Hà Nội:

Chưa chuyển tuyến xe Nghệ An sang bến Nước Ngầm

(Dân trí) - Sau khi Dân trí phản ánh những bất hợp lý trong việc <a href="http://www2.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/5/179537.vip"> chuyển 2 tuyến xe khách</a> từ bến Giáp Bát sang bến Nước Ngầm, chiều 18/5, Sở GTCC HN đã tổ chức cuộc họp với các bến xe để xem xét “vấn đề” và đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm cho việc đi lại thuận tiện của người dân cũng như quyền lợi của doanh nghiệp.

Vì sao phải chuyển bến?

Tại cuộc họp giải thích về lý do chuyển bến, ông Nguyễn Hoàng Linh - Trưởng phòng Vận tải Công nghiệp (Sở GTCC) cho biết: Hiện tại các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Lương Yên đều rơi vào tình trạng quá tải, chỉ có 2 bến chưa quá tải là Mỹ Đình và Nước Ngầm.

“Tuy nhiên nếu chuyển tuyến từ bến xe Giáp Bát sang bến Mỹ Đình thì quãng đường quá xa (tới 14km), nên Sở quyết định chọn bến gần 2km là Nước Ngầm. Bên cạnh đó, không thể chuyển các tuyến khác được vì tuyến nào cũng hơn trăm lượt xe/ngày, chỉ có duy nhất tuyến Hà Tĩnh là hơn 20 lượt xe/ngày nên mới được sắp xếp chuyển bến” - ông Linh cho biết.

Tại cuộc họp, rất nhiều ý kiến cho rằng bến xe Giáp Bát đã quá tải, tuy nhiên việc quá tải tại bến không phải vì quá nhiều xe mà do mất trật tự tại bến gây ra.

Trung tá Trần Văn Tỉnh - Phó Trưởng công an quận Hoàng Mai cho biết, do tình trạng xe ôm, taxi trong bến hoạt động lộn xộn tranh giành khách thậm chí đánh, chém nhau dẫn đến ùn tắc cục bộ nên xe không vào, ra được.

Ông Tỉnh cho rằng, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo bến chưa cao nên đã nhiều lần kiến nghị có giải pháp nhưng không chuyển biến. Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Phan Sỹ Thân cũng thừa nhận việc lộn xộn trong bến dẫn đến tình trạng quá tải ảo.

Còn ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho hay, sau 10 ngày triển khai đưa xe tuyến Hà Tĩnh từ Giáp Bát về bến trung bình chỉ có 14/18 xe được chuyển vào bến hoạt động. Vậy 4 xe còn lại đi đâu thì không ai kể cả cơ quan quản lý trả lời được vì sao xe không chịu vào bến?

Mặc dù đã vào bến Nước Ngầm hoạt động, nhưng nhiều lái xe vẫn kêu ca (kể cả số lái xe hoạt động từ trước) là thời gian chờ đón khách quá ngắn đang từ 30 phút/lượt xe, nay chỉ còn 15 - 20 phút/lượt xe nên khi xe xuất bến rất ít khách.

Tuy nhiên, đánh giá của Sở GTCC HN thì lại cho rằng nguyên nhân là do công tác điều hành của bến chưa hợp lý nên đã phát sinh những bức xúc không đáng có.

Tuyến Nghệ An chưa chuyển sang bến Nước Ngầm

Đó là khẳng định của Sở GTCC HN tại cuộc họp với các bến xe vừa qua. Ông Nguyễn Văn Khôi - Giám đốc Sở GTCC HN cho biết, việc giảm tải bến xe không chỉ là giảm xe mà còn phải chấn chỉnh lại việc tổ chức hoạt động của các bến.

Sở GTCC yêu cầu phòng Vận tải Công nghiệp và bến Nước Ngầm trong thời gian tới phải làm việc lại với các doanh nghiệp thống nhất lại giờ xuất bến, bố trí tần suất hợp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và khách đi xe. Đồng thời, bến Nước Ngầm phải sắp xếp cho xe ra vào hợp lý hơn tránh để ùn tắc giao thông tại ngã 3 Pháp Vân - QL1.

Riêng đối với bến Giáp Bát, chậm nhất là ngày 30/5 bến phải trình phương án tổ chức sắp xe ngay lại dịch vụ trong bến, lắp thêm biển báo, kẻ lại vạch sơn trong bến để sắp xếp xe gọn gàng. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm như xe taxi tranh dành khách, xe ôm chèo kéo khách bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực bến.

Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Transerco có phương án tổ chức sắp xếp lại các tuyến xe về đúng luồng tuyến để tránh ùn tắc giao thông cho thành phố và tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân.

Quý Đô - Mạnh Hùng