ số Vn-Index rời ngưỡng 500 điểm, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình hình của thị trường và những giải pháp “cứu” chứng khoán.

Giá chứng khoán liên tiếp đi xuống, nhà đầu tư gần như “miễn dịch” với các động thái “cứu” thị trường. Hiện tại, Uỷ ban Chứng khoán có đề xuất các biện pháp cụ thể mới gì để bình ổn và phát triển thị trường không, thưa ông?

Với tình hình cấp bách hiện nay, Ủy ban Chứng khoán đang nghiên cứu và trình Chính phủ một số giải pháp cáp bách, tất nhiên quyết định là của Chính phủ và các Bộ ngành. Việc hỗ trợ này, chúng tôi cho rằng vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng.

Chúng tôi đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ngừng ngay việc giải chấp, cầm cố và kể cả các hợp đồng repo. Vì khi các khoản vay nợ hiện nay của các tổ chức, công ty chứng khoán, ngân hàng đến hạn trả nợ mà giá cứ xuống và phải thực hiện giải chấp thì sẽ đẩy ra; phải có các nguồn tín dụng để thế vào những tín dụng đã đến hạn. Bình thường một khoản đi vay phải dùng khoản vay khác để hỗ trợ và giảm dần lượng đi vay theo một tiến độ giảm dần.

Thứ hai, đề xuất về mua ngoại tệ. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ mạnh hơn. Vừa qua ngân hàng cũng đã mua nhưng việc mua ngoại tệ phục vụ mua cổ phiếu trên thị trường, góp vốn nước ngoài vào các doanh nghiệp đấu giá cổ phần hoá thì cũng chưa giải quyết hết được. Vậy trước mắt, Chính phủ có thể nới thêm trong diện ưu tiên để Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề này để tạo luồng ngoại tệ.

Thứ ba là vấn đề SCIC. Chiều nay Bộ Tài chính đã họp bàn cơ chế phối hợp của SCIC với các vụ chức năng. Vừa rồi, SCIC cũng có mua vào, việc mua vào thời điểm đó cũng tác động đến ổn định tâm lý.

Nhưng bây giờ cũng cần một cơ chế cho SCIC để tách rời giữa chức năng can thiệp và chức năng kinh doanh của SCIC cho rõ ràng. Bản thân SCIC cũng không đủ năng lực để có những can thiệp mạnh, tác động nhanh…

Như ông nói, vấn đề các ngân hàng giải chấp, cầm cố, thậm chí do bị siết chặt tín dụng nên phải bán chứng khoán ra, đã gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. Theo ông, hệ thống ngân hàng phải làm thế nào để hạn chế hành động này?

Trong kiến nghị tổng thể chúng tôi cho rằng, một mặt ngân hàng cũng phải thấy được là nếu ngân hàng vẫn tiếp tục yêu cầu giải chấp thì giá sẽ còn xuống nữa. Giá xuống thì rủi ro của ngân hàng trong cầm cố cũng tăng lên, khả năng khó trả nợ tăng lên. Do đó, ngân hàng phải tạo cho người đi vay cơ hội để gỡ ra và bản thân ngân hàng bảo toàn được nguồn vốn.

Chính phủ cũng phải có nghiên cứu, quyết sách để hỗ trợ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng để đảm bảo thực hiện được mục tiêu là tạm ngừng hoạt động giải chấp để ổn định tâm lý.

Một số ý kiến cho rằng, việc Uỷ ban chứng khoán quyết định giảm biên độ trên hai sàn chứng khoán là một hành động “thô bạo” đối với thị trường. Ý kiến của ông?

Giảm biên độ dao động giá của các nhà đầu tư và các tổ chức vào lúc này là để trấn tĩnh thị trường tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn, chứ không phải giảm biên độ rồi duy trì kéo dài.

Việc giảm biên độ lần này khác với những lần trước ở chỗ, những lần trước khi thị trường nóng, việc giảm biên độ gây tín hiệu tâm lý là nhà đầu tư dễ bị mất tiền. Còn bây giờ thị trường đang xuống, giảm biên độ sẽ giúp nhà đầu tư trấn tĩnh lại để thị trường không giảm sâu nữa. 

Đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế trong lúc chờ đợi Chính phủ có những giải pháp thích hợp đưa ra hỗ trợ thị trường.

- Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền